Công nhân với máy móc công nghệ hiện đai. Ảnh: internet
Thay đổi đầu tiên dễ nhận thấy là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và chất lượng của giai cấp công nhân so với trước đây. Theo ILO (Tổ chức lao động quốc tế), thế giới hiện nay lực lượng lao động được trả công và lao động theo phương thức công nghiệp có khoảng 2 tỷ (chiếm trên 60% số lao động toàn cầu)[2]. Không những vậy, trình độ của giai cấp công nhân cũng không ngừng được nâng lên với hơn 1 tỷ lao động trí thức[3]. Đồng thời, cuộc cách mạng cũng góp phần nâng cao khả năng thống nhất, đoàn kết của giai cấp công nhân, dựa trên cơ sở của sự liên kết ngày càng mạnh mẽ trong quá trình lao động và sự gia tăng của các vấn đề bất bình đẳng xã hội. Điều này càng khẳng định tính khách quan đã được C.Mác và Ph.Ăngghen nêu trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: “sự phát triển của công nghiệp không những đã làm tăng thêm số người vô sản, mà còn tập hợp họ lại thành những khối quần chúng lớn hơn”[4] để tiến hành các nhiệm vụ cách mạng của mình. Tất nhiên, mặt tiêu cực của cuộc cách mạng cũng được thể hiện rõ nét như vấn đề thay đổi nhanh về thị trường lao động, khiến các nước “đi sau” sẽ gặp nhiều khó khăn khi khoảng cách về trình độ của giai cấp công nhân ngày càn giãn ra, số công nhân “yếu thế” có nhiều nguy cơ bị gạt ra khỏi guồng máy sản xuất ngày càng hiện đại. Công nhân hiện đại cũng đang phải đối diện với hàng loạt vấn đề xã hội phức tạp như nhà ở, việc làm, phúc lợi xã hội,… với những biểu hiện mới chưa từng có tiền lệ.
Ra đời trong cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, giai cấp công nhân Việt Nam vừa mang sẵn trong mình những đặc tính của giai cấp công nhân thế giới là tính tiên tiến, tính kỷ luật, triệt để cách mạng, đoàn kết. Đồng thời, giai cấp công nhân Việt Nam có những đặc điểm riêng như: Ra đời trước giai cấp tư sản dân tộc, không bị tác động bởi các khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa, cải lương, xét lại; không bị giai cấp tư sản đầu độc về tư tưởng, nên luôn luôn đoàn kết, thống nhất trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và địa chủ, phong kiến tay sai. Đồng thời, sớm ảnh hưởng bởi ánh sáng chân lý của cách mạng Tháng Mười Nga[5] nên nhanh chóng phát triển từ tự phát lên tự giác khi sớm thành lập được bộ tham mưu chiến đấu tiên phong là Đảng Cộng sản. Hơn nữa, xuất thân chủ yếu của giai cấp công nhân Việt Nam là từ những người nông dân nên đã tạo ra sự liên minh “tự nhiên” vững chắc. Nhờ vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân Việt Nam đã thể hiện được vai trò tiên phong trong đấu tranh giành độc lập (1945), thống nhất đất nước (1975), và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, tổng số lao động làm công hưởng lương trong các loại hình doanh nghiệp ở nước ta có khoảng 24,5 triệu người, trong đó công nhân, lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%, chiếm tỷ lệ khoảng 14% số dân và 27% lực lượng lao động xã hội[6]. Giai cấp công nhân nước ta tiếp tục khẳng định vị trí: “Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…”[7].
Nhìn nhận về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong giai đoạn hiện nay, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia”[8]. Có thể nhận diện tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với giai cấp công nhân Việt Nam trên một số khía cạnh cơ bản sau:
Một là, sự thay đổi về số lượng, chất lượng, cơ cấu giai cấp gắn liền với trẻ hóa giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân nước ta ngày càng được nâng lên về trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, chính trị. Trong đó, số công nhân có trình độ cao, nắm vững khoa học - công nghệ hiện đại đã tăng lên, ngày càng được rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại với công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là so với mặt bằng chung, trình độ của công nhân nước ta chưa đáp ứng yêu cầu. Các yếu tố “trẻ” và “rẻ” đã từng là lợi thế, giờ đây có thể lại là thách thức. Xuất hiện nguy cơ “tụt hậu ngày càng xa hơn” đối với nền kinh tế, và vấn đề “chưa giàu đã già” đối với giai cấp công nhân.
