Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn” và “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”[1].
Nền kinh tế độc lập, tự chủ là nền kinh tế phát huy tốt các năng lực nội sinh, có khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài; là nền kinh tế thị trường mở cửa, tham gia hiệu quả vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế; tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; tuân thủ các nguyên tắc, điều ước và cam kết quốc tế đã ký kết.
Đảng ta khẳng định, một trong những biện pháp trọng tâm cần thực hiện để giữ vững và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ là “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế”[2].
Đồng thời, Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã nêu lên những hạn chế của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam: “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ... Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, chưa ổn định. Vẫn còn các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, ban hành giấy phép con trái quy định. Thiếu cơ chế, chính sách thí điểm các mô hình kinh doanh mới”[3]. Từ đó, Đại hội đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60% - 65%”[4].
"Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III", tháng 12/2021.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía Nhà nước và phía doanh nghiệp Việt Nam:
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hiện đại, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp
Trước hết, cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện Luật, Nghị định, Thông tư liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bổ sung và cụ thể hóa các vấn đề mới của thực tiễn như: các mô hình kinh doanh mới; các quy định đặc thù cụ thể trong các giai đoạn đặc biệt... Đồng thời, tập trung sửa đổi hệ thống luật và chính sách thuế, phí, lệ phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp thông lệ quốc tế. Hoàn thiện hệ thống các quy định của Nhà nước về đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy đổi mới công nghệ, chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại.
Rà soát, điều chỉnh, cụ thể hóa cơ chế triển khai, điều kiện, quy trình thủ tục tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là chính sách tín dụng (đa dạng hóa các nguồn, gia tăng năng lực tài chính; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các quy định pháp lý và cơ chế triển khai thực hiện…) và chính sách khoa học - công nghệ (hoàn thiện hành lang pháp lý tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý về đa dạng hóa nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước cho Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia;khuyến khích phát triển thị trường chuyển giao công nghệ…). Hoàn thiện cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong đặt hàng, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu.
Nghiên cứu, bổ sung các quy định chế tài xử lý cụ thể, đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật; mặt khác, cần bổ sung các quy định cụ thể trong quy trình kê biên, thu hồi tài sản cho Nhà nước. Quy định rõ trách nhiệm và quy trình giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động thực thi chính sách và hoạt động của doanh nghiệp để chủ động phòng ngừa vi phạm.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền hành chính hiện đại, chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số bảo đảm quá trình kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu lớn, phục vụ tốt yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển; nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo lộ trình để nâng cao năng lực tham mưu xây dựng luật và chính sách.
Xây dựng thể chế quản trị quốc gia hiện đại, minh bạch, hiệu quả. Tiếp tục tháo gỡ những quy định chồng chéo, không minh bạch hoặc các quy định tạo căn cứ để cơ quan chức năng can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp; bảo đảm môi trường kinh doanh tự chủ, tự quyết, tự lực cho doanh nghiệp.
Chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ mạnh bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp phù hợp với các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia.Tăng cường hoạt động rà soát, cập nhật các quy định trong hệ thống luật pháp và quy ước quốc tế để kịp thời bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tích lũy nguồn lực, tạo lập cơ hội bứt phá, khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam
Đối với doanh nghiệp nhà nước, cần chủ động phát huy tốt vai trò dẫn dắt, định hướng trong việc hình thành, mở rộng các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Tiên phong trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tiến tới chiếm lĩnh các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao thuộc các chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ; hướng tới tham gia khâu thiết kế, chiếm lĩnh thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm tinh chế trong chuỗi giá trị. Xây dựng đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước chuyên nghiệp, có tầm nhìn chiến lược, có trình độ cao, năng lực quản lý và phẩm chất đạo đức.
Đối với doanh nghiệp tư nhân, phải chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh với các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; ưu tiên phân bổ nguồn lực tài chính cho hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.Tranh thủ tối đa các chính sách hỗ trợ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực hỗ trợ để phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Tạo lập mối quan hệ, gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp khác cùng thành phần kinh tế và các thành phần kinh tế khác. Tạo lập và phát triển chuỗi cung ứng nội địa; chủ động tìm kiếm và liên kết với các đối tác nước ngoài để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và các liên kết kinh tế quốc tế; tận dụng hiệu quả điều khoản có lợi trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Chủ động tự trang bị kiến thức pháp luật trước khi tham gia thị trường, nhất là thị trường quốc tế để sẵng sàng đối phó với tranh chấp, bảo vệ lợi ích kinh tế cho mình và quốc gia; chủ động phòng ngừa, tránh các tranh chấp thương mại quốc tế và những thiệt hại không đáng có. Chú trọng theo dõi, nắm bắt thông tin cảnh báo sớm từ cơ quan quản lý để chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, giảm thiểu rủi ro.
Lâm Thị Phượng