Quan điểm của Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân
Năm 1947, với những bàn luận trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Nhiều tác phẩm khác của Người cũng đã cho thấy rõ quan điểm “không khoan nhượng” của Người về những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, trong đó có một số tác phẩm tiêu biểu như “Chủ nghĩa cá nhân” (15/10/1948), “Phải chữa cái bệnh cấp bậc” (15/7/1950), “Tự phê bình và phê bình” (14/6/1955), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969)...
Chủ nghĩa cá nhân làm nảy sinh những căn bệnh về đạo đức và làm tha hóa lối sống của đội ngũ đảng viên và làm suy yếu sức mạnh của Đảng. Cách mạng vẫn sẽ còn nhiều khó khăn khi mà tư tưởng về chủ nghĩa cá nhân vẫn còn hiện diện trong tư tưởng các đảng viên. Không phải chỉ có giặc bên ngoài đe dọa đất nước, mà chủ nghĩa cá nhân như giặc bên trong, tiềm tàng những nguy cơ lâu dài kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Nhận thấy sự nguy hại lâu dài của chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh cho rằng cần quyết tâm chống lại chủ nghĩa cá nhân tiềm ẩn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không hề dễ dàng bởi lẽ những dấu hiệu của chủ nghĩa cá nhân rất khó nhận dạng, chúng ẩn nấp tinh vi trong suy nghĩ và trong hành vi của con người. Các biểu hiện ra bên ngoài của chủ nghĩa cá nhân rất đa dạng, tinh vi và khó nhận biết như quan liêu, kiêu ngạo, háo danh, tham lam, lười biếng, cận thị, tị nạnh, hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, xu nịnh, a dua. Những biểu hiện này nếu tồn tại lâu dài sẽ ngày càng khó chữa, làm cho người đảng viên đánh mất bản chất đạo đức tốt đẹp, và làm mất lòng tin của dân đối với Đảng.
Để loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, theo Hồ Chí Minh không phải chúng ta xóa bỏ hoàn toàn lợi ích cá nhân mà cần bảo đảm tôn trọng đời sống riêng, tính cách riêng, lợi ích chính đáng riêng của từng người. Người cũng cho rằng chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ giúp cho con người có điều kiện tốt hơn để phát huy ưu thế riêng để có đời sống tốt đẹp hơn. Lợi ích riêng của từng cá nhân phải gắn kết hài hòa với lợi ích chung của tập thể và của đất nước. Mọi người không phải chỉ vì bản thân mình mà còn hướng đến cái chung, từ đó xây dựng Đảng đoàn kết,vững mạnh. Sự thống nhất trong toàn Đảng cần được gìn giữ, như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Hồ Chí Minh - tấm gương sáng trong việc chống chủ nghĩa cá nhân
“Nói đi đôi với làm” vốn là phương châm sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và trong việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân thì phong cách này càng được thể hiện rõ nét. Không chỉ khuyên nhủ các cán bộ và đảng viên, bản thân Người luôn là một tấm gương sáng suốt đời về giữ gìn đạo đức cách mạng và thực hành chống lại các tác hại của chủ nghĩa cá nhân. Cuộc sống của Người giản dị, khiêm tốn; Người luôn nghĩ đến lợi ích chung và không hề màng đến cái riêng cho bản thân. Lời căn dặn của Người đối với cán bộ,đảng viên là phải luôn giữ gìn đạo đức trong sạch, không tham lam, không ham quyền lợi danh vọng, không tư lợi bằng chức quyền, suốt đời cống hiến vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Với Người, lợi ích của quốc gia dân tộc luôn được đặt lên trên hết, trước hết; Người luôn nhắn nhủ cán bộ, đảng viên phải biết tôn trọng và bảo vệ lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân.
Chống chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn hiện nay
Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, những con đường dẫn lối tới chủ nghĩa cá nhân ngày càng hấp dẫn và tinh vi, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân càng trở nên khó nhận biết. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập và thực hiện lối sống trong sạch, nhận thức được sự nguy hại và xóa bỏ nhanh chóng, kịp thời những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Cán bộ, đảng viên phải là tấm gương tiên phong trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh những quy định của Đảng hay các điều luật của luật pháp, sự tự giác thực hành chống chủ nghĩa cá nhân trong bản thân mỗi người cán bộ, đảng viênlà đặc biệt cần thiết để duy trì đạo đức cách mạng bền vững và hiệu quả.
Trong công tác xây dựng Đảng, cần nhấn mạnh đến công tác đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số. Quy định và đường lối phải nhất quán và chặt chẽ. Việc thực hiện chống chủ nghĩa cá nhân cũng phải thận trọng, kiên trì và không ngại va chạm. Công tác kiểm tra giám sát cần bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả và nhanh nhạy. Việc xử lý các biểu hiện và hành vi của chủ nghĩa cá nhân phải đúng người, đúng tội và nghiêm minh. Các tổ chức cơ sở đảng phải thực hiện nghiêm túc, thường xuyên tự phê bình và phê bìnhcũng như các nguyên tắc xây dựng Đảng trong tình hình mới.
Tư tưởng đề cao lợi ích cá nhân cũng gây ra tư duy nhiệm kỳ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý. Để xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, mỗi người cần tự mình tu dưỡng và rèn luyện. Quy định của pháp luật cần được xây dựng chi tiết để phát hiện và xử lý những hành vi có liên quan đến “tư duy nhiệm kỳ” như lãng phí, làm việc qua loa, thoái hóa, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm... Pháp luật cần hết sức chặt chẽ để bảo đảm cán bộ biết nhìn xa trông rộng, không dựa vào chức trách được giao và vị trị công tác để vun vén cho lợi ích cá nhân trong thời kỳ đảm đương chức vụ.
Với các tầng lớp nhân dân, cần tích cực góp phần đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân thông qua việc phát hiện và tố cáo những hành vi sai trái, thẳng thắn đóng góp ý kiến để giúp mỗi người cán bộ, đảng viên tự hoàn thiện bản thân, nhất là khi đã có biểu hiện của căn bệnh chủ nghĩa cá nhân. Mặt khác, người dân cũng góp phần tuyên truyền những tấm gương sáng, những hành động đẹp của cán bộ, đảng viên nhằm lan tỏa tinh thần tận tụy phục vụ đất nước và phục vụ nhân dân.
Trần Anh