Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem việc dạy học là một nghề đào luyện những thế hệ con người xây dựng xã hội. Tuy sự cống hiến của thầy giáo là rất thầm lặng nhưng nếu trở thành một người thầy giáo tốt là điều vô cùng hữu ích và rất mực vẻ vang. Vì thế, Bác khẳng định: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”[1]. Để xứng đáng với “Thiên chức” của mình, được mọi người tôn kính, thì đòi hỏi mỗi người thầy phải có “Tâm” và “Tầm” và thường xuyên giáo dục, rèn luyện cái “Tâm” và “Tầm” của mình.
Nguyễn Ái Quốc đào tạo cán bộ cho cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tranh minh họa.
Cái “Tâm” của thầy giáo là một yêu cầu quan trọng không thể thiếu được trong hoạt động giáo dục. Người thầy phải có tâm huyết với nghề mới có hứng thú, say mê chăm chút từng bài giảng, từng nội dung tiết giảng; mới thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, bổ sung nội dung và phương pháp giảng dạy để đem lại hiệu quả cao nhất cho người học. L.N.Tônxtôi đã nói: Để đạt được thành tích trong công tác, người thầy giáo phải có một phẩm chất - đó là tình yêu. Người thầy giáo có tình yêu trong công việc là đủ cho họ trở thành người giáo viên tốt. Lòng yêu nghề ấy phải được biểu hiện thành những hành động cụ thể: Phải biết hiến thân cho nghề dạy học, biết hi sinh vì lợi ích tương lai, vì người học thân yêu; Phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp, cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi được đứng lớp; Phải luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để đem lại chất lượng cao nhất khi giảng dạy, thầy giáo không bị giới hạn không gian và thời gian, không phải bước ra khỏi lớp học là chấm dứt hoạt động sư phạm mà vẫn tiếp tục suy nghĩ về nội dung, phương pháp giảng, về thái độ tiếp nhận bài học của người học để tự đổi mới; Phải nhiệt tình trong xây dựng đơn vị, chân thành trong giúp đỡ đồng nghiệp; Phải xem những người học trò của mình như là những đứa con thân yêu, giúp đỡ người học một cách chân thành, không vì vụ lợi, không phân biệt đối xử, uốn nắn, dìu dắt để học trò không ngừng phát triển.
Cái “Tầm” của người thầy giáo là thể hiện tài năng trí tuệ và tài năng nghiệp vụ sư phạm. Tài năng sẽ giúp cho người thầy nắm vững và nhuần nhuyễn nội dung hệ thống các kiến thức của môn học, khả năng phát hiện vấn đề bổ sung vào nội dung bài giảng. Tài năng nghiệp vụ sư phạm thể hiện ở việc áp dụng các phương pháp giảng dạy, khả năng trình bày và khả năng xử lý các tình huống sư phạm trong quá trình giảng dạy. Kết hợp được giữa nội dung và phương pháp sẽ làm cho bài giảng phong phú, sinh động, hấp dẫn và có hiệu quả cao, làm cho người học hứng thú, say mê, tránh nhàm chán, từ đó chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu trong học tập. Do đó, đòi hỏi người thầy phải có năng lực về tri thức và tầm hiểu biết. Đây là năng lực trụ cột của năng lực sư phạm, là điều kiện để giảng dạy. Người thầy phải có năng lực chế biến tài liệu học tập từ chương trình khung. Thầy giáo phải gia công về mặt sư phạm đối với tài liệu học tập cho phù hợp với đặc điểm từng lớp học, đối tượng, chuyên ngành đào tạo. Cho nên, người thầy giỏi là người thầy hiểu học sinh, đặt mình vào vị trí người học để chế biến, trình bày tài liệu đúng với đối tượng. Người thầy phải có sự sáng tạo trong cung cấp kiến thức cho người học, bên cạnh kiến thức tinh tế và chính xác, đòi hỏi phải liên hệ được nhiều mặt giữa kiến thức cũ và mới, kiến thức bộ môn này với bộ môn khác, liên hệ thực tiễn gắn với từng chuyên ngành đào tạo. Người phảicó năng lực dạy học tốt. Người thầy tốt không chỉ truyền kiến thức cho người học mà có nhiệm vụ tổ chức và điều khiển hoạt động của họ, hướng họ đi tìm kiếm và lĩnh hội tri thức. Disterwey - một nhà sư phạm người Đức đã nhấn mạnh: “Người thầy giáo tồi là người mang chân lý đến sẵn, còn người thầy giáo giỏi là người biết dạy học sinh đi tìm chân lý”.
