Doanh nghiệp xã hội ra đời như một phương thức điều chỉnh những hạn chế cố hữu của chủ nghĩa tư bản trong nền kinh tế thị trường.
Cơ sở lý luận cơ bản đối với sự hình thành các doanh nghiệp xã hội là hệ thống tư bản cần phải có sự điều chỉnh về mặt xã hội. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cùng với nền kinh tế thị trường đã khiến cho xã hội bị phụ thuộc vào logic của thị trường. Hậu quả là từ việc thị trường hình thành nhằm phục vụ nhu cầu xã hội thì giờ đây các nghĩa vụ xã hội, các chuẩn mực cộng đồng đã bị bỏ qua. Đó là do việc thúc đẩy và quá đề cao lợi ích cá nhân trong mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa. Khi một nền kinh tế coi lợi ích cá nhân là trên hết sẽ dẫn tới những động cơ, mục đích mang tính cơ hội, thiếu bền vững đối với con người cũng như tự nhiên.
Do đó, các giá trị được lý tưởng hóa trước đây của kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa được xem xét lại, nhiều học giả đã lên tiếng kêu gọi tìm kiếm các cách thức khác để tổ chức nền kinh tế nhằm hướng tới sự cân bằng tốt hơn giữa hiệu quả kinh tế, bền vững sinh thái và công bằng xã hội. Ý tưởng được đưa ra là cung cấp không gian cho các doanh nghiệp có động lực xã hội, nhờ đó có thể giải quyết các vấn đề cố hữu trong cấu trúc của hệ thống tư bản.
Các doanh nghiệp xã hội được thành lập nhằm giải quyết nhiệm vụ “xã hội” mà nhà nước tư bản và thị trường còn chưa làm tốt.
Các tiêu chí được đưa ra như “sinh thái xanh”, “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, “đạo đức thị trường” hay “chủ nghĩa tư bản từ thiện”, tất cả đều thúc đẩy nhu cầu hướng tới các mô hình doanh nghiệp cam kết hơn về mặt đạo đức, xã hội và cộng đồng. Doanh nghiệp xã hội chính là một phương cách để giải quyết nhiệm vụ “xã hội” mà Nhà nước và thị trường còn chưa làm tốt.
Một trong những sứ mệnh đặc thù của doanh nghiệp xã hội là phục vụ nhu cầu của Nhóm đáy. Đây là đối tượng những người nghèo và yếu thế nhất trong xã hội, họ tạo nên một nhóm khoảng 2 tỷ người với thu nhập dưới 2 USD/ngày. Trong đó đáng chú ý là nhóm đối tượng bị “lề hóa”, bao gồm người dân ở vùng sâu vùng xa, người khuyết tật, người bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em đường phố, thất học, phạm nhân mãn hạn tù... tuy không hoàn toàn nằm trong nhóm đáy nhưng có tỷ lệ và nguy cơ cao rơi vào Nhóm đáy, do đó cũng là một địa bàn trọng yếu của các doanh nghiệp xã hội[1].
Nghiên cứu của Borzaga và Defourny (2001)[2]chỉ ra rằng doanh nghiệp xã hội thường nở rộ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - giống như các tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức từ thiện đã làm trong quá khứ. Điều này cho thấy mối quan hệ nhân quả ngược chu kỳ giữa chu kỳ kinh tế và sự tăng trưởng của doanh nghiệp xã hội, cụ thể là doanh nghiệp xã hội phát triển khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, nhận định này chỉ đúng trong những giai đoạn trước đây, kể từ những năm 90 trở lại đây, khi nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nghiệp xã hội đã được làm rõ, khi phát triển doanh nghiệp xã hội trở thành một chính sách quan trọng thì doanh nghiệp xã hội không chỉ phát triển trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ nữa, ngay trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng và phát triển cũng chứng kiến sự gia tăng của các doanh nghiệp xã hội. Nguyên nhân là do, ngày nay doanh nghiệp xã hội đã dần được tạo không gian, hành lang pháp lỹ rõ ràng để phát triển, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong chính sách phát triển của các quốc gia.
