Thực trạng ngập mặn ở khu vực Tây Nam Bộ hiện nay
Dưới sự tác động của biến đổi khí hậu và một số nhân tố khác, từ cuối năm 2015 đến những tháng gần đây, các địa phương trong khu vựcTây Nam Bộ đã hứng chịu các đợt hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng. Tháng 6/2016, 13/13 tỉnh, thành phố ở khu vực này đã ban hành quyết định công bố bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn.
Hạn hán, xâm nhập mặn đã làm cho khoảng 139.000ha lúa trong khu vực bị thiệt hại, trong đó có hơn 50% diện tích bị mất trắng gây thiệt hại khoảng 215 tỷ đồng. Đồng thời, hạn hán, xâm nhập mặn làm cho khoảng 400.000 hộ dân (khoảng 1,5 triệu nhân khẩu) bị thiếu nước sinh hoạt. Trong đợt hạn - mặn năm 2015-2016, tổng thiệt hại toàn vùng ước tính gần 7.520 tỷ đồng, trong đó, các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu là những địa phương bị thiệt hại lớn nhất (khoảng 6.050 tỷ đồng).
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Internet
Trong các năm 2017 và 2018, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại tiếp tục phải hứng chịu những đợt sạt lở bờ sông, bờ biển với tần suất và quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử hơn 300 năm phát triển của vùng. Sạt lở đã uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai và cơ sở hạ tầng vùng ven biển, và làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển. Tổng thiệt hại do sạt lở bờ sông, bờ biển ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tính đến hết năm 2018 vào khoảng 2.766,6 tỷ đồng.
Thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gia tăng nhanh chóng với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tính chung trong giai đoạn 2010-2018, tổng thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra ở đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 20.945 tỷ đồng. Đến nay, đã có 5 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Long An ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán và xâm nhập mặn. Hơn 39.000ha lúa bị thiệt hại, hơn 96.000 hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt, dự báo con số thiệt hại sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 là xâm nhập mặn lịch sử, xuất hiện sớm, cường độ cao, thời gian ảnh hưởng dài hơn đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng năm 2015 - 2016. Thiệt hại lúa vụ mùa 2019 và Đông - Xuân 2019 - 2020 khoảng gần 39.000ha, chiếm khoảng 1,2% so với tổng diện tích gieo trồng (1,54 triệu ha), bằng 9,6% so với diện tích bị ảnh hưởng năm 2015 - 2016.
Giải pháp phát triển nông nghiệp của vùng trong bối cảnh xâm nhập mặn
Để phát triển bền vững khu vực Tây Nam Bộ trong bối cảnh mới, ngày 17/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 417/QĐ-CP phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120 với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Theo đó, để phát triển nông nghiệp vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh xâm nhập mặn cần đặc biệt quan tâm một số giải pháp sau:
Thứ nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của ba trụ cột: nhà nước - thị trường (doanh nghiệp) và xã hội trong phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Lý luận và thực tiễn đều cho thấy, để phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, cần phải coi trọng việc phát huy sức mạnh tổng hợp của ba chủ thể chủ yếu, đó là nhà nước - doanh nghiệp và xã hội (các đoàn thể xã hội và người dân).
Thứ hai, phát huy đúng mức vai trò và chức năng của nhà nước trong phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Trong giải quyết các vấn đề xã hội, tuy sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội có vai trò quan trọng, nhưng nhà nước vẫn là chủ thể giữ vai trò quan trọng nhất.
Để phát triển nông nghiệp vùng Tây Nam Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, đòi hỏi nhà nước và chính quyền địa phương cần thực hiện tốt các chức năng cơ bản: (i) xây dựng thể chế và quy hoạch phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; (ii) huy động và tăng cường nguồn lực để phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; (iii) thúc đẩy đổi mới và phát triển khoa học công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp thông minh; (iv) đầu tư phát triển dịch vụ công cơ bản, nhất là kết cấu hạ tầng; (v) điều phối ngành, liên ngành, vùng, liên vùng, quốc gia và quốc tế.
Thứ ba, đánh giá, dự báo và khẩn trương xây dựng, triển khai các quy hoạch về sản xuất nông nghiệp, về bố trí dân cư thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Trước tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn hiện nay, các cơ quan nhà nước cũng như chính quyền địa phương cần đánh giá đầy đủ tình hình và đưa ra những dự báo, kịch bản cho những năm tới; trên cơ sở đó, kịp thời xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch về sản xuất nông nghiệp và bố trí dân cư thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn mặn.
Cống giữ nước ngọt, ngăn mặn được xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: Internet
Thứ tư, tập trung nguồn lực và đẩy nhanh việc thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn mặn, trong đó cần đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long”; tập trung nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình để bảo đảm khả năng kiểm soát nguồn nước, chất lượng nước liên vùng, chủ động điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý cho các đối tượng sử dụng nước ở các vùng: vùng thượng, vùng giữa, vùng ven biển; đầu tư, nâng cấp hệ thống tiếp ngọt; nâng cấp hoàn thiện công trình kiểm soát triều cường; công trình chuyển nước ngọt liên vùng cho vùng nuôi trồng thủy sản; xây dựng các hồ trữ nước để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt...
Thứ năm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển nông nghiệp thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Giải pháp căn cơ để phát triển nông nghiệp vùng Tây Nam Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển nông nghiệp thông minh.
Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhà nước và chính quyền địa phương cần tập trung thực hiện: (i) xây dựng quy hoạch cụ thể, chi tiết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng như cơ cấu cây trồng, xác định được các loại cây trồng, vật nuôi có thể sinh trưởng và chống chịu được trong điều kiện hạn mặn; (ii) hỗ trợ và có cơ chế phù hợp để phát triển các loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện hạn mặn; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, khuyến nông nhằm lai tạo, phổ biến các giống cây trồng, vật nuôi mới có khả năng thích ứng với điều kiện như tình trạng hạn, mặn hiện nay; (iii) đổi mới chính sách đất đai, tài chính và tín dụng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với hạn mặn; (iv) tăng cường liên kết vùng; (v) có giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ đầu vào trong sản xuất nông nghiệp và tìm đầu ra và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp; (vi) tăng cường đào tạo nghề cho nông dân nhằm phục vụ đắc lực cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Bình Trọng