Với những tổn thất về con người, kinh tế, chính trị mà Covid-19 đang gây ra cho loài người trên toàn cầu đã cho thấy, không phải lúc nào sức mạnh của vũ khí quân sự, của kinh tế mới là quyền lực thật giải quyết được mọi vấn đề của cuộc sống đang đặt ra.
Cơn dịch bệnh gây chết người hàng loạt đang cho thấy, nền tảng tôn thờ “sức mạnh cứng”, sức mạnh của quyền lực, của đồng tiền.v.v. không phải là triết lý sống của nhân loại.
Xét cho cùng, con vi-rút không phải là một “loài siêu thông minh”, nó cũng không có “toan tính” âm mưu hủy diệt loài người. Vì thế, mức độ phát tán của nó, phụ thuộc vào cách ứng xử của con người với vi-rút. Mà trước hết là cách ứng xử của chính phủ và sự đoàn kết, đồng thuận của người dân. Nói cách khác, tác hại nhiều hay ít của Covid-19, phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia.
Sức mạnh mềm
“Sức mạnh mềm” là khái niệm để đối lập với “sức mạnh cứng” và nó xuất phát từ sức hấp dẫn về bản sắc văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách đối ngoại của một quốc gia. Nếu như “sức mạnh cứng” thường được hiểu là để chỉ việc sử dụng quân sự, bạo lực, vũ trang, là áp đặt, cưỡng bức,.. thì “sức mạnh mềm” là hình thức sử dụng sức mạnh bằng biện pháp phi quân sự, phi bạo lực, nó mang tính giáo dục, thuyết phục, động viên, khuyến khích… để mọi người tự giác tin tưởng, làm theo.
Sức mạnh mềm của Việt Nam được tạo dựng trên các yếu tố: 1) thể chế chính trị (trong đó chủ yếu là hệ tư tưởng chính trị và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam); 2) đường lối đối ngoại (chính sách ngoại giao của đất nước); 3) tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị. Trong đó, thể chế chính trị, đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội, bản sắc truyền thống văn hóa được coi là cốt lõi sức mạnh mềm của Việt Nam hiện nay.
Đại dịch Covid - 19 và ảnh hưởng toàn cầu
Dịch bệnh Covid - 19 tính đến ngày 18/7/2020, số người mắc bệnh trên toàn cầu là hơn 14 triệu người, trong đó có hơn 600 nghìn người đã tử vong. Để dịch bệnh bùng phát như hiện nay có lỗi từ chính phủ các nước. Chính phủ nhiều nước như Mỹ, khu vực Mỹ Latinh, Châu Âu,… ngay từ đầu chưa chủ động sử dụng biện pháp mạnh trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Các nước này chú trọng vào yếu tố kinh tế và chính trị nhiều hơn, họ lo ngại, nếu mạnh tay chống dịch sẽ làm tổn thương đến kinh tế và động chạm đến các vấn đề chính trị nhạy cảm; và do đó, không thực hiện nghiêm ngặt cách ly ngay từ đầu, như không bắt buộc người dân đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, đóng cửa các cơ sở công cộng.
Chính vì sự vào cuộc không quyết liệt của chính phủ đã dẫn đến sự thờ ơ, chủ quan, thiếu hợp tác của người dân trong phòng, chống dịch Covid - 19. Bên cạnh đó, người dân Mỹ và châu Âu luôn đề cao quyền riêng tư và tự do cá nhân, nên khi các biện pháp chống dịch được thực hiện đã hạn chế sự thoải mái và sự tự do cá nhân của họ, nhiều người dân đã không cộng tác, thậm chí còn chống đối, kêu gọi đòi biểu tình.
Sức mạnh mềm và phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam
Ở Việt Nam, với dân số đông gần 100 triệu người, có đường biên giới dài với Trung Quốc (quốc gia đầu tiên xuất hiện dịch bệnh), Việt Nam là nước có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Nhưng do sự vào cuộc quyết liệt và sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta hiện nay về cơ bản đã kiểm soát và dập dịch tốt nhất thế giới.
Dù làn sóng thứ hai vừa trở lại với Việt Nam, thực tế là hơn 3 tháng qua Việt Nam đã không có người lây nhiễm trong cộng đồng, được các nước bạn bè trên thế giới ca ngợi, thừa nhận, lấy làm gương trong chống đại dịch. Để có thành công đó là do chúng ta biết khai thác sức mạnh mềm Việt Nam. Điều đó được thể hiện ở mấy điểm.
Thứ nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Vì vậy, khi có thông tin về ca bệnh ở đầu tiên ở Vũ Hán và nguy cơ lây lan của căn bệnh Covid-19, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có công văn số 79-CV/TW, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẩn trương vào cuộc.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế (phối hợp với WHO) khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án phòng, chống dịch; chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ công tác cách ly, xét nghiệm, khám, điều trị.
Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, toàn hệ thống chính trị tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Hai là, từ quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam về chống dịch Covid-19 đã tạo được sự đồng lòng, đồng sức, đồng thuận cao trên phạm vi toàn xã hội, thực sự là “ý Đảng - lòng dân”, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân.
Nhờ đó mọi người dân Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện việc phòng, chống dịch. Sức mạnh mềm được phát huy trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã và đang diễn ra, để mọi người đoàn kết một lòng, mỗi người dân đều là chiến sĩ chống dịch, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.
Sự thành công lớn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là tổng hợp sức mạnh của cả dân tộc ta, trong đó cần nhấn mạnh là sức mạnh mềm của cả đất nước đã được phát huy đúng mức và đúng lúc. Sức mạnh mềm lúc này là một thứ tài sản vô cùng quý báu, bởi nó là sức mạnh thông minh. Kết quả của sự đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc, đồng lòng, chung sức trong cuộc chiến chống đại dịch cũng minh chứng cho sức mạnh mềm Việt Nam.
Với bài học này chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng, Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quân đội, công an đến của các bộ, ngành chức năng và nhân dân.
Trước làn sóng mới của dịch Covid-19 mà dự báo là cũng sẽ không hề dễ dàng cho công cuộc phòng chống, bài học đó cần được tiếp tục phát huy hơn lúc nào hết.
Trong khó khăn, thử thách, sức mạnh mềm của dân tộc Việt tỏa sáng.
Hà Lê