Doanh nghiệp xã hội có nhiều ưu thế hơn so với các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hay tổ chức từ thiện
Doanh nghiệp xã hội chính là một “sự thay thế” hiện đại và bền vững hơn so với các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hay tổ chức từ thiện. Trong khi các tổ chức trên thường phụ thuộc vào nhà tài trợ, thì doanh nghiệp xã hội lại tự chủ về nguồn tài chính thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường. Biểu hiện của xu hướng này là gần đây các tổ chức phi lợi nhuận đã dần chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp xã hội ở một số nước phương Tây. Như vậy, các doanh nghiệp xã hội dường như làm tốt hơn tinh thần chung của thời đại khi mà nó bao hàm cả tư tưởng doanh nghiệp tự do cạnh tranh trên thị trường đồng thời thực hiện sứ mệnh cao cả vì cuộc sống cộng đồng và xã hội, đặt các nguyên tắc xã hội và môi trường vào trung tâm của con đường phát triển kinh tế bền vững.
Một đặc điểm khác đó là, cấu trúc sở hữu và quản lý của doanh nghiệp xã hội có sự tham gia của cộng đồng các bên liên quan, các bên thụ hưởng, nó mang tính chất cởi mở và dân chủ, gắn kết với cộng đồng. Khi mục đích xã hội được đặt ở vị trí tối cao, các doanh nghiệp xã hội sẵn sàng chia sẻ “quyền lực” của mình với tất cả các bên liên quan. Đáng chú ý, ở nhiều doanh nghiệp xã hội khái niệm đối nhân - đối vốn không được áp dụng như tại các công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn truyền thống. Tại không ít doanh nghiệp xã hội, Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng sáng lập viên đã áp dụng nguyên tắc “mỗi thành viên - một phiếu bầu/ quyền biểu quyết như nhau” trong mọi quyết định của tổ chức, mà không dựa vào tỷ lệ góp vốn của họ[3].
Như vậy, mô hình doanh nghiệp xã hội được hình thành ngay trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường. Nó như một phương cách giải quyết những thất bại mà Nhà nước và thị trường không thể giải quyết. Trên cơ sở đề cao trách nhiệm xã hội, tinh thần cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội hướng tới nhóm đáy của xã hội và những người bị “lề hóa” trong nền kinh tế thị trường. Sự phát triển nở rộ của doanh nghiệp xã hội trong những thập niên gần đây đã chứng minh vị trí và vai trò của nó trong nền kinh tế thị trường, một mặt nó hoạt động và tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường như bất cứ doanh nghiệp nào khác, nhưng đồng thời kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại được sử dụng vì các mục tiêu xã hội. Bởi vậy, doanh nghiệp xã hội dần trở thành một phần quan trọng trong chính sách phát triển bền vững của các quốc gia trên phạm vi toàn cầu.
(Còn nữa…)
[1] Hội đồng Anh Việt Nam, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: Khái niệm, bối cảnh và chính sách. https://www.britishcouncil.vn/sites/default/files/dnxh-tai-viet-nam-khai-niem-boi-canh-chinh-sach.pdf.
[2] Borzaga, C. & J. Defourny, eds. (2001), The Emergence of Social Enterprise, London and New York, Routledge, 350-370. https://www.researchgate.net/profile/Jacques_Defourny/publication/264840316_Conclusions_Social_Enterprises_In_Europe_a_Diversity_of_Initiatives_and_Prospects/links/542006510cf2218008d4333a.pdf.
[3] Hội đồng Anh Việt Nam, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: Khái niệm, bối cảnh và chính sách. https://www.britishcouncil.vn/sites/default/files/dnxh-tai-viet-nam-khai-niem-boi-canh-chinh-sach.pdf.
Hồng Đào