Những luận điệu sai trái không thể xem nhẹ
Thời gian qua, xuất phát từ những nhận thức sai lệch, một số ý kiến cho rằng cách phân chia theo các thành phần kinh tế ở Việt Nam là “không phù hợp”, “khá phức tạp” vì “các số liệu thống kê thiếu đồng bộ nên khó khăn trong việc đánh giá, so sánh”.
Các phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch rêu rao rằng, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với sự đa dạng hóa các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế sẽ dẫn tới sự đa dạng hóa cơ cấu xã hội, đa dạng hóa cơ cấu lợi ích. Do vậy, chúng cho rằng, thích ứng với nền kinh tế “đa nguyên” phải là nền chính trị “đa nguyên”, không thể duy trì mãi chế độ lãnh đạo của một đảng duy nhất.
Gần đây, trên một số diễn đàn, mạng xã hội, một số quan điểm sai trái, thù địch đã xuyên tạc, phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước vì họ cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, mọi thành phần kinh tế đều phải được bình đẳng, tự do cạnh tranh, không thể đề cao vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nào.
Liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, trên một số diễn đàn, xuất hiện những luận điệu xuyên tạc cho rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là “tư nhân hóa”. Đây là những luận điệu sai trái, thù địch nhằm xuyên tạc, bóp méo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Từ việc Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm phát triển kinh tế - xã hội, có lực lượng cơ hội chính trị xuyên tạc rằng Việt Nam coi trọng “con nuôi hơn con đẻ”, tức là Nhà nước ưu đãi cho khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hơn so với tư nhân trong nước.
Đây là những luận điệu lộ rõ ý đồ chống phá chủ trương, chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần của Đảng và Nhà nước ta nhằm hướng lái nên kinh tế Việt Nam theo quỹ đạo phát triển của các nước tư bản chủ nghĩa, từng bước đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là những luận điệu rất nguy hiểm, không thể xem nhẹ!
Chủ trương đúng đắn, nhất quán của Đảng ta trong phát triển kinh tế nhiều thành phần
Phát triển kinh tế nhiều thành phần là chủ trương được Đảng ta từ Đại hội VI - Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới với mục đích phát huy tối đa mọi nguồn lực, mọi chủ thể, mọi thành phần kinh tế để nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trì trệ
Nền kinh tế Việt Nam có nhiều thành phần kinh tế và mỗi thành phần kinh tế có vị trí, vai trò, vị trí khác nhau trong chỉnh thể nền kinh tế; trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đảm bảo cho nền kinh tế nước ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thể hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt, làm công cụ vật chất quan trọng để nhà nước định hướng; đồng thời là công cụ cho điều tiết vĩ mô của nền kinh tế, hoạt động trong các ngành công nghiệp là xương sống dẫn dắt đối với các loại hình doanh nghiệp khác. Do đó, một số ý kiến đồng nhất “kinh tế nhà nước” với “doanh nghiệp nhà nước” là phiến diện vì kinh tế nhà nước không chỉ là doanh nghiệp nhà nước mà còn bao gồm ngân sách nhà nước, các tài nguyên quốc gia và tài sản thuộc sở hữu nhà nước,…
Trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Việt Nam đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đây là chủ trương nhằm thay đổi cách thức quản trị và làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Hơn nữa, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra, Việt Nam luôn nhất quán chính sách các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật, không có sự phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế, các chủ thể kinh tế khác nhau. Hơn nữa, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, với cam kết không có các thiên vị, ưu đãi làm méo mó môi trường kinh doanh. Điều 53 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.
Những luận điệu của các phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch về phát triển các thành phần kinh tế ở Việt Nam là không có căn cứ, phiến diện, mang tính chủ quan áp đặt. Các thành quả phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất cho tính đúng đắn của các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển các thành phần kinh tế.
Hiện nay, kinh tế nhà nước đang khẳng định rõ là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và khắc phục các khuyết tật của kinh tế thị trường. Kinh tế nhà nước không phủ định cạnh tranh mà còn dẫn dắt, khai phá, tạo môi trường cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Vai trò, đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước đối với phát triển kinh tế từ khi đổi mới đến nay là không thể phủ nhận. Đa số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước đều khẳng định, phát huy tốt vai trò là công cụ, lực lượng vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà khu tư nhân chưa có khả năng hoặc không muốn tham gia.
Kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng trong nền kinh tế có xu hướng gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2022, kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng tới 50,04%; giải quyết việc làm cho 41.533,2 nghìn người (tương đương 82,07% lực lượng lao động của nền kinh tế). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có xu hướng gia tăng theo thời gian. Ngày nay, một số tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam đạt tầm cỡ quốc tế… và có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán vượt con số 1 tỷ USD và gia tăng số lượng doanh nhân nằm trong danh sách tỷ phú USD của Forbes (năm 2021, Việt Nam có 6 tỷ phú và năm 2022 là 7 tỷ phú).
Với chính sách nhất quán và môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng gia tăng theo thời gian. Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư FDI. Vài năm gần đây, Việt Nam là điểm sáng về thu hút FDI trên bản đồ toàn cầu, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất lợi như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, đại dịch Covid-19, tác động của xung đột Nga - Ukraina,… Thời gian qua, dòng vốn vốn đầu tư nước ngoài nói chung và FDI nói riêng vào Việt Nam có những đóng góp quan trọng về tăng vốn đầu tư, tạo việc làm, xuất khẩu, ngoại hối, thu thuế và thông qua tác động gián tiếp đến các nhà cung cấp địa phương góp phần chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và hiệu quả quản trị.
Do đó, có thể khẳng định, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và xuất phát từ yêu cầu, đỏi hỏi của thực tiễn đất nước.
Nguyễn Đình Hòa