Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là tổ chức lãnh đạo nhân dân đấu tranh để giải phóng mình và giải phóng toàn xã hội khỏi mọi áp bức, bất công, xoá bỏ chủ nghĩa tư bản và các chế độ áp bức, bóc lột, bất công để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa công sản trên phạm vi toàn thế giới.
Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân được quy định bởi những điều kiện khách quan, đồng thời muốn thực hiện thắng lợi sứ mệnh đó, cũng cần có những nhân tố chủ quan nhất định. Trong giai đoạn hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã củng cố thêm những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan đó cho giai cấp công nhân tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình.
Xét về điều kiện khách quan, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong xã hội tư bản. Mặc dù nhờ những bước nhảy vọt về khoa học - công nghệ của cuộc cách mạng này, giai cấp tư sản đã che giấu một cách tinh vi bản chất bóc lột giá trị thặng dư khiến nhiều người nhầm tưởng, chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, thậm chí đang tiệm tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thực chất là, giai cấp tư sản chỉ có thể sử dụng điều đó để giải quyết lợi ích hàng ngày của giai cấp công nhân chứ không thể xóa bỏ mâu thuẫn trong lợi ích cơ bản.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta nhận định: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra”[1].
Xét về nhân tố chủ quan, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển của giai cấp công nhân và làm gia tăng cơ sở hình thành chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Trước hết là sự gia tăng về số lượng và chất lượng. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”[2]. Do đó, số lượng giai cấp công nhân ngày càng tăng lên cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là điều cũng có thể thấy ở tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.
Trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, đặc biệt của trí tuệ nhân tạo (AI), có quan điểm cho rằng, máy móc sẽ dần thay thế con người trong lao động sản xuất, vì vậy, số lượng công nhân sẽ ngày càng giảm đi. Thực tế là, dù khoa học - công nghệ có phát triển nhanh chong nhưng số lượng giai cấp công nhân vẫn không ngừng tăng lên. Chiều hướng gia tăng về số lượng đã được khẳng định: năm 1890 toàn thế giới có 80 triệu công nhân, năm 1960 có 315 triệu, năm 1990 có 615 triệu, năm 2003 có trên 800 triệu. Theo ILO, thế giới hiện nay có khoảng 3,3 tỷ lao động, trong đó, công nhân là lực lượng lao động được trả công và lao động theo phương thức công nghiệp có khoảng 2 tỷ (chiếm trên 60% số lao động toàn cầu). Nguyên nhân của sự gia tăng đó số lượng công việc mới được hình thành bao giờ cũng nhiều hơn số lượng công việc bị máy móc thay thế.
Cùng với đó, trình độ tri thức của công nhân ngày càng tăng lên cùng với sự phát triển nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó là sự thay đổi sâu sắc thành phần, cơ cấu của giai cấp công nhân hiện đại. Nếu như ở thế kỷ XVIII - XIX đa số là công nhân các ngành công nghiệp, trong đó chủ yếu là lao động cơ khí, thì nay đã xuất hiện công nhân của những ngành ứng dụng công nghệ cao. Điều đó làm cho xu hướng trí thức hóa công nhân ngày càng gia tăng nhanh chóng. Những yêu cầu ngày càng cao của khoa học - công nghệ buộc người công nhân muốn có việc làm phải được đào tạo bài bản và không ngừng bổ sung, nâng cao kiến thức, kỹ năng nếu không muốn bị máy móc thay thế.
Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 còn củng cố cơ sở cho việc thực hiện chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho tính chất xã hội hóa của nền sản xuất ngày càng sâu sắc hơn. Sản xuất công nghiệp trong toàn cầu hóa kinh tế đang mở rộng thành “chuỗi toàn cầu”, quá trình sản xuất một sản phẩm liên kết nhiều công đoạn của nhiều vùng miền, quốc gia khác nhau. Bên cạnh những hình thức cũ như phối hợp theo dây chuyền, tổ chức theo nhóm, liên kết trong sản xuất hiện đại đã xuất hiện những hình thức mới như “xuất khẩu lao động tại chỗ”, “làm việc tại nhà”, “làm việc theo nhóm chuyên gia”, quốc tế hóa các tiêu chuẩn sản xuất công nghiệp (ISO 9001, 9002)… Điều này quy định nên sự giống nhau trong địa vị kinh tế, địa vị chính trị - xã hôi, trong lợi ích của giai cấp công nhân. Đây chính là cơ sở cho sự đoàn kết của giai cấp công nhân trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình.
V.I.Lênin từng chỉ rõ: “Xét đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ mới… Chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại hẳn và sẽ bị đánh bại hẳn vì chủ nghĩa xã hội tạo ra năng suất lao động mới cao hơn nhiều”[3]. Trong nền sản xuất công nghiệp hiện đại, yếu tố nào quyết định năng suất lao động? Đó là tri thức, công nghệ. Lực lượng nào quyết định năng suất lao động? Đó là giai cấp công nhân. Sự thật là chính giai cấp công nhân là người quyết định thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội, là giai cấp duy nhất có sứ mệnh lịch sử thủ tiêu hoàn toàn chế độ người bóc lột người, xây dựng một chế độ xã hội mới hoàn toàn công bằng, bình đẳng, tiến bộ. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 một lần nữa củng cố quan điểm mácxít khi cho rằng giai cấp công nhân là người đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ với mức độ xã hội hóa, quốc tế hóa ngày càng cao.
Như vậy, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không những không bị mất đi và ngày càng được củng cố và có thêm những nội hàm mới. Để thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử của mình, không có cách nào khác, chính giai cấp công nhân cần có những bước chuyển mình để có thể đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thu Huyền