Ở Việt Nam, trong mỗi giai đoạn lịch sử mỗi thầy giáo đều là tấm gương sáng ngời trong dạy học. Họ một mực tận tâm với nghề, với học trò, họ là những người có trí tuệ uyên bác - vừa là người thầy, vừa là một nhà bác học, nhà văn hóa mẫu mực. Trong xã hội phong kiến có Nhà giáo Chu Văn An (thời Trần) là người thầy tài cao, đức trọng, ngay thẳng, cương trực, ông có công dạy dỗ nhiều người thành đạt nhưng không màng danh lợi. Hay như nhân cách cứng cỏi, bản lĩnh của cụ Tư đồ Trần Nguyên Đán; Nhà giáo Lương Đắc Bằng nghiêm khắc dạy bảo Nguyễn Bỉnh Khiêm học thi đỗ Trạng nguyên; nhà giáo - nhà Văn hóa Nguyễn Trãi; nhà giáo - nhà bác học Lê Quý Đôn; nhà giáo - nhà văn hóa Nguyễn Du; Nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu - nhà giáo cầm bút đánh giặc; thầy giáo - nhà cách tân Phan Bội Châu; thầy giáo - nhà cách mạng, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh. Và, còn biết bao những nhà giáo tiêu biểu đã cống hiến không chỉ cho sự nghiệp giáo dục mà còn cống hiến suốt cả cuộc đời cho cách mạng, cho khoa học kỹ thuật, cho thế hệ mai sau.
Ảnh minh hoạ
Trong thời kỳ đổi mới, mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến nhiều mặt của xã hội, song người thầy vẫn kiên định, vững vàng bản lĩnh, cốt cách của nhà giáo. Ánh sáng của lương tri, ngọn lửa trí tuệ, tình thương của nghề “trồng người” đã vun đắp cho thầy cô vững tin là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Đã có hàng trăm, hàng ngàn giáo viên chấp nhận xa gia đình, bè bạn… lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo dạy học. Đã có biết bao người thầy không màng danh lợi, sống đạm bạc, suốt đời vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Không ít thầy cô giáo đã chia sẻ phần thu nhập ít ỏi của mình nuôi học sinh nghèo học giỏi. Chính từ những hoạt động tưởng như bình thường ấy đã góp phần đem lại cho nền giáo dục nước nhà những bước tiến đáng mừng.
Nhưng rất tiếc, bên cạnh đó vẫn còn có một bộ phận thầy giáo suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Dư luận xã hội đang hết sức bất bình đối với một bộ phận nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên có biểu hiện thiếu gương mẫu, chưa tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu vươn lên, thậm chí còn có những hành vi thô bạo, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh,... Không ít người thầy giáo chịu tác động và lệ thuộc vào đồng tiền đã đánh mất đi những giá trị mà xã hội vinh danh cho mình, “mua tình, bán điểm” diễn ra ngay tại trường học - nơi tưởng chừng không bao giờ có thể xây ra chuyện này. Hiện tượng thầy giáo “đứng nhầm bục giảng” vẫn đang diễn ra, “tâm” đã không sáng, “tầm” còn không đủ nhưng vẫn đứng trên bục giảng. Những hiện tượng này đã làm méo mó hình ảnh cao đẹp của người thầy, làm vẩn đục truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã được xây đắp từ công sức, mồ hôi của biết bao thế hệ nhà giáo, đã kìm hãm sự phát triển của nền giáo dục.
Trước tình trạng đó đòi hỏi các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục cần phải tăng cường công tác quản lý, giáo dục đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay đang đặt ra cho ngành giáo dục những đòi hỏi bức thiết, phải kiên quyết và triệt để đổi mới từ công tác lãnh đạo, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cải tiến và nâng cao chất lượng, chương trình giảng dạy… Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là giáo dục, rèn luyện đội ngũ giáo viên - “dưỡng tâm, luyện tầm” - nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”[2].
Thành Lê