Thông tin, tuyên truyền đối ngoại trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam là một mảng công việc rất quan trọng trong công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trên thực tế, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam luôn gặp phải những khó khăn, thách thức không nhỏ. Đó là việc lợi dụng, tuyên truyền chống phá, chia rẽ trong việc xử lý các vấn đề có liên quan đến Biển Đông, chủ quyền biển, đảo Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước; đó là vấn đề giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa thông tin, tuyên truyền khẳng định chủ quyền, vạch rõ các hành động phi pháp của các thế lực chống phá và thông tin, tuyên truyền góp phầnduy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đồng thời, đó còn là những quan điểm khác nhau về vấn đề Biển Đông của các nước ASEAN, các nước lớn trong khu vực và trên thế giới do sự chi phối của lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong bối cảnh đó, vai trò của thông tin, tuyên truyền đối ngoại trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam là rất quan trọng.
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới năm 2022; triển khai nhiệm vụ năm 2023, ngày 24/12/2022. Ảnh: Internet.
Nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo sâu sát. Theo đó, thông tin, tuyên truyền đối ngoại về chủ quyền biển, đảo Việt Nam cần được thể hiện bằng những nội dung rõ ràng, cụ thể, mang tính chính thống; được đẩy mạnh bằng những hình thức ngày càng phong phú trên cơ sở có sự phân công, phối hợp thống nhất trong phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, định hướng dư luận trong nước và quốc tế.
Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, sâu rộng đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về các vấn đề liên quan đến biển, đảo, các văn bản quy phạm pháp luật, các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến biển, đảo, góp phần tăng cường nhận thức, hiểu biết của các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo sự đoàn kết, nhất trí; đồng thời nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của các tầng lớp nhân dân.
Thứ hai, chủ động đưa vấn đề “Duy trì hòa bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”[1]vào nội dung trao đổi của các văn kiện hợp tác song phương trong các chuyến thăm cấp cao, tiếp xúc song phương giữa Việt Nam và các nước có liên quan. Đấu tranh vận động đưa và duy trì các nội dung liên quan đến Biển Đông, chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong chương trình nghị sự của các diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng (ASEAN, ARF, EAS, ASEM...).
Thứ ba, tổ chức các hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học, diễn đàn khoa học quốc tế ở trong nước và nước ngoài, tập trung vào khía cạnh lịch sử, chính trị, pháp lý, an ninh, an toàn hàng hải, chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình các vấn đề liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông... Việc vận động các học giả, nhà nghiên cứu, luật gia, nhà báo có uy tín trong nước và quốc tế viết bài có nội dung liên quan đến Biển Đông và chủ quyền biển, đảo Việt Nam là một thành công lớn bởi quan điểm, cách tiếp cận của các chuyên gia không chỉ góp phần làm sáng tỏ thêm những minh chứng xác đáng về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, trong đó có chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; mà còn thể hiện được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với lập trường của Việt Nam. Thông tin, tuyên truyền đối ngoại dưới hình thức này đã thật sự phát huy được vai trò cầu nối, truyền tải thông điệp mang tính khoa học, góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của dân tộc.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 “Biển hòa bình - Phục hồi bền vững”, Đà Nẵng, ngày 16-17/11/2022. Ảnh: Internet.
Thứ tư, tổ chức các cuộc triển lãm về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, trong đó có chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các tư liệu, hình ảnh, các tài liệu gốc, bản đồ cổ được sưu tầm, tiếp nhận, bảo quản, bảo vệ và trưng bày có tác động sâu sắc đến nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Việc triển khai triển lãm số và tổ chức các buổi triển lãm tại một số quốc gia trên thế giới cũng tạo được hiệu ứng truyền thông rất mạnh mẽ. Những bằng chứng lịch sử và pháp lý đưa ra là nguồn thông tin chính thống, là những bằng chứng, sự thật lịch sử nói lên tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Thứ năm, theo dõi sát dư luận báo chí trong nước và nước ngoài về các nội dung liên quan đến Biển Đông, chủ quyền biển, đảo Việt Nam; trong đó cần kiên quyết đấu tranh với những tin, bài có nội dung sai trái; đồng thời, kịp thời định hướng cho báo chí trong nước trong việc làm rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi và mời nhiều đoàn phóng viên nước ngoài vào Việt Nam thực hiện các bài phóng sự, bài viết quảng bá, giới thiệu về du lịch biển, đảo Việt Nam.
Thứ sáu, tích cực sưu tầm, xuất bản, giới thiệu nhiều tài liệu thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, như: xây dựng bộ tư liệu và bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tập hợp các văn bản pháp lý, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực về phân định biên giới trên biển; xuất bản các công trình nghiên cứu khoa học có nội dung liên quan đến Biển Đông, chủ quyền biển, đảo Việt Nam; in ấn, phát hành các tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu và phổ biến kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam… Bên cạnh đó, cần chủ động, khéo léo lồng ghép nội dung tuyên truyền biển, đảo vào các sự kiện kinh tế, văn hóa lớn trong nước, ngày văn hóa Việt Nam ở các nước; phục hồi, duy trì các lễ hội phản ánh và tôn vinh những người có công trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Thứ bảy, đẩy mạnh hoạt động của các trang thông tin điện tử đăng tải các nội dung liên quan đến Biển Đông, chủ quyền biển, đảo Việt Nam, như: biengioilanhtho.gov.vn; nghiencuubiendong.vn... Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong thông tin đối ngoại và đấu tranh dư luận”[2]. Do đó, các cổng/trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội của các bộ, ngành, địa phương tích cực đăng tải những nội dung tin, bài, tài liệu nghiên cứu, thông tin cơ bản về Biển Đông, chủ quyền biển, đảo Việt Nam, trong đó tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài nhằm thu hút sự quan tâm truy cập của nhiều độc giả, trong đó có độc giả nước ngoài.
Trên cơ sở sử dụng khôn khéo các kênh ngoại giao thích hợp cùng với những nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền ngày càng phong phú, chặt chẽ, hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại đã góp phần tiếp tục khẳng định vànâng cao nhận thức trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí chiến lược, ý nghĩa và tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; củng cố sự tin tưởng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự lãnh đạo, ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; đồng thời góp phần tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường của Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói chung và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng.
Phạm Ngân