Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc vào năm 1948. Bắt đầu từ thời điểm đó, thi đua yêu nước thực sự đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp, lôi cuốn tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề tham gia, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, việc triển khai các phong trào thi đua ái quốc lại có thêm những sứ mệnh mới. Cùng với việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, nêu ra các căn bệnh “mãn tính” thì cũng cần có những nhân tố điển hình tiên tiến, cách làm hay, việc làm tốt để nhân lên những giá trị nhân văn, bác ái; mang lại không khí sôi nổi, lạc quan cho toàn xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước lần thứ IV (30/12/1966). Ảnh tư liệu.
Việc nghiên cứu tư tưởng thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh để có nhận thức đúng, từ đó vận dụng vào thực tiễn xây dựng và triển khai các phong trào thi đua yêu nước cũng như công tác thi đua, khen thưởng trong bối cảnh hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng.
Mục tiêu của thi đua yêu nước
Hồ Chí Minh luôn đề vao vai trò của thi đua ái quốc. Người cho rằng, thi đua chính là cách tốt nhất để nâng cao hơn nữa những truyền thống oanh liệt, đoàn kết các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng và để làm được điều đó chỉ có cách thức phát động các phong trào thi đua. Người nói: “Cuộc Thi đua ái quốc sẽ đưa chúng ta lên một trình độ cao hơn trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, nó sẽ đưa chúng ta mau đến chỗ thành công”[1]. Phong trào thi đua ái quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động với mong muốn đạt được kết quả cao nhất chính là: “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”[2].
Mục tiêu này được nhấn mạnh trong suốt tiến trình cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ngày nay, với khẩu hiệu “Ðoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào thi đua yêu nước với mục tiêu xuyên suốt là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, nhiệm vụ cách mạng có thể thay đổi nhưng mục tiêu cuối cùng hướng tới những giá trị cốt lõi “độc lập, tự do, hạnh phúc” là không bao giờ thay đổi.
Nền tảng của thi đua yêu nước
Theo Hồ Chí Minh, thi đua từ công việc hằng ngày của mỗi người. Đây là vấn đề rất cơ bản thuộc về cơ sở, gốc rễ, nền tảng của thi đua. Chính trên nền tảng này mà các phong trào thi đua sẽ được nảy sinh và diễn ra liên tục. Công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua, song không phải ai cũng hiểu rõ, hiểu đúng bản chất vấn đề. Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra một số nhận thức sai lầm trong thực hiện các phong trào thi đua như: “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm”[3].
Lễ khai mạc Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, ngày 10/12/2020. Ảnh: Internet.
Ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước
Một là, hình thành văn hóa thi đua, tạo ra các giá trị nhân văn để hình thành một xã hội tốt đẹp với những chuẩn mực đạo đức làm nền tảng. Theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với mục tiêu mang đến hạnh phúc cho con người thì yếu tố xã hội tốt đẹp, môi trường đáng sống cũng là một trong những tiêu chí mang lại hạnh phúc cho con người. Do đó, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị trong hiện tại, khi chúng ta ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước, song bị tác động không nhỏ của mặt trái cơ chế thị trường, sự tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật và âm mưu phá hoại cách mạng của các thế lực phản động trong và ngoài nước, nên nảy sinh nhiều suy nghĩ và hành động sai trái như: bệnh quan liêu,bệnh côngthần, bệnh thành tích, cạnh tranh không lành mạnh, gian dối, vi phạm pháp luật... Do đó, Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Để phát triển phong trào thi đua, chúng ta phải chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua”[4].
Hai là, tính rộng khắp, “toàn dân, toàn diện”, mọi người, mọi ngành cùng thi đua góp phần tạo nên môi trường sống tích cực, vui vẻ, hình thành những động lực cho phát triển. “Người người thi đua,Ngành ngành thi đua”[5]; “Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác”[6]; “Chúng ta còn phải cố gắng nữa, để tiến bộ nữa. Còn phải tiếp tục phong trào thi đua ái quốc, để theo cho kịp các nước tiên tiến trên thế giới”[7]. Sự rộng khắp, mạnh mẽ từ mỗi người, mỗi ngành sẽ tạo thành một không khí thi đua sôi nổi, mang tới những kết quả tốt nhất. Từ đó, Hồ Chí Minh đặt niềm tin vào sức mạnh và kết quả của một phong trào rộng lớn có tính chất toàn quốc - phong trào thi đua yêu nước.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng, những dự báo, định hướng của Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn vẹn nguyên giá trị. Soi chiếu theo tư tưởng của Người, công tác thi đua, khen thưởng hiện nay nói chung, việc xây dựng các phong trào thi đua yêu nước nói riêng muốn đạt kết quả tốt cần chú trọng tới một số vấn đề sau: Một là, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt là người đứng đầu trong chỉ đạo các phong trào thi đuayêu nướcđể thi đua thực chất mà không hình thức; Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, nhất là tuyên truyền về những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân rộng các giá trị tích cực, tạo không khí sôi nổi cho xã hội; Ba là, bảo đảm các quy trình xây dựng phong trào thi đua một cách khoa học và hiệu quả để tránh hình thức hóa các phong trào thi đua hoặc có tác dụng ngược.
Phương Nhung