Cho đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã gây nên những tổn thất nặng nề về kinh tế, xã hội và sinh mạng người dân; song, không thể phủ nhận những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được trong cuộc chiến chống Covid-19. Những thành tựu đó đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Để có được kết quả đó là do rất nhiều yếu tố như:sự ưu việt của thể chế chính trị, năng lực của ngành y tế, hiệu quả của công tác truyền thông, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân… Trong đó, không thể không nhắc đến chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã tạo sức mạnh to lớn trong cuộc chiến này.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là tổng hòa các yếu tố tri thức, tình cảm, ý chí của con người Việt Nam, tạo thành động lực tinh thần to lớn thúc đẩy họ sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ, xả thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ nghĩa yêu nước là giá trị thiêng liêng chung của toàn thể nhân dân Việt Nam, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trở thành đặc trưng tiêu biểu của tính cách con người Việt Nam.Đó là nguồn sức mạnh thường trực, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn…".
Những chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch
Và ngày hôm nay, khi phải đối mặt với “giặc” Covid-19, chủ nghĩa yêu nước của dân tộc ta một lần nữa lại được kích thích, phát huy, tạo sức mạnh để dân tộc ta vượt qua thử thách dịch bệnh. Điều đó được thể hiện rõ trong thông điệp của các nhà lãnh đạo, trong các khẩu hiệu mà truyền thông đem lại cho người dân. Như thông điệp mà nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã nêu ra: “Chống dịch như chống giặc”; đồng thời tuyên chiến với virút: “Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là một pháo đài để ngăn chặn dịch bệnh”. Hay như vừa mới hôm qua, ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Những lời kêu gọi này đã xác định nguyên tắc và tinh thần, thái độ đối với cuộc chiến chống lại dịch Covid-19. Nó đã chạm đến giá trị cao nhất mà mỗi người dân Việt Nam tôn thờ, gắn kết họ lại với nhau để cùng đất nước vượt qua khủng hoảng. Nó giúp gợi nhớ lại lịch sử hàng nghìn năm chiến đấu và đánh thắng ngoại xâm của cha ông và một lần nữa làm sáng lên tinh thần yêu nước của người Việt Nam.
Tuân thủ những quy định về phòng, chống dịch, người dân cũng truyền nhau một khẩu hiệu phổ biến từ đợt cách ly xã hội 15 ngày ở làn sóng dịch đầu tiên trên toàn quốc: “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”; “Ở nhà là yêu nước”… Khẩu hiệu đó tiếp tục tràn ngập trên mạng xã hội, được truyền tải đi một cách nhanh chóng trong những đợt giãn cách xã hội sau đó. Nhờ vậy, người dân chấp hành hàng loạt những biện pháp phòng chống dịch như quy định “5K”, thực hiện lệnh cách ly một cách tự nguyện, nghiêm túc và coi đây như một biểu hiện của lòng yêu nước. Những việc làm trái với quy định như trốn cách ly, không khai báo y tế, đưa người nhập cảnh trái phép… bị coi như những hành động đi ngược lại với lợi ích quốc gia dân tộc và bị lên án rất mạnh mẽ ở Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở lời nói, chủ nghĩa yêu nước còn được thể hiện qua những hành động vô cùng thiết thực. Nó là hạt nhân của tinh thần đoàn kết, không chỉ đồng bào trong nước mà còn cả kiều bào ở nước ngoài. Trong thời gian này, hai tiếng “đồng bào” thân thương cũng được người dân và truyền thông nhắc đến liên tục trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19. Rất nhiều các sáng kiến đã ra đời như máy ATM gạo, các hoạt động từ thiện, sử dụng robot trong các cơ sở cách ly y tế và cung cấp bữa ăn và đồ uống miễn phí cho nhân viên y tế, tặng khẩu trang và nước rửa tay… Những hoạt động ủng hộ bà con nông dân, công nhân vượt qua khó khăn được hưởng ứng. Những chuyến bay đưa người Việt Nam từ nước ngoài về nước, những chuyến tàu, xe đưa người dân từ vùng dịch về quêvới phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Kiều bào ta ở nước ngoài cũng ủng hộ cho công cuộc phòng chống dịch ở trong nước với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Lời kêu gọi ủng hộ cho cuộc chiến chống Covid-19 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của toàn dân; Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 đến nay đã nhận được số tiền ủng hộ trên 8.400 tỷ đồng…
Những “người lính” trong cuộc chiến chống “giặc” Covid được người dân ca ngợi, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước như: những cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, các y bác sĩ ở tuyến đầu, các tình nguyện viên… Họ được tôn vinh như những vị anh hùng và chính nhờ động lực tinh thần đó mà những “người lính” này sẵn sàng hi sinh lợi ích của bản thân để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
Như Quỳnh