Thiệt hại về kinh tế khoảng 30.025 tỷ đồng
Bão chồng bão, lũ chồng lũ vượt ngưỡng lịch sử đã gây ra nhiều tang thương và thiệt hại đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, thiết chế hạ tầng, môi trường sống ở tất cả các tuyến, từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi ở các tỉnh miền Trung. Chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập đến thế.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ giữa tháng 9/2020 đến giữa tháng 11/2020, khu vực Trung Bộ đã chịu ảnh hưởng liên tiếp của 08 cơn bão (5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 và 13), 02 cơn áp thấp nhiệt đới và 2 đợt mưa lũ lịch sử kéo dài từ ngày 06-22/10 đã gây ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tính đến nay, mưa lũ kéo dài, sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã khiến 249 người chết và mất tích; hơn 240.872 nhà dân bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái, 473.449 lượt nhà bị ngập; 49.931 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 40.170 con gia súc, hơn 3.6 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 800km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 213km bờ biển, sông bị sạt lở; 1.014km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 3,4 triệu m3. Ước tính thiệt hại về kinh tế lên tới khoảng 30.025 tỷ đồng. Đời sống người dân vùng lũ đang gặp muôn vàn khó khăn.
Cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực, quyết liệt “xắn tay áo” nhằm hỗ trợ người dân tái thiết, từng bước ổn định cuộc sống
Trước những thiệt hại to lớn do thiên tai gây ra, nhằm chia sẻ khó khăn, nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân vùng thiên tai, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã vào cuộc quyết liệt với những chương trình, hành động thiết thực, ý nghĩa.
Trong và ngay sau bão lũ, Chính phủ đã cử nhiều đoàn công tác vào miền Trung, phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ; xử lý kịp thời nhu cầu nhu yếu phẩm, thuốc men, trang thiết bị cần thiết phục vụ cứu hộ, cứu nạn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng bộ, ngành, cơ quan trên cơ sở trách nhiệm của mình, tăng cường các hoạt động phối hợp, hỗ trợ các tỉnh miền Trung ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Yêu cầu chính quyền các địa phương phải nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, đóirét, hoặc lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất". Thủ tướng khẳng định: “Đảng, Nhà nước, Chính phủ các cấp, các ngành và nhân dân cả nước luôn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ bà con bị thiệt hại do mưa lũ vượt qua khó khăn, khôi phục phát triển sản xuất và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường".
Ngày 5/11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết “Về hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng nề về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10 năm 2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên”. Theo đó, Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực ngân sách nhà nước, chủ yếu là ngân sách Trung ương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ người dân xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở bị sập, bị nước cuốn trôi, hư hỏng nặng. Căn cứ vào mức độ thiệt hại về nhà ở và mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, các địa phương sẽ chủ động sử dụng ngân sách của mình và huy động thêm các nguồn lực hợp pháp khác để quyết định mức hỗ trợ cho các hộ dân phù hợp. Đến nay, tổng số kinh phí ngân sách trung ương tạm cấp cho các địa phương miền Trung và Tây Nguyên khắc phục hậu quả bão, lũ tháng 10 năm 2020 là 1.250 tỷ đồng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan trong thời gian tới phải tập trung khắc phục, sớm thông các tuyến giao thông để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, bảo đảm giao thông đi lại cho người dân. Việc tìm kiếm những người còn mất tích tại các khu vực sạt lở đất ở tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, các ngư dân của tỉnh Bình Định bị mất liên lạc trên biển đang được các cơ quan chức năng tích cực tìm kiếm với quyết tâm cao nhất. Tiếp tục hỗ trợ điều trị, chăm sóc những người bị thương. Kịp thời làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là gia đình có người bị tử nạn, mất tích.
Việc chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân, không để người dân không có chỗ ở, thiếu đói, bệnh tật được các cơ quan chức năng, các địa phương đặc biệt chú trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương đã huy động hàng trăm ngàn chiến sỹ lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ đoàn viên thanh niên… bằng mọi biện pháp kể cả cõng lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm vượt qua ngềnh, thác tiếp tế cho người dân vùng bị cô lập, di dời dân đến vùng an toàn. Chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn, tổ chức việc tiếp nhận, phân phối các nguồn viện trợ, cứu trợ để bảo đảm an toàn cho người tham gia cứu trợ, đồng thời bảo đảm công tác cứu trợ được thực hiện nhanh nhất, công khai, minh bạch, công bằng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên bà con vùng lũ miền Trung, ngày 24/10/2020. Ảnh: Tư liệu
Để ổn định cuộc sống, bảo đảm sinh kế cho người dân, ngay sau khi lũ rút với phương châm “lũ rút đến đâu vệ sinh đến đó” các lực lượng đã được huy động tối đa cùng ra quân dọn dẹp, hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa; sửa chữa trường lớp tạo điều kiện cho học sinh trở lại trường học; dọn dẹp, xử lý vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh… Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục nhanh hệ thống điện, sản xuất công nghiệp; có phương án cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để tình trạng khan hiếm hàng dẫn tới tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; rà soát, kiểm tra, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi hỗ trợ các địa phương phục hồi sản xuất; kiểm tra đê điều, hồ đập thủy lợi, kịp thời sửa chữa khắc phục sự cố hồ đập. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị thiệt hại do bão, lũ…
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng lũ tái thiết, từng bước ổn định cuộc sống là vô cùng to lớn.Chỉ tính riêng lĩnh vực nông nghiệp, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để khắc phục sản xuất nông nghiệp sau lũ, các tỉnh miền Trung đang cần hỗ trợ 5.600 tấn lúa giống, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt rau giống, cùng với đó là 560 nghìn liều vacxin, 105 tấn và 140 nghìn lít hóa chất khử trùng. Thông qua các nguồn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ người dân 5 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ 1,1 triệu con gà giống, 11 nghìn con vịt giống, 3000 tấn thức ăn, tổ chức 23 lớp tập huấn để người dân yên tâm khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, 26 triệu con giống tôm và 70 tấn thức ăn, 13 tấn hạt giống, 20 tấn gạo, 16 tấn gióng ngô, 1,8 tấn rau giống, 30 nghìn liều vacxin, 60 lít và 70 tấn hóa chất khử trùng cũng đã được nhanh chóng chuyển tới hỗ trợ cho các địa phương.
Để giúp nhân dân vùng lũ ổn định, tái thiết cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: cả nước cần phải hỗ trợ để sản xuất của người dân trở lại bình thường. Thực hiện tinh thần tương thân tương ái, cần phải gia tăng sản xuất, gấp đôi, gấp ba. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, giải quyết việc làm, đẩy mạnh sản xuất ở những vùng thiên tai.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên bị ngập lụt trong khu vực cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó cụ thể với từng diễn biến, cấp độ mưa bão, lũ lụt; trong đó, cần chủ động di dời dân từ các vùng trọng điểm ngập lụt, vùng bị lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho dân trong những ngày di dời tránh trú. Và để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, Thủ tướng chỉ rõ yêu cầu tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, người dân về thiên tai; trong đó nâng cao nhận thức của người dân về tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực dự báo thiên tai, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ dự báo trượt đất, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong vấn đề này…
Bão lũ đã đi qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, người dân miền Trung đã và đang kiên cường vượt qua hoàn cảnh khó khăn, từng bước tái thiết cuộc sống, cùng động viên nhau “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” và tin chờ vào một ngày mai tươi sáng.
Ngày Mới