Vấn đề coi trọng hệ giá trị gia đình Việt Nam
Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới[1] Đây là một nhận thức mới của Đảng về vai trò, vị trí trung tâm của gia đình vốn rất quan trọng so với các nhân tố khác đối với sự phát triển kinh tế và sự ổn định của xã hội. Hiện nay, Việt Nam hội nhập sâu rộng vào các tiến trình phát triển của thế giới thì việc xác định “hệ giá trị gia đình Việt Nam” là cơ sở, là trung tâm để xây dựng hệ giá trị văn hóa con người, hệ giá trị quốc gia là cần thiết.
Đại hội XIII của Đảng với những quan điểm mới về gia đình.
Gia đình với tư cách là tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa con người Việt Nam trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Gia đình vừa là cội nguồn sản sinh, đồng thời là cội nguồn gìn giữ, lưu truyền mọi giá trị văn hóa của con người Việt Nam. Trong xu thế hội nhập, giao lưu quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại đã làm cho thế giới “phẳng” hơn, việc xây dựng "hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người" sẽ phác họa nên những nét khắc biệt so với các dân tộc khác. Nhưng việc xây dựng "hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người" của Việt Nam mà không có những căn cứ xác đáng, rất có thể làm cho những “giá trị đó” không gắn với nguồn gốc, không có cội nguồi nuôi dưỡng mọi giá trị sẽ trở nên sáo rỗng, dần chết yểu. Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng giá trị và nuôi dưỡng nó trong thời kỳ mới, Đảng ta yêu cầu việc xác định và triển khai xây dựng “hệ giá trị quốc gia”, “hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người” phải gắn với giữ gìn, phát triển “hệ giá trị gia đình Việt Nam” là phù hợp với thực tiễn khác quan.
Hơn thế nữa, gia đình cũng chính là môi trường giáo dục đầu tiên vô cùng quan trọng, đặc biệt là nơi lưu truyền “hệ giá trị quốc gia”, “hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người”, “hệ giá trị gia đình Việt Nam”. Đồng thời, chính “hệ giá trị quốc gia”, “hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người”, “hệ giá trị gia đình Việt Nam” - môi trường giáo dục đầu tiên cũng góp phần hình thành và nuôi dưỡng định hướng những nhân cách con người đặc biệt là con trẻ. Đó chính là một bước nhận thức mới rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc xây dựng và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong điều kiện mới hiện nay.
Vấn đề chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển
Trong giai đoạn vừa qua, công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Và mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con đã trở thành chuẩn mực văn hóa, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Nhưng, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề dân số, việc giải quyết bài toán già hóa dân số với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Văn kiện Đại hội XIII xác định: “chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”[2], “đồng thời chuẩn bị các điều kiện thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo mức tăng dân số hợp lý và cân bằng giới tính khi sinh”[3]ở Việt Nam hiện nay; “Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không kịp thời giải quyết sẽ để lại tai họa cho sự phát triển bền vững của quốc gia”[4].
Theo UNFPA (2011), một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng dân số và giai đoạn “già” khi dân số cao tuổi chiếm 20% tổng dân số[5]. Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa và ước tính vào năm 2049, nước ta sẽ có 26,10% là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020[6].Việc nâng cao chất lượng đời sống và gia tăng tuổi thọ trung bình của người dân, đánh dấu thành tựu của quá trình phát triển. Nhưng, đồng thời với gia tăng tuổi thọ và mức sinh thay thế không được duy trì tất yếu dẫn đến già hóa dân số. Điều đáng nói, quá trình quá độ từ “già hóa dân số” đến “dân số già” của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi đó quá trình này ở các quốc gia phát triển thường kéo dài hơn, như: Pháp: 115 năm; Thụy Điển: 85 năm; Australia: 73 năm; Mỹ: 69 năm;… Thực tiễn các quốc gia phát triển trên thế giới như Đức, Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã và đang phải đối diện với thách thức của dân số già, tác động đến nền kinh tế và hệ thống lương hưu, bảo trợ xã hội cũng như thị trường lao động đang là bài học kinh nghiệm tham chiếu cho Việt Nam hiện nay.
Ở Việt Nam “già hóa dân số nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế” [7]. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: trong thời gian tới cần “tận dụng hiệu quả các cơ hội từ cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” [8].
Xác định được những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đã chủ động đưa ra những quan điểm mới về gia đình, xây dựng gia đình trong tình hình mới. Điều đó, khẳng định Đảng luôn coi công tác gia đình là nhiệm vụ trọng tâm, là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
[1],[2],[3],[7],[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.1, tr.143; tr.266; tr.151; tr.212; tr.266.
[4] Đặng Văn Luận, Tác động của tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại đến gia đình Việt Nam hiện nay (Sách chuyên khảo), Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.108.
[5] Báo cáo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách” của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tháng 7 năm 2011.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, t.2, tr.45.
Anh Đặng