Từ hữu nghị truyền thống…
Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ đã có từ lâu đời, khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu về văn hóa, tôn giáo, thương mại. Đáng chú ý, nét nổi bật trong các quan hệ này là đạo Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ đã được du nhập vào Việt Nam và trở thành quốc giáo trong một thời gian khá dài. Trong lịch sử, cả hai nước đều phải tiến hành cuộc đấu tranh chống ngoại xâm nên cùng chung lợi ích, tích cực ủng hộ nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, làm cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên khăng khít. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nehru là những người đã dày công vun đắp và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển cả về bề rộng và chiều sâu.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, trước những diễn biến mới và bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp do sự đối đầu giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, Việt Nam luôn ủng hộ lập trường trung lập, chủ trương thống nhất đất nước của Ấn Độ, đặc biệt Việt Nam công nhận Kashmir là một bộ phận lãnh thổ của Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ luôn ủng hộ Việt Nam đấu tranh chính nghĩa giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Các cuộc mít tinh, biểu tình của những người cộng sản và nhân dân Ấn Độ diễn ra khắp nơi trên đất nước Ấn Độ để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi thực dân, đế quốc Pháp, Mỹ phải rút quân về nước, trả lại hòa bình, thống nhất cho dân tộc Việt Nam. Ấn Độ cũng có những tuyên bố mạnh mẽ lên án các cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam của các thế lực hiếu chiến, đưa ra tuyên bố công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống, lâu đời trong lịch sử
Sau Chiến tranh lạnh, tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen nhau, dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột giữa các nước, nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vẫn không ngừng được củng cố và phát triển. Nhiều cuộc viếng thăm của lãnh đạo hai bên nhằm thắt chặt tình hữu nghị, gắn bó giữa hai nước liên tục diễn ra. Thông qua những chuyến thăm này không những đưa đến sự cảm thông, hiểu biết lẫn nhau mà còn tạo khung pháp lí cho sự củng cố và phát triển không ngừng quan hệ giữa hai bên. Qua những cuộc hội đàm, hai nước đã thể hiện sự nhất trí cao trong việc đánh giá cũng như đề ra giải pháp cho những vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế.
Bước vào thế kỷ XXI, xuất phát từ nhu cầu và thực tế về khả năng hợp tác giữa hai nước, cả Việt Nam và Ấn Độ đều tiếp tục đánh giá cao vị trí của nhau trong đường lối đối ngoại của mỗi nước. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để quan hệ hai bên ngày càng được củng cố và phát triển. Đối với Ấn Độ, việc ưu tiên, củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống gắn bó và tin cậy với Việt Nam được thể hiện rõ trong các tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao Ấn Độ. Tổng thống Ấn Độ N.Redi cho rằng: “Tình hữu nghị với Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhân tố thường xuyên trong chính sách đối ngoại của Cộng hòa Ấn Độ”. Về phía Việt Nam, luôn xem việc tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với Ấn Độ giữ một vị trí đặc biệt vì người bạn lớn này đã luôn dành cho nhân dân ta những tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình. Do đó, việc đưa mối quan hệ này đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, tạo sự đan xen lợi ích, từ đó tăng cường sự tin cậy lẫn nhau là điều hết sức cần thiết.
… Đến đối tác chiến lược toàn diện
Từ những kết quả tốt đẹp trong lịch sử quan hệ hai nước, năm 2003, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, hai bên đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện bước vào thế kỷ XXI, tạo cơ sở cho sự tăng cường hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, kỹ thuật, viễn thông, văn hóa, du lịch,... Đến năm 2007, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, hai nước lại ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược. Đây là những nỗ lực mới phản ánh sự tiếp tục phát huy, củng cố và tăng cường các quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, không chỉ trong phạm vi của quan hệ song phương, mà còn mở rộng ra cả các quan hệ phối hợp với nhau trên phạm vi khu vực và quốc tế.
Tháng 9 năm 2016, Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đã thăm chính thức Việt Nam. Tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và tình bạn, tình anh em cao đẹp giữa nhân dân hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đặt nền móng; đồng thời, khẳng định Việt Nam ủng hộ Ấn Độ triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” và đóng vai trò lớn hơn ở khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, để đáp ứng nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước, phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài, cũng như mong muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Narendra Modi đã trao đổi và đi đến nhất trí nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ra Tuyên bố chung trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tháng 9/2016. Ảnh: Internet.
… và triển vọng tương lai
Ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đồng chủ trì Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ. Tại Hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển vững chắc của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thời gian qua, đặc biệt từ khi nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Thủ tướng Narendra Modi chúc mừng Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, duy trì phát triển kinh tế - xã hội, đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ. Hai Thủ tướng khẳng định cuộc Hội đàm trực tuyến lần này thể hiện quyết tâm của hai bên vượt qua thách thức của đại dịch, tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu trên cơ sở hữu nghị truyền thống, những gắn kết về lịch sử, văn hoá và tôn giáo, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cũng như tầm nhìn và lợi ích tương đồng giữa hai nước đối với các vấn đề khu vực và quốc tế.
Trong cuộc Hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhất trí nỗ lực sớm đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 15 tỷ USD thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật, hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại và chính sách không có lợi cho xuất nhập khẩu, tăng cường kết nối các chuỗi sản xuất, duy trì sự ổn định của các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, mạng 5G, liên kết khởi nghiệp...
Lãnh đạo hai nước cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh UNCLOS là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Kết thúc Hội đàm, hai Thủ tướng đã thông qua "Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân" để định hướng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong những năm tới. Để hiện thực hóa tuyên bố này, hai bên xây dựng các Kế hoạch hành động triển khai cụ thể theo từng giao đoạn, bắt đầu từ giai đoạn 2021-2023. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh là một trụ cột trong quan hệ song phương; nhất trí tiếp tục thúc đẩy, phát huy các cơ chế tham vấn, đối thoại, mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng, huấn luyện và phối hợp trong các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Theo đó, trong thời gian tới, hai bên tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn quân sự các cấp, nâng cấp hình thức tham vấn quốc phòng, trao đổi, tư vấn kinh nghiệm về quân sự; quân đội Ấn Độ sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với quân đội Việt Nam, giúp đào tạo sĩ quan quốc phòng, trao đổi lưu học sinh quân sự, hỗ trợ Tiếng Anh cho sĩ quan Việt Nam; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hậu cần, huấn luyện lực lượng cho quân đội Việt Nam,... đang mở ra triển vọng mới cho hợp tác giữa quân đội hai nước nói riêng và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước nói chung trong tương lai.
Bá Tuyên