Từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội và coi đó là một trong những nhiệm vụ cần thiết, cấp bách nhằm thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ chí Minh là “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1].
Quá trình triển khai chính sách an sinh xã hội…
Mặc dù từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1992 cũng như trong các văn kiện của Đảng thời kỳ này chưa đề cập tới cụm từ “an sinh xã hội”, nhưng các chính sách xã hội cơ bản đã được thể hiện rõ trong nội dung của hiến pháp và nhiều văn kiện của Đảng. Đến Đại hội IX (tháng 4/2001), Đảng ta chính thức đề cập tới cụm từ “an sinh xã hội” khi xác định: “Khẩn trương mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội”. Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã coi bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta. Điều 34 Hiến pháp 2013 cũng khẳng định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.
Mới đây nhất, trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”[2]. Như vậy, an sinh xã hội đã được xác định là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước trong thời gian tới.
Theo dõi, chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi. Ảnh: Internet.
An sinh xã hội được hiểu là hệ thống cơ chế, chính sách, biện pháp mà Nhà nước và xã hội triển khai nhằm trợ giúp mọi thành viên trong xã hội đối phó với những rủi ro, cú sốc về kinh tế - xã hội làm cho họ bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng…Với cách tiếp cận này, hệ thống an sinh xã hội được hình thành từ năm trụ cột cơ bản: giảm nghèo bền vững; đào tạo nghề, lao động, việc làm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các loại bảo hiểm khác; bảo trợ xã hội; các dịch vụ xã hội cơ bản.
Trong 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước ta tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Những người có công với cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được chăm lo, phụng dưỡng tốt hơn… Chính sách giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo đã đạt được nhiều thành quả tích cực; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được bổ sung, sửa đổi đã mở rộng cơ hội tham gia, thụ hưởng của người dân và tăng cường bền vững tài chính của các quỹ bảo hiểm; công tác trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từng bước chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy con người là trung tâm. Bên cạnh đó, hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu được chú trọng đầu tư, phát triển và người dân được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận và thụ hưởng; tài chính cho an sinh xã hội được tăng cường. Vì vậy, bảo đảm an sinh xã hội đã gắn với tiến bộ và phát triển xã hội, với thành tựu phát triển kinh tế trong bối cảnh kinh tế thị trường; hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện để bảo đảm quyền an sinh xã hội cho mọi người dân.
… và những vấn đề đặt ra
Mặc dù việc triển khai chính sách an sinh xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề đang được đặt ra, đó là: “Giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn, xung đột xã hội. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập. Chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội có mặt còn hạn chế; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa”[3].
Từ thực trạng đó,nhằm hướng tới phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp quan trọng:
Thứ nhất, cần xác định rõ bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của nhân dân trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Muốn vậy, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, thông tin tới các cấp, các ngành và địa phương, đồng thời phải tăng cường tính chủ động của địa phương, các tổ chức, cộng đồng dân cư trong thực hiện, tư vấn, phản biện, kiến nghị và giám sát thực hiện.
Việt Nam hướng tới xây dựng hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bền vững
Thứ hai, có biện pháp huy động hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho thực hiện chính sách an sinh xã hội, trong đó: nguồn lực của Nhà nước nên ưu tiền đầu tư cho vùng có tỷ lệ người dân tiếp cận dịch vụ xã hội còn thấp; nguồn lực khác trong xã hội và quốc tế tập trung cho các vùng, các đối tượng còn lại. Ngoài ra, Nhà nước cần có biện pháp khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển nhiều hơn nữa các mô hình an sinh xã hội, các hoạt động từ thiện, tình nguyện dựa vào sự tham gia của cộng đồng trong việc cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội, thực hiện các hoạt động nhân đạo, giúp đỡ, chia sẻ rủi ro đối với những nhóm yếu thế, những đối tượng đặc thù.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng,hoàn thiện chính sách và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội. Cụ thể là hoàn thiện thị trường lao động, phát triển việc làm, bảo đảm an sinh xã hội bền vững; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu việc làm. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, các chính sách và giải pháp bảo đảm an sinh xã hội như hoàn thiện hệ thống luật về an sinh xã hội, nghiên cứu ban hành các văn bản pháp luật về an sinh xã hội cộng đồng, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, hiệu quả các quy định, chính sách, chế độ an sinh xã hội…
Đại hội XIII của Đảng đã khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Năm 2020 và đặc biệt là 9 tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới mọi mặt của đất nước ta, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã và đang từng bước bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân. Thực hiện phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện cũng chính là thiết thực triển khai chủ đề năm 2021 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Hà Nguyễn