Vị trí, vai trò của thanh niên trong thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường 2045
Trong bài diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia. Thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh; trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, hăng hái đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước”[1].
Thanh niên Việt Nam với khát vọng hùng cường 2045. Nguồn: Internet.
Trên con đường hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc, thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố nguồn lực con người[2]. Thanh niên phải thực sự trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ sức, đủ tâm, đủ tầm để gánh vác sứ mệnh này. Do đó, chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước. Thế hệ thanh niên hiện nay sẽ trưởng thành, có kiến thức, kỹ năng và có đủ trải nghiệm để gánh vác những trọng trách lớn ở từng cơ quan, đơn vị, trong từng ngành nghề lĩnh vực của xã hội vào năm 2045. Do đó, không ai khác, ngay từ bây giờ thanh niên phải là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong việc hiện thực hóa khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường.
Văn kiện Đại hội XIII cũng đã nhấn mạnh việc “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”. Đã đến lúc mỗi người Việt Nam, nhất là thanh niên, phải giải phóng khát vọng phát triển, phát huy hết khả năng, tiềm năng của bản thân để đóng góp và xây dựng đất nước phồn thịnh. Do đó, điều quan trọng đầu tiên là phải giúp thanh niên nhận thức được vị trí, vai trò của mình, phải khơi dậy được ý chí, khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh trong thanh niên.
Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030” đã nhấn mạnh: Trọng tâm là giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lý tưởng phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thanh thiếu nhi. Đắp xây hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới trên nền tảng các giá trị cốt lõi “tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn[3]. Phải làm cho thanh niên ý thức được trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước.
Bí thư thứ nhất T.W Đoàn Nguyễn Anh Tuấn và các bạn trẻ tại buổi đối thoại với chủ đề Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên, ngày 25/3/2022. Ảnh: Internet.
Một số gợi mở định hướng và rèn luyện cho thanh niên
Với trọng tâm bồi dưỡng và phát triển thanh niên trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, thành lực lượng nòng cốt xây dựng và phát triển đất nước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trên các lĩnh vực quan trọng như kỹ thuật, công nghệ, quản lý, quản trị; nhân lực chất lượng cao trong lãnh đạo quản lý nhất là các lĩnh vực then chốt. Đây là nhiệm vụ có tầm quan trọng quyết định đến chiến lược phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, có thể gợi mở một số định hướng rèn luyện cho thanh niên như sau:
Thứ nhất, về định hướng nghề nghiệp, mục tiêu phát triển cho thanh niên
Trước hết, định hướng nghề nghiệp cần căn cứ theo sở trường, theo năng lực bản thân, để tránh lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc khi phải theo đuổi những công việc mà bản thân không yêu thích, dẫn tới hiệu quả làm việc thấp, không tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Chỉ khi theo đuổi lĩnh vực mà bản thân yêu thích, có năng khiếu, sở trường thì khi đó năng lực mới được phát huy tối đa, mới có sáng tạo, đó là những điều mà lao động chất lượng cao hướng tới, từ đó mới có được những chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, định hướng nghề nghiệp và mục tiêu phát triển cho thanh niên cũng cần chú ý tới xu hướng thời đại, nhu cầu lao động trên thị trường trong nước và quốc tế nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, các lĩnh vực nghề nghiệp thay đổi nhanh chóng, không ngừng. Theo nghiên cứu của Đại học Oxford 47% việc làm hiện nay có thể biến mất trong 20 năm tới, hay theo số liệu được công bố tại Hội nghị Kinh tế thế giới, 65% công việc trong tương lai dành cho thế hệ Z (sinh trong giai đoạn 1995 - 2012) vẫn chưa xuất hiện do những đổi thay không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó cần có những nghiên cứu, nhận dạng và xác định xu hướng nghề nghiệp tương lai, tạo cơ sở quan trọng để định hướng nghề nghiệp cho thanh niên đi vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, chủ chốt trong bối cảnh xã hội mới, từ đó có tạo ra những bước đột phá.
Thanh niên phải trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn: Internet.
Thứ hai, về học tập, rèn luyện, trau dồi kỹ năng cho thanh niên
Để đáp ứng những yêu cầu khi đất nước ta thực sự bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển nền kinh tế số, thanh niên Việt Nam phải có kiến thức công nghệ thông tin, ngoại ngữ tốt, thành thạo các kỹ năng mềm và trau dồi kinh nghiệm làm việc thực tế, đó là hành trang quan trọng để để có thể mở rộng cánh cửa bước vào sân chơi của toàn cầu hóa. Vì vậy, thanh niên hiện nay phải tích cực, chủ động tích lũy kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, cập nhật kịp thời, và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất của thế giới vào cuộc sống thì mới có cơ hội cạnh tranh trong thế giới phẳng ngày nay.
Nâng cao trình độ ngoại ngữ là cũng là yêu cầu tất yếu để có cơ hội tiếp xúc với sách báo, tài liệu nước ngoài, giao lưu với bạn bè quốc tế, học hỏi văn hóa, tiếp thu tri thức nhân loại. Ngoài ra, cần thường xuyên nâng cao các kỹ năng mềm;các nghiên cứu đã chỉ ra rằng kỹ năng mềm quyết định tới 75% thành công của con người, trong khi kỹ năng cứng (về kiến thức, chuyên môn) chỉ chiếm 25%. Các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, quản lý thời gian… là những kỹ năng vô cùng cần thiết. Ngoài ra, thanh niên cũng cần tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, và quan trọng hơn là xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với mọi người.
Hồng Đào