Khái niệm “Đảng lãnh đạo” vừa thể hiện vai trò, vị thế của Đảng là lực lượng lãnh đạo, vừa thể hiện hoạt động của Đảng là hoạt động lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng được hiểu là việc Đảng định hướng, dẫn dắt, dẫn đường, tổ chức phong trào đối với các lực lượng đi theo Đảng. Đảng là người lãnh đạo chứ không phải trực tiếp làm tất cả mọi việc. Hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[1]. Hiểu “lãnh đạo” dưới dạng là một quy trình thì sự lãnh đạo của Đảng bao gồm ba bước: một là, đề ra các quyết định lãnh đạo (thể hiện ở các cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, kết luận… của các đại hội, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp); hai là, tổ chức thực hiện các quyết định lãnh đạo; ba là, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyết định lãnh đạo.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII. Ảnh: Internet.
Khái niệm “Đảng lãnh đạo” không chỉ thể hiện vai trò của Đảng là lực lượng lãnh đạo, mà còn nói rõ nội dung, tính chất hoạt động chủ yếu của Đảng - đó là hoạt động lãnh đạo. Nó phân biệt rõ: Đảng lãnh đạo chứ Đảng không quản lý; Đảng là tổ chức lãnh đạo chứ không phải là cơ quan quản lý; Đảng có quyền lực chính trị nhưng Đảng không có quyền lực nhà nước; Đảng không làm thay công việc quản lý của cơ quan nhà nước; Đảng chỉ thực hiện việc quản lý tổ chức đảng và đảng viên theo các quy định của Đảng. Khái niệm “Đảng lãnh đạo” cũng không giới hạn ở việc Đảng chỉ lãnh đạo Nhà nước, mà Đảng cònlãnh đạo đối với tất cả các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và các lĩnh vực của đời sống xã hội; Đảng không chỉ lãnh đạo chính trị, mà lãnh đạo cả về tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Và như vậy, Đảng phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân, trước xã hội về các quyết định của mình.
Bước vào thời kỳ mới xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là sự phát triển của khoa học - công nghệ đòi hỏi phương thức lãnh đạo của Đảng phải tiếp tục thay đổi cho phù hợp. Lúc này, bên cạnh phương thức lãnh đạo của Đảng đã được định hình thì phương thức lãnh đạo, cầm quyền lại được đặt ra và cần được làm rõ để thích ứng với tình hình thế giới thay đổi.
Trong nhiệm vụ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Đại hội XII (2016) của Đảng chủ trương: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về Đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần phải phòng ngừa đối với Đảng cầm quyền”[2]. Đây là lần đầu tiên vấn đề Đảng cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền được Đảng ta chính thức đề cập trong Văn kiện Đại hội Đảng.
Sau 5 năm thực hiện chủ trương nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về vấn đề đảng cầm quyền, Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới”[3], và trong nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất của nhiệm kỳ Đại hội XIII, Báo cáo Chính trị nêu rõ: “Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”[4]
Như vậy, đến Đại hội XIII đã xuất hiện một khái niệm mới: phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Đại hội XII của Đảng có sử dụng khái niệm “Đảng cầm quyền”, nhưng mới chỉ đặt vấn đề nghiên cứu về Đảng cầm quyền. Đại hội XIII của Đảng không sử dụng khái niệm “Đảng cầm quyền” một cách độc lập. Cũng giống như khi nói về năng lực, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng dùng khái niệm “năng lực lãnh đạo, cầm quyền” của Đảng, khi nói về phương thức, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng dùng khái niệm “phương thức lãnh đạo, cầm quyền”[5]của Đảng. Như vậy, đã chính thức hình thành khái niệm “phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng” mà không phải là “phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền” hay “phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền” của Đảng.
Việc sử dụng “phương thức lãnh đạo, cầm quyền” chứng tỏ, giữa phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay cơ bản là giống nhau (nên không tách bạch riêng phương thức cầm quyền), nhưng vì có sự khác biệt nhất định (nên phải bổ sung từ “cầm quyền” sau từ “lãnh đạo”). Việc bổ sung từ “cầm quyền” có mục đích: một là, nhấn mạnh phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng là Đảng cầm quyền, Đảng vừa có quyền lãnh đạo, vừa phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình; hai là, nhấn mạnh trọng tâm phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là Đảng lãnh đạo Nhà nước.
Tiếp nối tinh thần của Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X (năm 2007) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Nghị quyết đã nêu bật những kết quả đã đạt được trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị như: Nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng được nâng cao. Bảo đảm thực hiện đúng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng chỉ rõ: đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị vẫn còn những hạn chế: Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng không khả thi. Chậm khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế. Mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc. Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa tác động đến một số đối tượng, địa bàn...
Trên cơ sở chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân chủ quan là chủ yếu,cụ thể như: Nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị chưa đầy đủ, sâu sắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện. Năng lực cụ thể hoá và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, năng lực, phẩm chất, uy tín hạn chế, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; còn để xảy ra tình trạng cục bộ, mất đoàn kết, bao biện, làm thay, áp đặt, lạm dụng quyền lực, né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo.
Từ việc đánh giá rõ thực trạng và nguyên nhân, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII xác định các phương thức lãnh đạo, cầm quyền cụ thể sau: (i) Đổi mới, nâng caohiệu quả tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; (ii) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; (iii) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; (iv) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; (v) Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; (vi) Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
Như vậy, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định tại Đại hội XIII. Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã tiếp tục làm rõ nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để Đảng ngày càng xứng đáng với vị thế của một Đảng duy nhất cầm quyền được Nhân dân thừa nhận và suy tôn. Đây cũng là hoạt động thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để Đảng khắc phục các xu hướng trong thực hiện phương thức cầm quyền đó là: “bao biện làm thay, cầm tay chỉ việc” hoặc là “buông lỏng, khoán trắng” đã xảy ra hiện nay.
Với cái nhìn phiến diện, một chiều, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã cố tình xuyên tạc, tung tin thất thiệt nhằm phủ nhận phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam và thành tựu của đất nước qua hơn 36 năm đổi mới đất nước; gây mất ổn định chính trị, làm suy giảm niềm tin trong Nhân dân; đã có nhiều người không hiểu hoặc cố tình không hiểu để có những ý kiến trái chiều nhằm xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng mà một trong những trọng tâm chống phá chính là xuyên tạc phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, hiểu đúng về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị, tăng cường cảnh giác, tích cực đấu tranh vạch trần các âm mưu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là nhiệm vụ của mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên hiện nay.
Hồng Kỳ