Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, kinh tế số trở nên phổ biến và là xu hướng tất yếu đối với bất cứ quốc gia nào nếu không muốn tụt lại phía sau. Đây là vừa là điều kiện vừa là tiền đề để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,...). Sự phát triển cao của lực lượng sản xuất mà trực tiếp là sự phát triển mạnh mẽ song hành giữa các công nghệ số hóa (Internet vạn vật) và kinh tế số đã tạo nên sự biến đổi to lớn, nhanh chóng đối với nền kinh tế và mọi mặt của đời sống con người. Sự phát triển của kinh tế số đã tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng trong nền kinh tế: từ sản xuất, phân phối, cung ứng dịch vụ cho đến tiêu dùng với tốc độ và quy mô chưa từng có. Kinh tế số không chỉ hỗ trợ hoạt động kinh tế của chủ doanh nghiệp, hỗ trợ quản trị và điều tiết của chính phủ, mà còn tạo ra các loại hình kinh doanh đa dạng và cải tiến không ngừng, tạo thêm các loại hình việc làm hoàn toàn mới.
Cơ hội phát triển kinh tế số Việt Nam.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/infographics-nen-kinh-te-so-viet-nam-se-dat-12-ty-usd-trong-2019/599685.vnp
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số khá nhanh trong khu vực. Xu hướng số hóa, chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số diễn ra rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại đến giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục, du lịch, giải trí... và đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Theo báo cáo của WIPO, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021. Theo báo cáo của “e-Conomy Southeast Asia 2019” do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam được định giá năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP năm 2019), dự đoán đạt 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Kinh tế số với hiệu suất kinh tế vượt trội và các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế, từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ; từ sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa đến các yếu tố hỗ trợ, như: giao thông vận tải, logistic, tài chính, ngân hàng,...
Kinh tế truyền thống và Kinh tế số. Nguồn: Internet
Kinh tế số Việt Nam phát triển mạnh cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Song, quá trình phát triển kinh tế số ở Việt Nam cũng gặp những khó khăn và thách thức: (i) Hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng được yêu cầu, hệ thống dữ liệu ở Việt Nam còn phân tán, chưa chia sẻ và kết nối liên thông. (ii) Môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số ở nước ta còn yếu, chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo. (iii) Nguồn nhân lực công nghệ thông tin - nhân tố quan trọng nhất phát triển kinh tế số - ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. (iv) Việc bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin ở nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu. (v) Công tác quản lý thu thuế thế nào với các hoạt động thương mại và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. (vi) Sự mất cân bằng giữa các lĩnh vực, vùng miền; xuất hiện những đối tượng yếu thế ở vùng sâu vùng xa, khó khăn trong tiếp cận kinh tế số; những vấn đề về mặt pháp lý, an ninh mạng và việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng; nhận thức, thói quen và chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chưa “thực sự sẵn sàng” cho nền kinh tế số. (vii) Thách thức lớn và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các tập đoàn thương mại điện tử phát triển và vận hành một hệ sinh thái kinh doanh khép kín bao gồm nhiều sản phẩm, dịch vụ, tiện ích đầu cuối, từ vận chuyển, đi lại, du lịch, ẩm thực, giải trí, sách báo, siêu thị điện tử cho đến khám chữa bệnh,...
Việc làm trong nền kinh tế số. Nguồn: Internet
Vậy, giải pháp nào cần được thực hiện để phát triển nền kinh tế số nhanh và hiệu quả ở Việt Nam giai đoạn hiện nay?
Một là, cần xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và là con đường để tạo lập phồn vinh cho dân tộc.
Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo cho nền kinh tế số: Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường kết nối cộng đồng khoa học công nghệ giữa các quốc gia, khu vực để nâng cao trình độ và kỹ năng số cho doanh nghiệp và người dân.
Ba là, xây dựng và công bố quy hoạch ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin: Nhà nước tiếp tục ban hành các quy định, tiêu chuẩn trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị để tạo sự liên kết hạ tầng dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin.
Bốn là, đảm bảo an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao:chú trọng công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh mạng, giám sát và phòng, chống các loại tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao; tham gia các cơ chế, sáng kiến hợp tác, liên kết quốc tế và khu vực bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, ngăn chặn và chống các loại tội phạm lợi dụng công nghệ...
Năm là, phát động cuộc cách mạng toàn dân sử dụng, phổ cập công nghệ số.Tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn xã hội về nền kinh tế số. Các cơ quan báo chí, tuyền thông cần định hướng dư luận, giúp cho các doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội có nhận thức đúng về nền kinh tế số, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho thích ứng xu hướng phát triển này.
Sáu là, doanh nghiệp với phát triển kinh tế số. Hỗ trợ và tuyên truyền cho các doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa; tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh; có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số phù hợp với những mô hình kinh doanh và các mô hình hợp tác mới.
Tóm lại, phát triển kinh tế số là một trong những biểu hiện cụ thể thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước. Nền kinh tế số ngày càng bao phủ trong tất cả các khía cạnh kinh tế - xã hội. Quá trình phát triển nền kinh tế số của Việt Nam sẽ gặp nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Sự đồng lòng của Nhà nước, Chính phủ, Doanh nghiệp và Người dân sẽ giúp phát triển kinh tế số nhanh hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đức Trí