Thực tiễn thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam
Thực tiễn thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam thời gian qua đã cho thấy những kết quả tích cực như sau:
Một là, việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền bảo đảm ổn định về thể chế chính trị và vị thế của bộ máy chính quyền ở địa phương.
Nhận thức về thể chế chính trị, cấu trúc bộ máy nhà nước ở nước ta hiện nay không tránh khỏi có nhiều quan điểm khác nhau. Nguyên nhân của nó một mặt xuất phát từ thực tiễn đời sống đang vận động, thay đổi rất nhanh, tồn tại xã hội đang là tất yếu. Mặt khác những tác động đa chiều, nhiều góc cạnh, phức tạp của toàn cảnh thế giới, của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và nền kinh tế thị trường tự do… Tuy vậy, cần phải nhận thức đầy đủ rằng: Ổn định thể chế chính trị là một đích đến cuối cùng của mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, sự biến đổi của chính trị hay mọi quá trình xã hội khác hoàn toàn không đồng nhất với sự thay thế, đổi mới mà sự biến đổi đó phải là kết quả tự thân vận động, chuyển dịch bên trong, sự tự thích ứng trong chính sự tồn tại của nó. Thực tiễn đã chứng minh, trong những năm qua, thể chế chính trị ở nước ta được bảo đảm ổn định ngay trong một xã hội mà thể chế kinh tế, đời sống vật chất xã hội đang vận động, phát triển không ngừng.
Hai là, thực hiện nguyên tắc pháp quyền đã xác định đầy đủ hơn thẩm quyền cho chính quyền địa phương, tạo môi trường, cơ hội tốt hơn cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả đạt được trong việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền tại chính quyền địa phương gắn liền với sự nghiệp đổi mới kinh tế, xã hội và công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước. Theo cách tiếp cận này, có thể thấy rõ những kết quả của việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền đã tác động thúc đẩy cải cách kinh tế và hành chính trong những năm vừa qua. Việc thực hiện nguyên tắc này đã nâng cao tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền ở địa phương. Tuy nhiên mức độ chủ động của mỗi cấp cũng như mỗi đơn vị trong cùng một cấp có khác nhau, nhưng qua những việc được phân cấp rõ ràng về trách nhiệm và thẩm quyền, cấp nào, đơn vị nào cũng đều thể hiện rõ hơn trách nhiệm của mình trước Nhân dân, dưới sự điều chỉnh thông nhất của hệ thống pháp luật. Chính quyền chủ động hơn trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của địa phương về phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng; ổn định trật tự an toàn xã hội. Có thể nói, pháp quyền đã thực sự góp phần khắc phục được sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Ba là, thực hiện nguyên tắc pháp quyền đã bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương.
Trong những điều kiện thích hợp, việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền có tác dụng quan trọng mở rộng sự tham gia của người dân vào các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước. Nguyên tắc pháp quyền tạo cơ sở để có một chính quyền trách nhiệm, công khai minh bạch hơn khi người dân tham gia vào quá trình ra quyết định có thể dễ dàng giám sát và đánh giá việc chính quyền thực thi các quyết định của mình. Đồng thời thực hiện nguyên tắc pháp quyền giúp loại bỏ những trở ngại trong quá trình ra quyết định thường do cách lập kế hoạch của chính quyền địa phương và do cách kiểm soát những hoạt động kinh tế xã hội quan trọng. Pháp quyền được thực hiện đúng yêu cầu làm giảm bớt các thủ tục hành chính quan liêu, phức tạp và có thể tăng thêm tính linh hoạt, chủ động, sáng tạo của cơ quan hành chính trước những điều kiện và nhu cầu của địa phương.
Thực hiện tốt nguyên tắc pháp quyền của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay
Để thực hiện tốt nguyên tắc pháp quyền của chính quyền địa phương ở Việt Nam góp phần khẳng định tính ưu việt của pháp quyền XHCN, cần chú trọng đến những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền của chính quyền địa phương. Phát huy vai trò lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng để đảm bảo quyền lực nhà nước luôn có sự thống nhất, tập trung cao. Đó là cơ sở để chính quyền trung ương luôn có khả năng kết nối mạnh mẽ quyền lực với chính quyền địa phương; chính quyền địa phương với thẩm quyền được phân cấp sẽ luôn tự đặt mình trong một thể chế chính trị thống nhất, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Lúc này, các chủ trương, chính sách, đường lối lãnh đạo của Đảng, pháp luật của nhà nước sẽ trở thành sợi chỉ đỏ tạo dựng một cấu trúc chính quyền thống nhất.
Hai là, nâng cao năng lực của nền hành chính và bảo đảm gắn kết trách nhiệm của chính quyền để thực thi hiệu quả của nguyên tắc pháp quyền. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính là việc làm cấp bách, phải được thực hiện một cách đồng bộ, có quyết tâm cao và được làm thường xuyên. Gắn kết giữa đào tạo với vị trí, yêu cầu việc làm trong cơ quan Nhà nước, chính quyền phải có chính sách thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao, được đào tạo đầy đủ. Đảm bảo tính khách quan, trung thực trong quá trình xét tuyển, thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức trong nền hành chính. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác. Có chế độ đãi ngộ, lương, thưởng phù hợp để khuyến khích, tạo động lực, gắn trách nhiệm với nhiệm vụ công tác của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước… Đảm bảo về mặt tài chính và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho tổ chức, hoạt động của nền hành chính.
Ba là, tăng cường kiểm soát của chính quyền trung ương đối với địa phương trong việc thực thi quyền hành được giao trên cơ sở pháp luật. Cần bảo đảm quản lý thống nhất của các cơ quan nhà nước Trung ương về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kiểm tra trong việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền. Các quy định pháp luật cần xác lập đầy đủ các biện pháp chế tài cụ thể đối với các cấp chính quyền địa phương thực hiện không đúng, không đủ thẩm quyền, nhiệm vụ mà pháp luật đã quy định. Đặc biệt cần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan hành chính; tăng cường hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, cũng như các tổ chức giám sát và kiểm toán độc lập. Cần có cơ chế để khuyến khích người dân tham gia vào quản lý, sử dụng công nghệ mới để xác lập một hệ thống giám sát - đánh giá, độc lập của cơ quan hành chính cấp trên đối với việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan trực thuộc, chính quyền cơ sở.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là chủ trương, đường lối có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, xuất phát từ đòi hỏi tất yếu, khách quan của thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở chính quyền địa phương góp phần khẳng định một cách rõ nét bản chất của nền dân chủ XHCN mà chúng ta đang xây dựng.
TS.Nguyễn Văn Đại