Quan hệ gắn bó thủy chung, trong sáng từ lịch sử
Quan hệ gắn bó Việt Nam - Lào được hình thành từ trong lịch sử giữa hai nước láng giềng, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có những điểm tương đồng và sự giao thoa về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Nhân dân hai nước, nhất là ở vùng biên giới, đã thường xuyên nương tựa vào nhau, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày, cũng như mỗi khi có thiên tai, địch họa. Hai nước luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau qua các giai đoạn lịch sử.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sau đó đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng chung của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, mở đầu cho những trang sử quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Đây chính là nền móng vững chắc của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là “kiến trúc sư” vĩ đại của tình đoàn kết đặc biệt đó. Đồng chí Kaysone Phomvihane từng trân trọng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tư tưởng và tình cảm của Bác Hồ là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cổ vũ sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi. Từ ngày cách mạng Lào còn trứng nước cho đến lúc đã trưởng thành, Bác Hồ luôn quan tâm dẫn đường chỉ lối”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam năm 1966. Ảnh Tư liệu.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hai Đảng, hai Nhà nước, Nhân dân hai nước đã đồng cam cộng khổ, sinh tử có nhau trong suốt chặng đường lịch sử. Ghi nhận sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, góp phần tô thắm thêm mối quan hệ đặc biệt hiếm có giữa hai dân tộc trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung, Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng nói: “Tuy Việt Nam có khó khăn nhưng đã không tiếc gì với Lào, chính cái đó đã góp phần tăng cường đoàn kết giữa hai Đảng. Đây là quan hệ đặc biệt trên thế giới không đâu có”[2].
Ngày 5-9-1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là sự kiện trọng đại, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Năm 1977, với nhận thức sâu sắc về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ này, hai bên đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, khẳng định tình cảm vô tư trong sáng, cam kết cùng kề vai sát cánh trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, hòa bình, phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước. Đây là cơ sở vững chắc để tăng cường và mở rộng quan hệ giữa hai nước, tạo tiền đề cho nhiều thỏa thuận hợp tác toàn diện sau này.
Bước vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện tiếp tục được hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước củng cố và tăng cường, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Hai bên đã ra các tuyên bố chung qua các chuyến viếng thăm của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước; đồng thời đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng và một số hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và Lào. Hai bên cũng phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, khu vực như Liên hợp quốc, APEC, ARF, ASEM, EAS... Đây là minh chứng tiếp tục khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước ngày càng sâu rộng, tạo bước đột phá, đưa quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng hiệu quả và thực chất trên tất cả các lĩnh vực.
Phát triển quan hệ hợp tác Việt - Lào trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh mới, quan hệ Việt Nam - Lào đang đứng trước những khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị và thành quả mà quan hệ hai bên đạt được thời gian qua, có thể tin tưởng rằng, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào thời gian tới sẽ không ngừng phát triển, như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane nhân chuyến thăm Lào của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ mới đây: Mặc dù tình hình khu vực và thế giới đang tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự đoán, nhưng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Lào - Việt Nam tiếp tục không ngừng được phát triển. Việc hai nước phối hợp tổ chức Năm đoàn kết hữu nghị tiếp tục thể hiện sự sinh động của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, là dịp để chúng ta cùng nhìn lại truyền thống quan hệ hiếm có trong suốt nhiều thập kỷ qua, đồng thời cũng là cơ hội tuyên truyền giáo dục cho người dân hai nước, đặc biệt là thế hệ thanh niên hiểu, nhận thức đúng đắn về mối quan hệ đặc biệt đó.
Lễ phát động năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam năm 2022. Ảnh: Internet.
Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc rằng, mỗi thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới ngày nay của Việt Nam đều gắn liền với sự đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào. Do đó, thúc đẩy quan hệ hữu nghị đặc biệt với Lào luôn có vị trí ưu tiên hàng đầu trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Gần đây, trong các chuyến viếng thăm lẫn nhau của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp dưới các hình thức linh hoạt. Lãnh đạo hai bên cũng thống nhất trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hơn lúc nào hết hai nước cần phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế; triển khai hiệu quả các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai bên; phối hợp triển khai hiệu quả các Nghị định thư, kế hoạch hợp tác về an ninh - quốc phòng; ủng hộ nhau giữ vững ổn định an ninh - xã hội. Hai bên cũng cam kết phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước, nhất là phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, củng cố vững chắc đường biên giới giữa hai nước hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Theo đó, quan hệ chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng giữa Việt Nam và Lào thời gian tới chắc chắn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.
Lãnh đạo hai nước Việt Nam -Lào mong muốn nâng tầm trụ cột hợp tác kinh tế tương xứng với quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Theo đó, hai bên thống nhất mở rộng và nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối kinh tế, cơ sở hạ tầng nhằm củng cố nền tảng lâu dài, vững chắc cho quan hệ hai nước. Tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, triển khai nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao, các hiệp định đã ký kết trên tinh thần “đã làm đến đâu thì phải chắc tới đó”. Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả nội lực của hai nước và các nguồn lực bên ngoài cho hợp tác và kết nối kinh tế Việt Nam - Lào cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Trong đó, ưu tiên cao cho tăng cường kết nối hạ tầng đường bộ, đường sắt, năng lượng, viễn thông, kinh tế số, tài chính-ngân hàng..., vừa thúc đẩy kết nối kinh tế giữa hai nước, vừa góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của mỗi nước.
Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng nhất trí tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục - đào tạo, trong đó ưu tiên hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tăng cường giao lưu về văn hóa, thể thao, hợp tác về y tế và du lịch giữa hai nước.
Dù trong hoàn cảnh nào, Việt Nam và Lào luôn quyết tâm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đưa quan hệ hai bên lên một tầm cao mới, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước và nâng cao vị thế của hai nước trên trường quốc tế. Với mong muốn nêu trên cùng vớinhững cơ hội mới đang mở ra là cơ sở để khẳng định, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đang đứng trước triển vọng phát triển tốt đẹp trong tương lai.
Bá Tuyên