Theo Statista (2022), năm 2021, toàn cầu có khoảng 4,26 tỷ người đang sử dụng mạng xã hội và con số này dự kiến sẽ tăng lên gần sáu tỷ vào năm 2027. Tính đến tháng 1/2020, tỷ lệ sử dụng mạng xã hội toàn cầu ở mức 49%. Con số này được dự báo sẽ tăng lên khi cơ sở hạ tầng Internet và các thiết bị di động thông minh giá rẻ có sự phát triển nhanh chóng. Trung bình, người dùng Internet dành 144 phút mỗi ngày trên mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin, tăng hơn nửa giờ kể từ năm 2015. Với khả năng tiếp cận người dùng đông đảo, trực tiếp và nhanh chóng, mạng xã hội cho thấy những ưu thế trong truyền thông chính sách, định hướng kịp thời những vấn đề quan trọng, nhạy cảm. Vì vậy, phương thức truyền tải thông điệp đến công chúng thông qua các kênh truyền thông số, sử dụng mạng xã hội đã khá phổ biến mặc dù nhiều chính phủ vẫn thận trọng do những mặt trái của mạng xã hội...
Mạng xã hội thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số
Ưu thế của việc sử dụng mạng xã hội trong truyền thông chính sách…
Thứ nhất, ở góc độ chính trị, phương tiện truyền thông xã hội mang lại cơ hội cho các cơ quan, tổ chức công tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ với công dân. Các cơ quan, tổ chức chính phủ cũng có thể sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các khâu chu trình chính sách từ xây dựng, thực thi và đánh giá. Do đó, so với các phương tiện, công cụ truyền thống - thường đưa thông tin một chiều, mạng xã hội bảo đảm “tính hai chiều và kịp thời” của truyền thông chính sách khi cho phép chủ thể chính sách và đối tượng chính sách (người dùng mạng xã hội) có thể tương tác, bình luận, chia sẻ thông tin, thậm chí cùng chủ thể chính sách tạo ra các nội dung thông tin với tốc độ lan truyền nhanh, phạm vi rộng ví dụ như livestream đối thoại, tọa đàm trực tuyến, bình chọn…
Thứ hai, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các cách thức mà mạng xã hội có thể nâng cao tiếng nói của công chúng, xây dựng vốn xã hội và truyền cảm giác tin cậy và niềm tin vào chính phủ. Sự tham gia trực tiếp của người dân vào các hoạt động của khu vực công không phải là một hiện tượng mới. Tuy nhiên, trước đây, việc tham gia của người dân bị hạn chế bởi khả năng hạn chế của chính phủ và sự hạn chế về mặt công nghệ”. Ngày nay, mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này, cho phép các cơ quan, tổ chức công lắng nghe mối quan tâm và nhu cầu của công chúng, từ đó cải thiện dịch vụ. Tương tự, phương tiện truyền thông xã hội mang đến những cơ hội mới để cải thiện dịch vụ công dân và sự hài lòng của công chúng. Quá trình số hóa, kết hợp với việc ngày càng coi công dân là đối tác trong việc cung cấp dịch vụ của khu vực công, đã khiến mạng xã hội trở thành một môi trường thuận lợi để công dân tích cực tham gia thảo luận và chia sẻ ý kiến về các dịch vụ công, thậm chí, góp phần định hình các dịch vụ của các cơ quan nhà nước.
Đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương tiện truyền thông mới.
Thứ ba, số lượng lớn dữ liệu được tạo ra và chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội (big data) cũng mang lại cho các cơ quan, tổ chức công cơ hội theo dõi dư luận và tâm lý chung của công chúng về các chính sách và hành động của chính phủ. Mạng xã hội phát triển hỗ trợ cho các cơ quan chức năng trong việc nắm, phân tích, dự báo tình hình tư tưởng kịp thời, khách quan hơn, nhất là việc nắm bắt những thông tin trái chiều, thông tin thuộc lĩnh vực nhạy cảm mà qua con đường chính thống thường khó nắm bắt được.
Thứ tư, từ góc độ truyền thông, mạng xã hội hỗ trợ các hoạt động, các chương trình/chiến dịch PR Chính phủ và xây dựng hình ảnh Chính phủ. Các công cụ trực tuyến có vai trò quan trọng trong việc tạo hiệu ứng lan toả cho quảng cáo chính sách công. Thậm chí, các cơ quan, tổ chức công sử dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho một dịch vụ, sản phẩm, chương trình, chính sách của cơ quan, tổ chức đó hay một địa phương. Làn sóng Hallyu quảng bá văn hoá - nghệ thuật - điện ảnh Hàn Quốc là một minh chứng sinh động cho hiệu quả xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia thông qua mạng xã hội và các công cụ trực tuyến.
Ngoài ra, mạng xã hội được sử dụng rất hiệu quả trong bối cảnh khủng hoảng và các tình huống khẩn cấp. Các kênh truyền thông cho phép các cơ quan, tổ chức chính phủ phổ biến nhanh chóng các thông điệp quan trọng. Đại dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã livestream trên trang fanpage facebook Thông tin Chính phủ nhằm trực tiếp giải đáp các thắc mắc của người dân về quy định giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm… Qua đó, người dân an tâm, tin tưởng và ủng hộ Đảng và Nhà nước trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19.
… và những thách thức
Xuất phát từ đặc điểm của mạng xã hội cho phép người dùng (bất kỳ ai, ở mọi nơi) có thể tạo ra nội dung, bình luận, chia sẻ thông tin nhanh chóng. Đối với những thông tin, nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin xuyên tạc, phiến diện, công kích, bôi nhọ tổ chức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, thông tin thiếu chuẩn mực đạo đức, trái thuần phong mỹ tục nhưng nhanh chóng được chia sẻ, sức lan tỏa mạnh mẽ, sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Điển hình, trong thời gian phòng chống dịch, các thông tin giả liên tục được lan truyền trên mạng gây hoang mang cho dân chúng như phun khử khuẩn toàn thành phố bằng máy bay; Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện phong tỏa theo phương án mới và kêu gọi người dân đi mua sắm tích trữ hàng hóa.
Đặc biệt, lợi dụng mạng xã hội và các loại hình truyền thông mới trên internet, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã tán phát nhiều thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc tình hình đất nước, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tác động, ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tóm lại, sử dụng mạng xã hội trong truyền thông chính sách đang là xu hướng phổ biến trên thế giới, thể hiện những ưu thế không thể phủ nhận. Với tốc độ đưa tin nhanh và rộng khắp, tích hợp nhiều công năng của các thể loại truyền thông khác, khả năng tương tác cao, mạng xã hội là công cụ đắc lực trong tuyên truyền chính sách, định hướng các vấn đề chính trị quan trọng cũng như xây dựng hình ảnh một Chính phủ năng động, gần dân. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội “ảo” nhưng hệ lụy là “thật” buộc các cơ quan quản lý, các cơ quan báo chí phải cân nhắc, có những giải pháp nhằm khai thác mạng xã hội một cách phù hợp trong truyền thông chính sách.
Bùi Thị Hồng Hà