Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi tăng từ 5,8% năm 1999 lên 6,4% năm 2009 và 7,7% năm 2019[1]. Điều này có nghĩa là “cơ cấu dân số đã bước vào giai đoạn già hóa dân số[2]. Chỉ số già hóa dân số năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 phần điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn 2 lần so với năm 1999. Trong đó, chỉ số già hóa dân số ở đồng bằng sông Cửu Long là cao nhất (58,5%), tiếp đến là đồng bằng sông Hồng (57,4%), Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung (52,2%), Đông Nam bộ (42,8%), Trung du và miền núi phía Bắc (36,3%) và thấp nhất là Tây Nguyên (28,1%).
Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển có quá trình chuyển đổi cấu trúc dân số theo hướng già hóa nhanh. Theo dự báo, già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra bắt đầu từ năm 2017,nhưng trên thực tế, quá trình này đã diễn ra ở giai đoạn 2011-2012, khi đó tỷ trọng dân số trên 65 tuổi đã chiếm 7,1%[3]và đến năm 2040, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số già.
Mục tiêu, phương hướng thích ứng già hóa dân số theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Tại Đại hội XIII, Đảng ta nhận định: “cơ cấu dân số đã bước vào giai đoạn già hóa dân số”[4]. Vì vậy, Đảng ta đã xác định một trong những nhiệm vụ giải quyết các vấn đề liên quan đến dân số, đó là “xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển, tận dụng và phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị điều kiện thích ứng già hóa dân số[5]; đồng thời, “chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; tận dụng hiệu quả các cơ hội từ cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi[6].
Đại hội XIII của Đảng ta cho rằng “cơ cấu dân số đã bước vào giai đoạn già hóa dân số”. Ảnh: Internet.
Để thích ứng với già hóa dân số, Đảng xác định mục tiêu: “đến năm 2025, tuổi thọ bình quân khoảng 74,5 tuổi trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm[7]và đến năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tuối thiểu 68 năm[8].
Phương hướng thích ứng với già hóa dân số cũng đã được Đảng ta xác định cụ thể trong từng giai đoạn. Trong đó, “Phấn đấu đến 2025 có ít nhất 20% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế - xã hội”[9]; đến năm 2030, tiếp tục “bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi…; tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; đảm bảo 100% người cao tuổi có thể bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội”[10].
Giải pháp thích ứng già hóa dân số theo tinh thần Đại XIII của Đảng
Già hóa dân số là quá trình chuyển đổi cấu trúc tuổi dân số không thể đảo lộn, cho nên không thể loại trừ hiện tượng này ra khỏi quá trình phát triển. Do đó, để góp phần hiện thực hóa quan điểm thích ứng già hóa dân số theo tinh thần của Đảng tại Đại hội XIII, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, giải pháp làm chậm lại quá trình già hóa dân số. Đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tuổi thọ, đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao nhận thức về rèn luyện sức khỏe và có lối sống lành mạnh, tích cực làm việc để tăng tích lũy... Để làm được điều này, cần đưa dịch vụ tư vấn vào cơ sở y tế để tuyên truyền vận động người dân thực hiện lối sống lành mạnh để tận hưởng sức khỏe tốt hơn khi già. Thực hiện các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức về những thay đổi tuổi già và loại bỏ cảm xúc tiêu cực và sợ hãi tuổi già. Nâng cao nhận thức cho dân số trong độ tuổi lao động về tầm quan trọng tham gia bảo hiểm xã hội cũng như các chương trình tiết kiệm để có thu nhập ở tuổi già. Khuyến khích người dân tìm kiếm và thực hiện những lời khuyên về việc duy trì một lối sống lành mạnh và cách thay đổi thói quen của họ theo tuổi tác; hình thành thói quen tốt trong cuộc sống. Rà soát và hoàn thiện chính sách dân số với bảo đảm mức sinh hợp lý nhằm làm chậm lại quá trình già hóa dân số.
Cần phải xây dựng những chính sách phù hợp cho người cao tuổi để đối phó với việc dân số già hóa. Ảnh: Internet.
Thứ hai, tạo môi trường sống thân thiện với người cao tuổi ở cả đô thị và nông thôn. Muốn vậy, kết cấu hạ tầng phải được thiết kế theo nhu cầu của người cao tuổi, chẳng hạn như lối đi được lát đá không trơn, đủ ánh sáng trên đường phố và lắp thang máy thay vì đi cầu thang bộ. Các cơ sở công cộng như nhà vệ sinh công cộng cũng cần được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người cao tuổi. Hỗ trợ nhà ở cho người cao tuổi nghèo, đơn thân.
Thứ ba, phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Biện pháp này nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi để có một tuổi già khỏe mạnh. Mở rộng và phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, phát triển dịch vụ tư vấn sức khỏe tại các cơ sở y tế cho người cao tuổi và khuyến khích người cao tuổi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khuyến khích phát triển các cơ sở y tế tư nhân có chuyên khoa Lão nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người già, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện công.
Thứ tư, phát triển hệ thống chăm sóc xã hội toàn diện để đáp ứng nhu cầu chăm sóc xã hội ngày càng tăng của người cao tuổi. Chăm sóc người cao tuổi không chỉ chăm sóc sức khỏe mà còn có chăm sóc xã hội. Do đó, cần phát triển và hoàn thiện chính sách về đào tạo và công nhận mã nghề cho người chăm sóc. Phát triển và tăng cường quản lý dịch vụ chăm sóc xã hội cũng như cơ chế phối hợp công tư trong cung ứng dịch vụ chăm sóc xã hội. Gắn kết giữa chăm sóc xã hội tại cộng đồng với dịch vụ chăm sóc xã hội chính thức và phi chính thức. Cung cấp đầy đủ các dịch vụ như tư vấn cho người cao tuổi và gia đình, trị liệu tâm lý cho người cao tuổi, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội theo quy định của pháp luật, cung cấp các dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cho người cao tuổi, cung cấp các hỗ trợ khẩn cấp liên quan đến rối loạn và khủng hoảng tâm lý của người cao tuổi.
Thứ năm, nâng cao chất lượng an sinh xã hội đối với già hóa dân số. Tiếp tục duy trì mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi. Sử dụng và tận dụng một cách triệt để lợi thế của cơ cấu dân số vàng, bởi lẽ tận dụng lực lượng này sẽ tạo ra năng suất lao động xã hội để kích thích sự phát triển. Lồng ghép giới trong các chương trình, chính sách thích ứng với già hóa dân số. Khuyến khích, vận động người già tham gia các dịch vụ bảo hiểm để hạn chế rủi ro và giảm gánh nặng cho nhà nước. Tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để về già có lương hưu. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các hoạt động an sinh xã hội cho người cao tuổi.
Thứ sáu, có nhiều biện pháp để phát huy vai trò của người cao tuổi. Trong đó, chú trọng nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả của người cao tuổi; có cơ chế, chính sách tạo thuận lợi trong hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh đối với các chủ trang trại, doanh nhân là người cao tuổi. Hỗ trợ thông tin việc làm, cung cấp cơ hội đào tạo lại cho người cao tuổi để nâng cao tay nghề và kỹ năng, giúp họ có khả năng cạnh tranh trong tìm việc làm ở thị trường lao động mới. Vận động sự ủng hộ việc chống kỳ thị dựa vào tuổi trong việc làm và ban hành quy định pháp lý cụ thể để chống lại sự phân biệt theo tuổi. Tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh và tạo sự lan tỏa của phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”.
TT