Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) Việt Nam - cộng đồng có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng còn non trẻ, sức chống chịu kém. Một cuộc khảo sát do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (SYS) thực hiện từ 27-4-2020 đến ngày 30-4-2020 đã thu hút 254 startup phản hồi, trong đó có tới 50% startup xác nhận lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phát sinh thu nhập không đáng kể; 23% startup cho rằng đang mất đi cơ hội gọi vốn và mở rộng thị trường, 20% startup chọn đóng băng các hoạt động nghĩa là dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh; 4% startup phải dừng mọi hoạt động quảng cáo trên tất cả các nền tảng gồm cả online và offline nhằm tiết kiệm chi phí và chỉ 3% bị ảnh hưởng một cách hạn chế, không đáng kể.
Mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng rất nhiều startup đã gọi vốn thành công.
Thiệt hại tổng cộng ước tính trong 4 tháng đầu năm 2020 của các startup tham gia khảo sát là 152,6 tỷ đồng, với số tiền thiệt hại phổ biến rơi vào khoảng 200-500 triệu đồng trên một startup. Do vậy, nhu cầu vay vốn để duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của startup hiện đang rất lớn, đáng chú ý là 100% các startup tham gia khảo sát có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn với tổng số tiền 274,8 tỷ đồng. Nhu cầu vay phổ biến của mỗi startup dao động từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng[1].
Dù vậy, trong bối cảnh đại dịch không ít startup vẫn tìm được cách thích ứng và cơ hội phát triển. Trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc. Theo một báo cáo từ Do Ventures, trong số 6 nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, các công ty Việt Nam chiếm 16% trong tổng số tiền nhận cam kết đầu tư thời gian qua, xếp thứ 3 và chỉ đứng sau Singapore (37%) và Indonesia (30%). Thực tế cho thấy các quyết định giãn cách, hạn chế đi lại làm chậm dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, song các nhà đầu tư mạo hiểm lại xem Việt Nam là điểm đến ưu tiên trong khu vực Đông Nam Á[2].
Theo số liệu thống kê từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ và Văn phòng "Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam ghi nhận 88 thương vụ đầu tư với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ USD, trong đó có nhiều lĩnh vực phát triển nóng, thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ như công nghệ tài chính, game, giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử…
Nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo ứng phó với dịch Covid-19, hỗ trợ sáng kiến phòng, chống dịch cho Chính phủ đã cho thấy sự năng động thích ứng của các startup Việt Nam trước dịch bệnh. Điển hình, khi dịch Covid-19 xuất hiện, việc dạy và học online trở nên phổ biến khắp thế giới. Tại Việt Nam, một nhà khởi nghiệp đã nhanh chóng cho ra đời nền tảng Clevai. Đây là nền tảng Việt ứng dụng trên trí tuệ nhân tạo trong việc dạy học chương trình phổ thông online. Tháng 9-2021, startup này nhận 2,1 triệu USD từ quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore. Hoặc FoodHub - một startup công nghệ cung cấp giải pháp thương mại điện tử dành cho thực phẩm sạch cũng ghi dấu ấn ngay trong đại dịch. FoodHub ứng dụng giúp kết nối người tiêu dùng và nhà cung cấp thực phẩm sạch (các cửa hàng, siêu thị, trang trại). Người mua chỉ cần lên ứng dụng, đặt mua sản phẩm mình cần và chỉ sau 2 giờ, sản phẩm sẽ được giao tới tận nhà[3].
Clevai, một nền tảng dạy kèm môn Toán sau giờ học tại Việt Nam dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, đã nhận được 2,1 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-series A từ Altara Ventures có trụ sở tại Singapore.
Theo Báo cáo đánh giá của Startup Blink 2021, Việt Nam vẫn giữ vững vị trí 59/100 Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu so với năm 2020. Tính riêng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hiện đang nằm trong top 20-25 hệ sinh thái năng động hàng đầu. Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures của Singapore nhận định Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của khu vực và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 ở Đông Nam Á vào năm 2022 với việc nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp tại đây.
