Cần phải tăng cường công tác dân vận trước nguy cơ lan truyền thông tin xấu độc tại các vùng nông thôn Việt Nam hiện nay. Ảnh: Internet.
Thời gian qua, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã thực hiện chống phá Đảng, Nhà nước bằng rất nhiều hình thức. Hoạt động chống phá xuất hiện ở khắp mọi nơi, hướng đến mọi tầng lớp nhân dân trong đó có vùng nông thôn.
Nông thôn Việt Nam là nơi chiếm số đông người dân sinh sống với gần 62,4 triệu người (chiếm 62,7% dân số cả nước). Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo của nông thôn và đời sống của cư dân nông thôn ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, cư dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và đời sống, trình độ nhận thức không đồng đều. Cư dân nông thôn chủ yếu là nông dân gắn với sản xuất nông nghiệp, đa phần thời gian giành cho lao động sản xuất chưa chú trọng nghiên cứu, cập nhật chủ trương, chính sách, pháp luật. Vì vậy các thế lực thù địch thường nhắm vào địa bàn nông thôn để thực hiện chống phá và việc lan truyền các thông tin xấu độc là một trong những hình thức được chúng sử dụng thường xuyên nhất.
Thông tin xấu độc thường hướng đến các vấn đề như: bôi nhọ đời tư, danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp, xuyên tạc về tình hình tham ô, tham nhũng, vi phạm pháp luật của cán bộ công chức, viên chức để gây ấn tượng xấu trong nhân dân; đưa các ý kiến bình luận, phân tích mang tính tiêu cực, xuyên tạc các chủ trương đối ngoại của Đảng; phủ nhận ý nghĩa của các chủ trương, chính sách hiện hành, kêu gọi người dân chống đối không thực hiện; lan truyền những bình luận mang tính xét lại lịch sử nhằm gây thù hận và chia rẽ đoàn kết dân tộc; đưa thông tin lệch lạc trước một số sự kiện, tình huống chính trị trong và ngoài nước khiến cho người dân nhìn nhận sai bản chất sự việc, hiện tượng; trước, trong và sau các hoạt động lớn như bầu cử các cấp, tổ chức cán bộ, chúng đưa các thông tin xuyên tạc về công tác tổ chức nhân sự nhằm gây nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoài nghi trong nhân dân. Trên thực tế cho thấy, những thông tin xấu độc đó đã ít nhiều có tác động, ảnh hưởng tới tâm tư của một bộ phận người dân.
Trước thực trạng trên, cần nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở vùng nông thôn để đánh bật những thông tin xấu độc của các thế lực thù địch thông qua các giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận và về nhận diện, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, ngăn chặn sự lan truyền của chúng. Các tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên, phải nâng cao ý thức về nhiệm vụ chính trị của cơ quan tổ chức, của bản thân mình trong việc bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, nâng cao hiểu biết và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Hơn nữa, cần nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực chuyên môn, nắm bắt thực tiễn, nhận diện thông tin xấu độc và kỹ năng đấu tranh phản bác của cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong cuộc sống, nói đi đôi với làm, nêu cao tinh thần phụng sự nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
Lực lượng công an nhân dân đang vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Ảnh: Internet.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, ban hành chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế ở nông thôn, thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hướng đến mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”. Đây chính là cơ sở cho việc củng cố niềm tin, sự ủng hộ của người dân đối với Đảng, Nhà nước.
Thứ ba, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Các lực lượng chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trước các hiện tượng chống phá, cần phải nắm tình hình, theo dõi chặt chẽ để có các hình thức xử lý kịp thời và nghiêm minh. Đối với các đối tượng phản động có âm mưu, thủ đoạn xúi giục, kích động người dân chống đối, thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật thì phải kịp thời xử lý nghiêm minh nhằm bảo đảm trật tự trị an, tránh tình trạng do thiếu thông tin, nhẹ dạ cả tin mà người dân vướng vào lao lý.
Thứ tư, đổi mới và tăng cường công tác dân vận gắn với trách nhiệm của chính quyền, Mặt trận, đoàn thể. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền gắn liền với việc nâng cao năng lực chuyên môn, thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của mỗi cơ quan, ngành chức năng và cán bộ, công chức, viên chức. Mặt trận, đoàn thể phải sâu sát với nhân dân, xử lý tốt những vấn đề khúc mắc của đoàn viên, hội viên, nhân dân. Phát huy vai trò thu hút, tập hợp nhân dân ngày càng đông đảo để quy tụ lực lượng, định hướng dư luận trước những vấn đề nhân dân quan tâm. Tạo điều kiện cho Mặt trận, đoàn thể cấp cơ sở hoạt động hiệu quả để bảo đảm các luồng thông tin xấu độc bị đánh bật ra khỏi cộng đồng nông thôn.
Thứ năm, đa dạng hóa các hình thức dân vận. Bên cạnh các hình thức dân vận truyền thống như báo chí, truyền thanh, truyền hình, hội họp… cần phải bổ sung các hình thức dân vận mới đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Sử dụng linh hoạt mạng xã hội và báo điện tử tiếp cận đông đảo nhân dân, trong mọi thời điểm để hiệu quả lan tỏa cao; tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp, các hội thi, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, sinh hoạt chuyên đề định kỳ hoặc thường xuyên; đối với một số vùng nông thôn khó khăn đặc thù phải truyền thông lưu động, vận động gặp gỡ trực tiếp tại nhà… Tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng. Bằng cách biểu dương, khen thưởng, khích lệ, động viên để họ tham gia ngày càng tích cực hơn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc lan truyền trong đời sống. Thực hiện có hiệu quả phong trào “mô hình dân vận khéo”, “điển hình dân vận khéo”, nhân rộng và lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống đến mọi lĩnh vực,mọi tầng lớp trong xã hội.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Đặc biệt trong bối cảnh các thế lực thù địch chống phá bằng nhiều hình thức như hiện nay thì công tác dân vận càng phải tăng cường và đổi mới để bảo đảm niềm tin và sự ủng hộ của người dân đối với Đảng và Nhà nước được giữ vững và ngày càng sắc son.
Mai Thương