Nội dung cơ bản của “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về bảo vệ Tổ quốc trong đó có Nghị quyết số 28-NQ/TW “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” (ngày 25-10-2013). Nghị quyết nêu rõ quan điểm: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trạt tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW “về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, trước những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước cũng như trước những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, ngày 24/11/2023, Đảng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết số 44-NQ/TW “về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Nghị quyết nêu rõ: sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW, về cơ bản, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nhận thức rõ hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, chủ động nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả, thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện. Tư duy về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, đối tác, đối tượng có bước phát triển mới, ngày càng hoàn thiện; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố và tăng cường; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc; Quân đội ta được xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong thực hiện “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Bên cạnh đó, còn có một số hạn chế như việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng còn bất cập, chưa hoàn thiện, có nội dung còn chậm; thiếu cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và còn nhiều khó khăn, thách thức; phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn chưa được chú trọng. Việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị còn một số hạn chế. Do đó, cần có những định hướng, giải pháp để thực hiện tốt “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Giải pháp thực hiện “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”
Nghị quyết số 44-NQ/TW chỉ rõ bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước với nhiều khó khăn, thách thức sẽ tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Về bối cảnh quốc tế, khu vực, thế giới sẽ tiếp tục trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn. Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm hình thành ngày càng rõ nét hơn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện, thậm chí đối đầu. Các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác, thoả hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau và can dự, chi phối nội bộ nước khác. Tập hợp lực lượng, liên kết, cạnh tranh lợi ích giữa các nước diễn ra phức tạp, vừa mang lại cơ hội, vừa đặt các nước khác, nhất là các nước vừa và nhỏ trước nhiều khó khăn, thách thức. Các điểm nóng về an ninh có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lan rộng, tác động đến hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới, xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược, phương thức tiến hành chiến tranh mới.
Về bối cảnh trong nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức đặt ra đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã từng cảnh báo vẫn còn hiện hữu, có mặt sẽ còn diễn biến phức tạp và gay gắt hơn. Biển Đông, vùng biển Tây Nam và một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định. Nguy cơ tranh chấp biển, đảo, đe dọa chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng gia tăng. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước cấu kết, tăng cường chống phá công khai và trực diện, với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần chú trọng đến một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục, nâng cao nhận thức về đối tác và đối tượng; đường lối, quan điểm, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm và tinh thần cảnh giác cách mạng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp về quốc phòng, an ninh; cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện tốt chính sách đối với lực lượng vũ trang và chính sách hậu phương quân đội, công an.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng, chuẩn bị nguồn lực quốc gia; thực hiện tốt phương châm: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Đầu tư xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực phòng thủ quân khu thành khu vực phòng thủ vững chắc. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị quốc phòng, an ninh; công trình phòng thủ, hệ thống phòng thủ dân sự đồng bộ, thống nhất.
Sáu là, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Có thể thấy rõ, “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” ra đời một mặt đã đáp ứng yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, mặt khác cũng cho thấy bước phát triển mới trong tư duy của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
TS Quách Thị Huệ