Chúng ta có thể thấy, “cái lõi” của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là phát triển “kinh tế số” và quá trình “chuyển đổi số”, chính quá trình này đang tác động sâu rộng đến thương mại dịch vụ, tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội toàn cầu… Theo đó, thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển lớn lao từ nền kinh tế truyền thống (kinh tế vật lý) sang một nền kinh tế hoàn toàn mới mẻ: quá trình sản xuất và trao đổi hàng hóa dựa trên công nghệ số - kinh tế số.
Chúng ta có thể hình dung kinh tế số là phương cách sản xuất có sử dụng ‘công nghệ số’, ‘dữ liệu số’, ‘nhân lực số’… để tạo ra những “mô thức” kinh doanh mới; tạo ra hàng hóa, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp, nhà nước với sự ‘tích hợp’ cao của hệ thống “siêu kết nối số- vật lý” của các công nghệ “đột phá” (in-tơ-nét vạn vật - internet of things, điện toán đám mây - icloud, trí tuệ nhân tạo - artificial intelligence, rô-bốt thông minh...) trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.
Trong nền kinh tế số, có nhận đình rằng “chi phí biên” để sản xuất ra hàng hóa ngày càng giảm và có xu hướng tiến đến bằng “không”; kinh tế số cũng sẽ tạo ra cơ hội cho nhiều người hơn, cho các thành phần, khu vực, qua đó góp phần làm giảm khoảng cách giàu-nghèo, giải quyết nhiều vấn đề xã hội, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào hoạch định chính sách,... Đây là cơ hội phát triển “chưa từng có” trong lịch sử, là thời cơ để Việt Nam bắt kịp, đi cùng và vượt lên các nước đang phát triển khác.
Những cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế số
Hiện tại và tương lai, kinh tế số sẽ phát triển nhanh, tác động ngày càng sâu sắc và “đa chiều” đến sự thịnh vượng của các quốc gia, cũng như nước ta. Hầu hết các nước trên thế giới đã có chiến lược phát triển kinh tế số, như: Mỹ với chiến lược “Liên minh Internet Công nghiệp” (IIC); Nước Anh xây dựng chiến lược “Thành phố công nghệ” ((Tech City UK); Trung Quốc với chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025)… Do đó, chúng ta cũng cần xây dựng những “đề án Việt Nam số”, hay chiến lược “Make in Vietnam”… để “hiện thực hóa” xu hướng kinh tế số nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 50.000 doanh nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số và các dịch vụ ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), tổng doanh thu năm 2017 đạt 91,6 tỷ USD, gấp 12 lần so với năm 2010 (7,6 tỷ USD); 85% doanh thu thuộc ngành công nghiệp phần cứng. Các thiết bị ICT chiếm khoảng một phần tư kim ngạch xuất khẩu, trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Công nghệ phần mềm có tốc độ tăng trưởng cao (15-25%/năm). Với khoảng 9.500 công ty phầm mềm đạt 3,7 tỷ USD doanh thu (2017), Việt Nam đã trở thành điểm “gia công phần mềm” lớn thứ hai cho Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc.
Đáng nói hơn, công nghệ cao và số hóa đã lan tỏa đáng kể trong cộng đồng doanh nghiệp, tạo cơ hội phát triển cho những ai biết “tư duy lại, cơ cấu lại, xây dựng lại”. Có thể kể đến Viettel, FPT, Vingroup, CMC, Thaco, Vinagame, TH-Truemilk… trong đó đã có những tập đoàn “vươn lên” khẳng định là tập đoàn số trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hỗ trợ “chuyển đổi số” cho các tập đoàn lớn như Airbus, Boeing, UPS, GE… và là đối tác lớn thứ hai của Nhật Bản trong tham gia nghiên cứu, phát triển các dự án công nghệ AI, Blockchain, robot, IoT…
Trong bối cảnh đó, theo thống kê của Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng cùng với môi trường kinh doanh kinh doanh, thể chế để phát triển kinh tế số. Theo một nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 12 tỷ USD năm 2019 và dự báo đạt 43 tỷ USD vào năm 2025. Với 54 triệu người sử dụng internet, hơn 42 triệu người sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội… là điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử, kinh tế số.
Hình 1: Dự báo về doanh số nền kinh tế số Việt Nam
Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019” (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3-10-2019, tại TP Hồ Chí Minh.
Nhận thức rõ xu hướng trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2025-2045.
Cụ thể đến năm 2025, (i) duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; (ii) xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN, Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; (iii) kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm…
Đến năm 2030: (i) duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; (ii) mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; (iii) kinh tế số chiếm trên 30% GDP, năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm.
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh…
Những rào cản cần vượt qua trong phát triển kinh tế số Việt Nam
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế số, Việt Nam vẫn còn nhiều “rào cản” cần vượt qua để có thể tăng tốc, “bắt nhịp số” nhanh chóng cùng thế giới, cụ thể là:
Thứ nhất, nhiều người còn đang “thiếu niềm tin” đối với kinh tế số, giao dịch số... Với mục tiêu không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, áp dụng thanh toán điện tử và dịch vụ “ngân hàng số” nhưng hiện chỉ có khoảng 50% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Loại hình thanh toán phổ biến nhất cho thương mại điện tử vẫn là tiền mặt. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn “nghi ngờ” các hình thức kinh doanh online, cho rằng đây là hình thức bán hàng lừa đảo do chất lượng hàng hóa chưa như quảng cáo.
Thứ hai, tiền đề cơ bản để “kinh tế số Việt Nam” phát triển mạnh hơn trong tương lai là hệ thống mạng 5G để thời gian giao dịch ngắn và độ an toàn cao. Tuy nhiên, theo thống kê của hãng bảo mật Kaspersky, Việt Nam nằm trong ‘top 3’ quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới trong năm 2018. Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, có tổng cộng 10.000 vụ tấn tấn công mạng nhằm vào Internet Việt Nam năm 2017, gây thất thoát 12,3 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy, đang có một “thách thức” rất lớn với nước ta trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thông tin nếu muốn đưa kinh tế số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế.
Thứ ba, doanh nghiệp số Việt Nam vẫn ở vị trí yếu và đang phải “chia phần” chiếc bánh doanh thu các mô hình kinh tế số, vai trò chi phối của các tập đoàn như Samsung, Intel, Alibaba… hiện rất chi phối. Hơn thế nữa, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu còn “nhỏ và vừa”, mới tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Thứ tư, sự thiếu hụt nguồn “nhân lực số”, cả về số lượng và chất lượng là rào cản lớn nhất, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin, truyền thông chất lượng cao, nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu… Nền giáo dục Việt Nam có những khâu còn chưa “bắt kịp” xu thế phát triển vũ bão của kinh tế số, kinh tế thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Với nhận thức như vậy, để phát triển nhanh nền “kinh tế số Việt Nam” đang cần có sự quyết tâm triển khai của tất cả các thành viên trong xã hội; Đồng thời để khắc phục được những “rào cản” như phân tích ở trên, chúng ta cần thực hiện hiệu quả và đồng bộ 08 nhóm giải pháp nhằm chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số./.
Hai Điền