Quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên là một nội dung, biện pháp cơ bản, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng góp phần củng cố đội ngũ,nâng cao chất lượng đảng viên. Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, thời gian qua, nhiều quy định, hướng dẫn, biện pháp đã được ban hành để quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên như: Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về những điều đảng viên không được làm”; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; quy định, hướng dẫn về phát thẻ, đổi thẻ và quản lý thẻ đảng viên; quy định, hướng dẫn về quản lý hồ sơ đảng viên; quy định, hướng dẫn về giới thiệu sinh hoạt đảng; quy định về xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu đảng viên; quy định quản lý đảng viên đi công tác, học tập tiếp xúc với người nước ngoài...
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Ảnh: Internet.
Nhìn chung, cấp ủy và tổ chức đảng các cấp đã tích cực, chủ động cụ thể hóa tiêu chuẩn đảng viên, đề ra các chủ trương, biện pháp phù hợp về giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, phân công công tác, quản lý, đánh giá chất lượng đảng viên, đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Việc quản lý đảng viên trước hết được thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Đối với những đảng viên đi làm ăn xa, cấp ủy cơ sở đã thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn các đảng viên thực hiện đúng quy trình, thủ tục đăng ký tạm trú với chính quyền nơi đến, giữ gìn tư cách đảng viên, đóng đảng phí đầy đủ; hết thời gian đều có nhận xét của cơ quan, chính quyền địa phương ở nơi đã tạm trú.
Phần lớn đảng viên vững vàng về tư tưởng, chính trị, trung thành với sự nghiệp cách mạng, tin tưởng vào công cuộc đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng, phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Kết quả công tác quản lý đảng viên là một nội dung, biện pháp cơ bản, quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên và hoạt động của chi bộ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế: “Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên chưa được quan tâm đúng mức; việc rà soát, sàng lọc đảng viên chưa thường xuyên, thiếu cương quyết. Tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức của một bộ phận đảng viên giảm sút, số đảng viên bỏ sinh hoạt đảng phải xóa tên có xu hướng tăng”(1).
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên,mỗi cấp ủy Đảng cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, các cấp uỷ cần có nhận thức đúng về công tác quản lý đảng viên. Đólà quản lý toàn diện về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, quản lý công việc, quản lý sinh hoạt, đời sống, quan hệ xã hội cả ở cơ quan và nơi cư trú, kết hợp việc quản lý đảng viên của tổ chức đảng với sự tham gia quản lý của chính quyền, đoàn thể, đề cao tinh thần tự quản của đảng viên. Ngoài những nội dung đó, hiện nay các cấp ủy, tổ chức đảng cần quan tâm quản lý số đảng viên đi làm ăn xa, số đảng viên làm việc ở những cơ quan quan trọng của Đảng và Nhà nước. Cấp ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát đảng viên về lập trường tư tưởng, quan điểm chính trị, ý thức chấp hành chỉ thị, Nghị quyết, chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; về hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công; mối quan hệ giữa đảng viên với quần chúng. Cần căn cứ vào quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về những điều đảng viên không được làm” để quản lý đảng viên cho tốt.
Thứ hai, mỗi đảng viên phải xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để chi bộ kiểm tra, giám sát thực hiện. Đây là biện pháp quan trọng thể hiện tính tích cực, chủ động và khoa học trong công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên của Đảng. Kế hoạch thực hiện và chương trình hành động, rèn luyện của đảng viên phải trên cơ sở nghị quyết của chi bộ, tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình và chức trách nhiệm vụ được giao; căn cứ vào tiêu chuẩn, nhiệm vụ đảng viên, điểm mạnh, điểm yếu và khả năng của từng cá nhân. Kế hoạch cần cụ thể, chỉ rõ nội dung đăng ký, thời gian hoàn thành, tự đánh giá kết quả thực hiện nhằm bảo đảm sự chặt chẽ nghiêm túc và làm cơ sở để chi bộ theo dõi, nhận xét, đánh giá cuối năm cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho từng cá nhân thực hiện tốt kế hoạch đề ra.
Tăng cường quản lý đảng viên đang công tác tại nơi cư trú. Ảnh minh hoạ.
Thứ ba, thực hiện đúng việc giới thiệu và quản lý đảng viên đang công tác về nơi cư trú (Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú). Cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên công tác cần chủ động liên hệ giới thiệu đảng viên với chi ủy hoặc đảng ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú; có kế hoạch kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện các nghĩa vụ công dân nơi cư trú; đại diện cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên đang công tác cần định kỳ hằng năm và khi cần thiết tiến hành trao đổi ý kiến với đại diện cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên đang cư trú để nắm tình hình đảng viên. Cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên cư trú cần chủ động nắm chắc số lượng đảng viên, họ tên, địa chỉ công tác… của từng đảng viên cư trú ở phường, xã, khu dân cư của mình. Định kỳ và khi cần thông báo cho đảng viên biết tình hình, nhiệm vụ của địa phương có liên quan để đảng viên nắm được thông tin, gương mẫu thực hiện, vận động gia đình và nhân dân thực hiện. Định kỳ hằng năm hoặc khi cần thông báo với cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên đang công tác về tình hình đảng viên thực hiện nhiệm vụ ở nơi cư trú; đề nghị biểu dương những đảng viên thực hiện tốt và góp ý kiến với những đảng viên chưa thực hiện tốt hoặc có thiếu sót, khuyết điểm ở nơi cư trú. Thực hiện tốt quy định này sẽ tạo điều kiện cho đảng viên gần gũi với nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; khắc phục những biểu hiện sống xa dân, thiếu trách nhiệm trong công việc của dân nơi cư trú.
Thứ tư, phân công nhiệm vụ hợp lý cho đảng viên để buộc đảng viên phải có trách nhiệm với dân, với cơ quan đơn vị, địa phương, và cũng để thử thách, rèn luyện đảng viên. Có phân công, giao nhiệm vụ thì mới có nội dung để kiểm tra, giám sát và đánh giá đảng viên. Mọi đảng viên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bao gồm nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định, nhiệm vụ do tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và các đoàn thể chính trị - xã hội phân công. Các cấp uỷ, chi bộ phải có kế hoạch phân công nhiệm vụ cho đảng viên cụ thể, sát hợp, ghi thành biên bản, vào sổ phân công đảng viên. Hằng tháng, trong sinh hoạt chi bộ, chi uỷ phải kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ đã được phân công. Cuối năm, phải căn cứ vào đó mà đánh giá, phân loại. Muốn chi bộ tốt, đảng bộ tốt thì phải luôn rà soát nhiệm vụ, luôn kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm để làm cho tốt hơn.
Vì thế, các chi bộ cần bảo đảm là tất cả các đảng viên đều phải tham gia công việc của Đảng, đều phải được phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, phù hợp với khả năng, điều kiện của từng đảng viên ngay từ đầu năm. Đảng viên xây dựng kế hoạch thực hiện, cuối năm tự đánh giá kết quả thực hiện và tự đánh giá bản thân. Chi bộ có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra đảng viên thực hiện nhiệm vụ. Lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ đưa vào nội dung đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm và làm căn cứ đề ra chủ trương, biện pháp giáo dục, rèn luyện đảng viên - đây cũng là cơ sở xét khen thưởng, kỷ luật, bố trí sử dụng đảng viên.
--------------------------------------------------
Ngọc Cảnh