Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam. Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tất yếu khách quan, gắn bó chặt chẽ với bảo vệ đường lối, cương lĩnh của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, do đó luôn phải tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ[1].
Người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhân dân khẳng định niềm tin mạnh mẽ vào nền tảng tư tưởng của Đảng, quyết theo Đảng bởi với người dân chỉ có Đảng với nền tảng tư tưởng Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mới mang lại cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Do đó, mỗi người dân cần tích cực, chủ động bảo vệ đất nước cũng là bảo vệ chính mình. Đây là hiện thực sinh động đập tan mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, đồng thời bảo vệ và phát triển sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, cương lĩnh, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong thực tiễn.
Điều 28, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”. Khi người dân là thành viên của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, người dân có quyền tham gia vào các hoạt động thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong quá trình thực thi công vụ, người dân được sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, thể hiện vai trò người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.
Từ việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của người dân thể hiện qua việc tuân thủ quy định, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến sự chủ động trên thực tiễn về sự tham gia một cách tích cực của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, không phân biệt giới tính, dân tộc, nhóm xã hội sẽ làm tăng hiệu quả của bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, một bộ phận đông đảo người dân đã tích cực tham gia đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Người dân cho ý kiến sắc bén, vạch rõ và làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Gần 80-85% các thông tin xấu độc, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã bị gỡ bỏ[2]kịp thời, bảo đảm Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII diễn ra thành công.
Những kẻ như Lê Công Định hay Nguyễn Văn Đài từng bị xét xử và bị tuyên án về tội lật đổ chính quyền nhân dân hiện sống lưu vong ở nước ngoài còn đòi lợi dụng không gian mạng, lợi dụng dịch Covid-19 để lật đổ chính quyền tại Việt Nam đều bị xét xử nghiêm minh, kịp thời. Những tin đồn thất thiệt như: “Máy bay phun khử trùng toàn quốc”, “Khu cách ly thành phố Hà Nội vỡ trận”, “thực hiện cách ly xâm phạm quyền tự do đi lại của người dân”..., gây hoang mang dư luận, làm cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng, cá nhân có thẩm quyền nhanh chóng được phát hiện và bóc, gỡ.
Gần đây, để chống phá Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII của Đảng, một số đối tượng thù địch, cơ hội chính trị với bản chất phản động ra sức rêu rao rằng chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh của Đảng là minh chứng cho công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta đã thất bại, tham nhũng đã tràn lan. Luận điệu thù địch của chúng nhanh chóng bị người dân phản bác. Tham nhũng là vấn nạn toàn cầu, trên cơ sở quyết tâm chính trị, phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, góp phần làm trong sạch bộ máy, giữ vững ổn định chính trị, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân; giữ vững niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là hành động phục vụ cho dân, cho nước một cách thiết thực, không phải như suy nghĩ "ấu trĩ" của các thế lực thù địch. Hành động phản bác kịp thờicho thấy niềm tin của người dân vào chế độ và sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố.
Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, người dân tham gia nhiều hoạt động qua nhiều diễn đàn để phản biện chính sách, bày tỏ ý kiến sắc sảo, mạnh mẽ và kiên quyết hơn để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, sự tham gia của người dân chưa đồng đều ở các lĩnh vực và các khu vực, vùng miền. Ví dụ trong lĩnh vực đất đai, một trong những vấn đề gây khiếu kiện, bức xúc, người dân chưa được chủ động thể hiện ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Người dân ở khu vực đô thị tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng tích cực hơn khu vực nông thôn.
Vậy, làm thế nào để huy động người dân tham gia tích cực vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?
Thứ nhất, xây dựng và củng cố niềm tin của người dân đối với nền tảng tư tưởng của Đảng. “Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”[3]. Sự tham gia của người dân vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cụ thể là xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước, các cấp lãnh đạo chính quyền phải nêu gương cho người dân. Để xây dựng niềm tin này, chính quyền các cấp, đặc biệt là những cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý phải nói đi đôi với làm, tránh hình thức, làm kiểu đối phó. “... Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[4].
Thứ hai, để tham gia hiệu quả vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, người dân phải nâng cao trình độ về lĩnh vực mình tham gia đóng góp ý kiến. Do đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nâng cao trình độ dân trí và chú trọng lấy ý kiến người dân hiểu biết về lĩnh vực chính sách đó. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đất đai, cần cách tổ chức thực hiện khoa học, minh bạch để huy động người dân tham gia ý kiến rộng rãi vào công tác quy hoạch, sử dụng đất đai theo đúng tinh thần Hiến định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn mới với tính chất phức tạp, cam go hơn đòi hỏi người dân cần không ngừng rèn luyện để tham gia ngày càng hiệu quả. Tính chất phức tạp bởi ngoài các không gian truyền thống, sự xuất hiện của không gian mạng với đặc tính lan truyền nhanh của công nghệ là một trong những thách thức khiến công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải nhanh nhạy hơn. Thêm vào đó, tính cấp bách của cuộc đấu tranh không chỉ thể hiện qua các luận điệu sai trái, thù địch tung ra chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng tinh vi, khó lường, mà còn thể hiện ở thái độ không thờ ơ, không đứng ngoài của từng người dân. Một dân tộc có truyền thống nồng nàn yêu nước, sự tham gia sôi nổi, nhiệt tâm ấy, tinh thần đoàn kết ấy được kết nối trở thành sức mạnh bền bỉ, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu đê hèn của các thế lực thù địch.
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.183.
[2]https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-can-nguoi-dan-tham-gia-573620.html.
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 223.
[4] Hồ Chí Minh: Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.86.
Bùi Thị Long