Hiểu một cách chung nhất, kinh tế tư nhân là khái niệm dùng để chỉ các hình thức tổ chức kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tưnhân về tư liệu sản xuất. Theo đó, kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay bao gồm kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân.
Nhận thức được vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, kể từ khi đường lối đổi mới được khởi xướng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế tư nhân, tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển và đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986), Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận về những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với kinh tế tư nhân: “Chúng ta chưa thật sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta còn tồn tại trong một thời gian tương đối dài”. Từ đó, Đảng khẳng định: “Phải có chính sách mở đường cho người lao động tự tạo ra việc làm, kích thích mọi người đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm tiêu dùng để tích luỹ, mở rộng tái sản xuất trên quy mô toàn xã hội”. Do đó, bên cạnh quan điểm khuyến khích phát triển kinh tế gia đình và thừa nhận kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá, tại Đại hội VI, Đảng chủ trương: Cho phép kinh tế tư bản tư nhân sử dụng vốn, kiến thức kỹ thuật và quản lý để tổ chức sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, nghề thuộc khu vực sản xuất và dịch vụ..., quy mô và phạm vi hoạt động của các cơ sở kinh tế tư bản tư nhân được quy định tuỳ theo từng ngành nghề và mặt hàng, hoạt động của kinh tế tư bản tư nhân được hướng dẫn đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội bằng nhiều hình thức.
Như vậy, ngay từ khi tiến hành Đổi mới, Đảng đã khẳng định việc phát triển kinh tế tư nhân luôn gắn với quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa theo phương châm “sử dụng để cải tạo, cải tạo để sử dụng tốt hơn”.
Sau Đại hội VI, việc nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân đã có sự thay đổi về cơ bản. Trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa VI (15/7/1988) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, Đảng ta đã khẳng định: Kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Sau đó, trong các văn kiện quan trọng của Đảng, vai trò, đóng góp của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế đất nước tiếp tục được khẳng định và đề cao. Tại Đại hội lần thứ IX (4/2001), Đảng chủ trương: “Nhà nước tạo điều kiện và giúp đỡ kinh tế cá thể, tiểu chủ phát triển..., khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài”. Ngay sau Đại hội IX, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (3/2002), kinh tế tư nhân được xác định là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Tổng kết 20 năm đổi mới, tại Đại hội X của Đảng (4/2006), kinh tế tư nhân chính thức được xác nhận là một thành phần kinh tế trên cơ sở hợp nhất thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ và thành phần kinh tế tư bản tư nhân; đồng thời, Đảng khẳng định: “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”. Bên cạnh đó, một điểm mới trong quá trình thực hiện nghị quyết đại hội X là Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành quyết định số 15-QĐ/TW về việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân. Quan điểm này vừa thể hiện sự nhất quán trong chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân của Đảng, vừa là một hành động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Tiếp tục nhất quán chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Đại hội lần thứ XI (1/2011) xác định: “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách để tạo điều kiện hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân và khuyến khích tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước...”. Đồng thời, một điểm mới tại Đại hội lần này là lần đầu tiên Đảng chủ trương cho phép nghiên cứu cơ chế chính sách để thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Có thể nói rằng, chủ trương này càng thể hiện rõ tính nhất quán của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời là chính sách hợp lý để thu hút, khai thác và sử dụng tối đa tài năng, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ chủ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công tác xây dựng phát triển đảng, từ đó làm cho Đảng thực sự là nơi hội tụ sức mạnh của cả dân tộc, có đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng (1/2016) nhấn mạnh: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Quan điểm này không chỉ là sự ghi nhận đúng vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay, mà còn là động lực trực tiếp thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển để đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhằm cụ thể hoá hơn nữa Nghị quyết Đại hội XII, ngày 03/6/2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững; thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh…, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Gần đây nhất, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng” và kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động.
Như vậy, xác định đúng vị trí, vai trò và có chính sách hợp lý để phát triển kinh tế tư nhân là một quan điểm nhất quán của Đảng theo mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, từ việc thực hiện đúng chính sách của Đảng mà kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới; đồng thời là minh chứng sinh động bác bỏ quan điểm sai trái, thù địch cho rằng: chính sách của Đảng đối với kinh tế tư nhân là không nhất quán và việc cho phép phát triển kinh tế tư nhân là đi ngược lại mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Văn Thắng