Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Internet.
Đại hội XIII của Đảng đã có sự nhận thức sâu sắc hơn về hạnh phúc của Nhân dân trong quá trình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa so với các kỳ đại hội trước, cụ thể là:
Thứ nhất, về quan điểm hạnh phúc của Nhân dân.
Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng đề ra tư tưởng “lấy nhân dân làm trung tâm”, “lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Nhân dân làm trung tâm có nghĩa là mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân; coi Nhân dân là một nguồn lực, động lực của đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó đặt ra yêu cầu phải giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo của Nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Lấy ấm no, hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu thể hiện mục tiêu của Đảng và cả hệ thống chính trị nước ta. Xét đến cùng, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại không có mục đích tự thân mà vì cuộc sống no ấm, tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
Đây là mối quan hệ biện chứng có tính quy luật khách quan. Khi Đảng chân chính vì hạnh phúc của Nhân dân thì sẽ được Nhân dân đồng tình ủng hộ, Nhân dân là người bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, khi đó, Đảng mới tồn tại vững bền. “Vì hạnh phúc của nhân dân, trách nhiệm của chính đảng” là chủ đề bài phát biểu của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện khi tham dựHội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối, cương lĩnh cần xuất phát từ nhận thức “lấy dân làm gốc”, lấy người dân là trung tâm, coi hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu cao nhất, từ đó thúc đẩy Nhà nước xây dựng, triển khai thực hiện luật pháp, chính sách phù hợp, hiệu quả và cụ thể nhằm bảo đảm phát triển theo hướng đó”(1).
Thứ hai, về phương thức bảo đảm hạnh phúc thực sự của Nhân dân. Trước hết, Đảng yêu cầu phải hoàn thiện các quy định pháp luật bảo đảm Nhân dân là chủ thực sự của xã hội. Trong Văn kiện Đại hội VII, Đảng cho rằng: “Vấn đề mấu chốt là phân định rõ chức năng và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể nhân dân…”(2). Vì mỗi chủ thể trong hệ thống chính trị có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, trong đó, có những cơ quan đại diện trực tiếp cho ý chí, nguyện vọng Nhân dân (Quốc hội, Hội đồng nhân dân), có những cơ quan đại diện cho một giới, ngành nhất định (các tổ chức chính trị - xã hội); có cơ quan đóng vai trò lãnh đạo, có cơ quan đóng vai trò tổ chức thực hiện; có cơ quan giữ vai trò tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện… Do vậy, phân định chức năng để chống bao biện, làm thay, chuyên quyền, độc đoán.
Tại Đại hội VIII, Đảng nêu lên một trong những thành tựu của 10 năm đổi mới (1986-1996) là quyền làm chủ của Nhân dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội đã được khẳng định và lần đầu tiên đưa ra cơ chế để thực hiện phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, Đảng ban hành chỉ thị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm “mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu, đồng thời là động lực bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới”(3).
Hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu, động lực phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Internet.
Đến Đại hội XIII, Đảng ta yêu cầu phải kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(4). Điều này cho thấy, dân chủ ngày càng thoát ra khỏi tính hình thức để trở nên thực chất, thiết thực hơn và có kết quả rõ ràng vì hạnh phúc của Nhân dân. Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã và đang là “chiếc chìa khóa vạn năng” để giải quyết những khó khăn, phức tạp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trong toàn bộ tiến trình mở rộng, thực hiện quyền dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, Đảng xác định khâu quan trọng và cấp bách là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. Bởi vì, “quần chúng càng chủ động, càng có nhiều ý kiến, càng mạnh dạn và càng có tinh thần sáng tạo khi tiến hành công việc đó thì lại càng tốt” (5).
Thực tiễn hơn 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn, mức tăng trưởng kinh tế trung bình mỗi năm khoảng 7%. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 343,6 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.521 USD. Đời sống Nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 9,88% năm 2015 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020, cao hơn những nước có thu nhập tương đương trong khu vực. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của nước ta cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới với 92% dân số có bảo hiểm y tế. Khoảng 70% người dân đã sử dụng internet, gần 150 triệu thuê bao điện thoại. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm các nước có chỉ số HDI cao trên thế giới.
Từ sự phân tích trên cho thấy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những nhận thức mới về bản chất, nội dung, phương thức thực hiện vận hành xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vì hạnh phúc của Nhân dân. Chính thực tiễn công cuộc đổi mới là cơ sở khách quan cho những nhận thức mới. Tuy nhiên, “nhận thức là một quá trình đi từ hiện tượng tới bản chất”, nhận thức và vận hành xã hội vì hạnh phúc của Nhân dân ở Việt Nam cũng là một quá trình như vậy.
--------------------------------------------
(1). Nguyễn Phú Trọng: Nhân dân là nền tảng chính trị - xã hội, là cội nguồn sức mạnh của các chính đảng và tổ chức chính trị. https://dangcongsan.vn, ngày 07/7/2021.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội,1991, tr.42.
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam: Chỉ thị số 30-CT/TWngày 18/02/1998của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
(4). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.27.
(5). V.I.Lênin: Toàn tập, tập 31. Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr.337.
Đặng Văn Luận