Những kết quả trên đây cho thấy, các startup Việt Nam đã thích ứng hiệu quả trong bối cảnh khó khăn. Nhưng về lâu dài, hướng đi nào, giải pháp nào để startup Việt để bứt phá và phát triển bền vững sau Đại dịch Covid-19?
Thứ nhất, thúc đẩy sáng tạo và tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng.
Bối cảnh đại dịch Covid-19 đã đặt cả quốc gia, nền kinh tế, và cả hệ sinh thái trước những khó khăn, thách thức chưa từng có, đòi hỏi hơn bao giờ hết sự đổi mới sáng tạo, liên kết hợp tác và ứng dụng khoa học và công nghệ - không chỉ là phương thức, công cụ phát triển mới, mà trên hết, là một tư duy mới, một triết lý mới cho sự phát triển. Covid-19 đã tạo ra những thay đổi liên tục trong xã hội từ thói quen đến nhu cầu tiêu dùng, từ đó có thể mở ra cơ hội kinh doanh có giá trị cho các công ty khởi nghiệp như nhu cầu về dịch vụ làm việc từ xa, thương mại điện tử, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe...
Đối với các startup Việt Nam, đây là thời điểm tìm kiếm ý tưởng mới, nguồn lực thay thế, các cơ hội hợp tác mới, dám thay đổi, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ mới. Theo Văn phòng Đề án 844, năm 2020, có hàng trăm dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ chống Covid-19[4], trong đó, nhiều dự án trực tiếp giải quyết những nhu cầu bức thiết trong tình hình mới như: ứng dụng dạy học/phòng học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến, thương mại điện tử, hỗ trợ người bị cách ly… Như vậy, đổi mới và tìm ra hướng đi mới trong bối cảnh đại dịch chính là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Đặc biệt, từ những nhu cầu trong nước sẽ giúp cho các startup Việt thử nghiệm những sản phẩm giúp chuyển đổi số và từ đó hướng tới giải pháp toàn cầu để đi ra toàn thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020. Ảnh: Internet.
Thứ hai, nâng cao cao kiến thức và kỹ năng quản lý, tinh chỉnh lại chiến lược kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của startups, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Bối cảnh đại dịch cũng đã bộc lộ rõ hơn những yếu kém hạn chế của các doanh nghiệp startup Việt Nam về quản trị doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh, vốn xã hội. Vì vậy, đây là giai đoạn quan trọng giúp startup Việt Nam tái cấu trúc, rà soát, đánh giá lại nhu cầu thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Để trụ vững và thành công, các startup nên xác định thế mạnh cốt lõi là gì và tập trung làm thật tốt giá trị cốt lõi đó. Đó chính là thế mạnh tạo ra sự khác biệt. Bên cạnh đó, các startup cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và nguồn nhân lực, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp giúp tạo ra sự đột phá về giá trị, cho phép gia tăng giá trị lao động một cách đột phá.
Thứ ba, Chính phủ cần tiếp tục bảo đảm nguồn vốn, khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp startup. Đặc điểm chung của các startup là sản phẩm trí tuệ, không có tài sản thế chấp, độ rủi ro rất cao nên dù thời điểm nào đi nữa cũng khó vay được vốn từ ngân hàng. Vì vậy, cùng với tác động của Covid-19, rào cản đó trở thành nguyên nhân “khai tử” nhiều startup trong thời gian qua. Tiếp tục hỗ trợ, đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sản phẩm, mô hình hiệu quả trong ứng phó với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, thúc đẩy hoạt động của mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ giữa các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp, phát huy vai trò các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các viện nghiên cứu, trường đại học trong hỗ trợ doanh nghiệp startup vượt qua tác động của Đại dịch.
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách về khởi nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư, hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ startup phát triển hướng tới giải pháp toàn cầu.
Bùi Thị Hồng Hà