Trong xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn chịu những ảnh hưởng không nhỏ của tư tưởng phong kiến, “trọng nam, khinh nữ”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “quan niệm về “tam tòng”, phu xướng, phụ tùy… Những quy định hà khắc của xã hội phong kiến đối với phụ nữ đã trói buộc họ với bổn phận cam chịu; không cho họ có cơ hội và điều kiện được học hành, tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội; làm cho họ tự tha hóa, trói mình trong tâm lý tự ty, an phận. Để người phụ nữ được bình đẳng như nam giới, chúng ta phải tiến hành giải phóng triệt để phụ nữ; thực hiện nam nữ bình quyền, tạo điều kiện tối đa cho phụ nữ được học hành, tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội.
Muốn vậy, trước hết, phụ nữ phải tự cố gắng vươn lên, thoát khỏi tâm lý tự ty, an phận, phụ thuộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”[1]. Hơn ai hết, phụ nữ phải nhận thức rõ được địa vị và nhiệm vụ của người làm chủ nước nhà. Trên cơ sở đó, phụ nữ phải có quyết tâm cao, đạo đức, tác phong mới để góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiến thiết nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu nữ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9-1960
Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, phụ nữ Việt Nam là lực lượng rất quan trọng và không ngừng khẳng định vai trò người làm chủ xã hội. Vị thế xã hội của người phụ nữ Việt Nam được nâng cao. Trong mấy thập kỷ qua, giữ trọng trách Phó Chủ tịch nước liên tục là nữ; các nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng, tỷ lệ cán bộ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng và Ủy viên Trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội các khoá không ngừng tăng lên; đặc biệt, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm Quốc hội Việt Nam có Chủ tịch là nữ.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”[2]. Điều đó càng khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phụ nữ học tập, cống hiến và trưởng thành. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch đặc thù riêng cho phụ nữ, như Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới với mục tiêu tổng quát là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào chiến lược, kế hoạch, các chương trình chung của quốc gia trong mọi lĩnh vực.
Đảng cũng đã nêu ra yêu cầu: Phải không ngừng “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”[3]. Trên cơ sở đó, tạo môi trường để phụ nữ được bình đẳng, có chính sách động viên, khích lệ kịp thời phụ nữ phát triển toàn diện.
Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới,bộ máy tổ chức thực thi bình đẳng giới đã ngày càng được hoàn thiện, phát triển từ Trung ương tới địa phương. Hiện nay, bộ máy quốc gia về bình đẳng giới ở Việt Nam gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và nhóm Nữ đại biểu Quốc hội cũng tích cực tham gia thực hiện công tác này.
Phụ nữ Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chính trị - xã hội. Ảnh: Internet.
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, Đảng,Nhà nước và cả hệ thống chính trị tiếp tục phải tạo điều kiện, cơ hội để người phụ nữ phát huy vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội; mặt khác, đến lượt mình, phụ nữ Việt Nam ngày càng phải phấn đấu hơn nữa để vượt qua mọi khó khăn, thách thức đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp. Bên cạnh đó, cũng cần kịch liệt lên án mọi biểu hiện, hành vi xâm phạm, ngược đãi phụ nữ dưới bất kỳ hình thức nào. Điều này xuất phát từ thực tế, trong thời gian vừa qua, tình trạng phụ nữ bị xâm hại, bị bạo hành, ngược đãi có xu hướng gia tăng; nhiều vụ án thương tâm mà nạn nhân là phụ nữ đã xảy ra (như vụ án ở Vĩnh Phúc, khi người chồng nhẫn tâm ra tay sát hại vợ đúng ngày phụ nữ Việt Nam 20-10; vụ án tại Bắc Giang ngày 22-10, người con dã tâm sát hại mẹ đẻ và em gái ruột...) là hồi chuông báo động đối với vấn đề bảo vệ phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: phải “Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”[4].
Vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao sẽ góp phần “lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”[5]. Trong đại dịch Covid-19 hiện nay, đã có biết bao người phụ nữ ở các lứa tuổi, ngành nghề, lĩnh vực ngày đêm thầm lặng đóng góp sức lực, trí tuệ, của cải, vật chất góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta chiến thắng dịch bệnh, từng bước đưa đất nước phát triển trong trạng thái bình thường mới. Vì vậy, thực hiện tốt bình đẳng giới sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ Việt Nam thời đại mới, góp phần xứng đáng vào thực hiện thắng lợi “mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”[6].
------------------------
TS. Vũ Thị Duyên