Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, thuận lợi cho lưu thông hàng hoá, giúp hệ thống Chành (giáp nước) - Đại lý các cấp và chợ Đầu mối phát triển, trong đó, cảng Sài Gòn đã trở nên sầm uất từ thế kỷ XVII - XVIII. Hoạt động giao thương buôn bán tạo sự giao lưu văn hoá giữa các tộc người bản địa và nước ngoài như tộc người Hoa, Ấn, Java, châu Âu..., đó là cơ sở để cấu trúc đa tộc người tại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh hình thành, với “người Việt, người Hoa, người Khmer, người Âu, người Phi hoặc người Ấn da đen nữa: Lũ Tây dương da trắng bạc; Mồm giớn giác, miệng xếch xác, hình vóc khác; Qua Ô rồ mặt đen thui; Thể lọ nồi, đầu quấn riết, miệng trớt môi; In thiên bồng, thiên tướng, thiên lôi”.[i]
Mỗi tộc người khi đến đến Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đều mang theo và lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống tộc người mình. Trong quá trình cộng cư, giao lưu giữa các tộc người làm cho sự giao lưu kinh tế, chính trị và văn hoá càng đa dạng, phong phú và không ngừng phát triển. Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh hội tụ đầy đủ 54 dân tộc sinh sống và làm việc với quy mô dân số hơn 9 triệu dân. Trong đó, đông nhất là tộc người Việt với hơn 8,5 triệu người (chiếm 94,8%) và 470.000 người (5,2%) thuộc 53 dân tộc khác (9,8% là người Hoa; 0,09% là người Chăm; 0,07% là người Khmer; 0,13% là các tộc người khác gồm người Tày, người Mường...)[ii].
Chợ Bình Tây là khu chợ của người Hoa
(Ảnh: internet)
Tiến trình lịch sử ghi nhận các dấu vết giao lưu văn hoá cả nội sinh và ngoại sinh từ các thành tố của văn hoá: Ăn, Mặc, Ở và Đi lại, diễn ra dưới nhiều hình thái và mang nhiều màu sắc, phản ánh sự thích nghi và không ngừng thúc đẩy quá trình giao lưu để giải quyết nhu cầu giữ gìn bản sắc và tiếp thu - hội nhập. Ẩm thực của người Hoa được các tộc người khác tiếp thu, không tạo nên xung đột văn hoá mà còn có sự sẻ chia kinh nghiệm cuộc sống[iii]. Người Việt tiếp thu “chữ tín” làm nên một khu vực buôn bán sầm uất, biến đổi từ “trọng nông ức thương” thành “phi thương bất phú”, tạo nên thương hiệu Chợ Lớn luôn tấp nập. Sự cộng cư tạo ra những nét khu biệt của từng tộc người trong bức tranh nhiều màu sắc của Thành phố Hồ Chí Minh, đó là hàng trăm ngôi miếu, đình, chùa của người Việt; hàng chục ngôi miếu của người Hoa; điểm tụ cư của người Chăm có thánh đường (masjid) hoặc tiểu thánh đường (surao) tại quận 1, 3, 8, Phú Nhuận; những ngôi chùa Phật giáo tiểu thừa (như Candaransi, Bodhivangsa Pathi Vong) của người Khmer ở quận 3, Tân Bình và nay xuất hiện tại công viên Phạm Đình Hổ, Phú Lâm...
Chùa của cộng đồng người Khmer ở Thành phố Hồ Chí Minh
(Ảnh: internet)
Trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - văn hoá – xã hội cùng với cộng đồng đa tộc người tiếp tục là nơi diễn ra quá trình giao lưu văn hoá mạnh mẽ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành và đoàn thể Thành phố luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện cho tất cả thành phần tộc người dần từng bước nâng cao trình độ học vấn, trong đó có các phương thức miễn giảm học phí, trao tặng học bổng, hỗ trợ phương tiện, dụng cụ học tập cho các nhóm dân tộc thiểu số; triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững với các biện pháp như cho vay vốn làm ăn, dạy nghề, hỗ trợ phương tiện sinh kế, tạo việc làm... Tổ chức các lễ hội truyền thống gắn với các hoạt động giao lưu văn hóa như: Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tháng chay Ramadan, Tết cổ truyền của dân tộc Chăm, Khmer, Tết Đoan Ngọ,...[iv].
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (Tp. Hồ Chí Minh)
(Ảnh: tuyengiao.vn)
Cùng với đó, công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ là người dân tộc cũng được quan tâm nhằm bổ sung lực lượng kế cận vào các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp với những cơ chế phù hợp cho từng tộc người, từng khu vực, từng nhóm nghề nghiệp... Đặc biệt, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tại các quận đã quan tâm, phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào các dân tộc, góp phần đấu tranh ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vai trò của người uy tín được phát huy là nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước tại quận 8, Tân Phú, quận 3, Tân Bình. Tại quận 5, với vai trò người đầu Bang (Hẹ, Phúc Kiến, Quảng Đông...) của các Hội quán, tạo nên sự liên kết chuỗi giá trị cung ứng hàng hoá nội Hội quán và các Hội quán khác từ các tỉnh, vươn ra thế giới trong cộng đồng người Hoa[v].
[i] Trần Văn Giàu, (1987), Địa chí văn hoá TP.HCM, tập 1-Lịch sử, Nxb TP.HCM, tr.245.
[ii] Mạnh Hoà, (16/10/2019), Điều tra về dân số, nhà ở của 53 dân tộc thiểu số tại TP.HCM, Báo Sài Gòn Gải Phóng, Đoạn 10-11.
[iii] Vào thập niên 90 của thế kỷ XX, dân nhập cư từ Đức Phổ, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi)... đã tiếp thu tạo nên món hủ tíu gõ đặc trưng với giá cả bình dân (song lại là của người Hoa vào thập niên 50-60 của thế kỷ XX). Một loạt các tiếp thu từ Hủ tíu Mỹ Tho, Bún nước lèo, Bún Cá, Hủ tíu Nam Vang đều có sự giao lưu văn hoá với người Hoa trong cách chế biến ẩm thực.
[iv] H.B (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú): Mặt trận Tổ quốc, Ban Văn hoá xã hội định kỳ hằng năm đều tổ chức khá tốt các lễ hội của bà con người dân tộc, nhất là người Hoa, Khmer chiếm số đông trên địa bàn phường; Đ.C (phường 14, quận 3): Vào dịp Tháng chay Ramadan, phường đều hỗ trợ cho các Thánh đường về vật chất nhằm giúp bà con người Chăm có điều kiện thực hiện tháng chay được chu đáo nhất.
[v] T.C.M (người Quảng Đông-phường 15, quận 5): người Hoa ở Chợ Lớn và người Hoa ở Hồng Kông, Singapore có quan hệ rất chặt chẽ, luôn hỗ trợ lẫn nhau về vốn, kinh nghiệm làm ăn, kết nối đầu tư trong các lĩnh vực khác nhau, chiếm đa số các dịch vụ thương mại, tài chính.
Huỳnh Văn Sinh, Nguyễn Thị Lộc Uyển - Học viện Cán bộ Tp. Hồ Chí Minh