Hai là, những thay đổi về các ngành lao động. Với những tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sẽ khiến cơ cấu kinh tế của đất nước được từng bước chuyển đổi theo hướng chuyển từ phát triển dựa trên nguồn lực sẵn có và lao động giá rẻ, sang tăng trưởng dựa trên năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Cơ cấu kinh tế sẽ phát triển theo hướng giảm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ; thúc đẩy chuyển dịch lao động từ các ngành có trình độ, kỹ năng, thu nhập thấp sang các ngành có trình độ, kỹ năng, tay nghề và thu nhập cao hơn. Nhiều ngành nghề lao động trước đây đòi hỏi nhiều công nhân, không cần tay nghề cao như da giày, dệt may, đã được máy móc dần thay thế ở nhiều công đoạn. Nhiều ngành nghề mới đã ra đời đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo và sức sáng tạo trong lao động gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây cũng chính là cơ hội để nước ta thực hiện thắng lợi mục tiêu “tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%”[9]. Thách thức ở đây được thể hiện, một lượng lớn lao động phổ thông chưa kịp “thích ứng”, và bị đào thải khỏi thị trường lao động. Điển hình như có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép ở Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư[10].
Ba là, thay đổi trong góp phần thúc đẩy tăng trưởng quốc gia. Khi tiếp cận, khai thác các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời cơ chính là tạo cơ sở để Việt Nam có thể đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo dự báo, tới năm 2030, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam từ 28,5 tỷ USD - 62,1 tỷ USD, tương đương 7% - 16% GDP[11]. Tuy vậy, thách thức cũng thấy rõ, đó là phần lớn công nghệ lạc hậu (trình độ mới chỉ đang ở ngang tầm cách mạng lần thứ 2), thâm dụng lao động và chủ yếu tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở một số khâu đơn giản, giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp… Dự báo, chúng ta sẽ thiếu hụt lao động thuộc về kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%)[12].
Bốn là, thay đổi trong các doanh nghiêp. Với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dưới sự tác động của cách mạng công nghiệp, nhiều doanh nghiệp tư nhân công nghệ cao đã đầu tư, tạo nên sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế trong nước, và có nhiều “sức hút” đối với người lao động. Thách thức ở đây thể hiện ở sức “ỳ” của doanh nghiệp nhà nước khi chậm đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp nên số lượng công nhân, lao động công nghiệp trong doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục giảm sút.
Để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức đối với giai cấp công nhân Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
Thứ nhất, cần chủ động dự báo tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lộ trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta. Trên cơ sở đó tập trung các nguồn lực đầu tư theo định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh toàn diện.
Thứ hai, chú trọng hướng vào đào tạo, trang bị tri thức đối với các ngành, lĩnh vực đang là xu hướng phát triển hiện nay như công nghệ, thương mại điện tử. Biện pháp hữu hiệu để thực hiện là kết nối giữa nhà nước và doanh nghiệp để người công nhân nhanh chóng tiếp cận kiến thức lý thuyết gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp sản xuất. Bên cạnh đó, bản thân người công nhân cần thường xuyên nỗ lực, tự học tập, rèn luyện để vươn lên, khẳng định trên thị trường lao động.
Thứ ba, tận dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới để nâng cao chất lượng lao động của giai cấp công nhân khi nước ta tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, quy mô lớn và chất lượng cao, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Tất nhiên, nhà nước và doanh nghiệp cũng cần chủ động trong thực hiện chính sách đào tạo cho giai cấp công nhân. Đồng thời cần chú trọng đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn và định hướng, quản lý tốt các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Thứ tư, hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong bối cảnh mới. Chú ý việc tác động của khoa học công nghệ tới sự dịch chuyển lao động từ các ngành nghề truyền thống sang các ngành nghề mang tính tự do với các nền tảng công nghệ số để chủ động dự báo, thực hiện tốt các công tác đào tạo, bồi dưỡng và phân luồng lao động… Nhà nước cần tiếp tục quan tâm vấn đề an sinh xã hội như nhà ở, thiết chế văn hóa, bảo hiểm, an toàn vệ sinh… để chăm lo cho giai cấp công nhân. Hiện nay còn một bộ phận công nhân đang bị “tụt” lại trong cuộc cách mạng công nghiệp. Chính sách an sinh xã hội vừa hướng đến người công nhân đang làm việc, vừa chú trọng hướng đến công nhân “yếu thế”, để họ có thêm động lực, tiếp tục nỗ lực nâng cao trình độ, tay nghề, tham gia hiệu quả vào quá trình sản xuất.
Thứ năm, chú trọng tới các giải pháp mang tính chiến lược bền vững trong xây dựng, phát triển giai cấp công nhân. Đó là xây dựng chiến lược phát triển giai cấp công nhân với các nội dung chủ đạo đã được xác định tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp giai cấp công nhân qua các kênh là các tổ chức chính trị - xã hội, mà nòng cốt là Công đoàn các cấp. Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ cả tổ chức, nội dung lẫn phương thức hoạt động, theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12-6-2021, của Bộ Chính trị, “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, để ngày càng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, định hướng, tập hợp đoàn viên, tăng cường sự giác ngộ giai cấp, đoàn kết thống nhất, phát huy trí tuệ, khát vọng để giai cấp công nhân nước ta cùng chung tay xây dựng đất nước hùng cường trong giai đoạn mới của cuộc cách mạng công nghiệp.
Đinh Công Tuyến