Tự phê bình và phê bình là thuộc tính vốn có của một chính đảng cách mạng chân chính. Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động và phát triển trong điều kiện xã hội còn có giai cấp và đấu tranh giai cấp thì những mâu thuẫn nảy sinh trong Đảng là khó tránh khỏi. Việc đấu tranh để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong Đảng làm cho Đảng không ngừng lớn mạnh là cần thiết và tất yếu. Nhưng đấu tranh giải quyết những vấn đề nảy sinh đó tuyệt đối không được dùng biện pháp bạo lực để thanh trừng, đấu đá, loại bỏ lẫn nhau, mà phải đấu tranh bằng tự phê bình và phê bình để giúp nhau cùng tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm nhất định:
Thứ nhất, nhận thức về mục đích, tính chất, nội dung, phương pháp, quy trình tự phê bình và phê bình của một số tổ chức đảng và đảng viên chưa đầy đủ, đúng đắn nên khi tiến hành còn có những sai sót về nội dung, phương pháp và gây ra những cách hiểu,cách làm chưa thống nhất.
Thứ hai, ý thức, thái độ và tính chiến đấu của một số đảng viên chưa cao, chưa phát huy được tinh thần đấu tranh cách mạng của người đảng viên nên khi thực hiện tự phê bình và phê bình còn có biểu hiện nể nang, né tránh,“dĩ hòa vi quý”.
Ba là, quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình chưa bảo đảm tính đảng; tính giáo dục, tính khách quan, trung thực, chân thành và công khai; thiếu cụ thể, thiết thực và kịp thời. Còn có tình trạng áp đặt, chưa thực sự mở rộng dân chủ và chưa xuất phát từ tình đồng chí, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
Bốn là, nhiều đảng viên vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhưng trong sinh hoạt Đảng nói chung, trong tự phê bình và phê bình nói riêng không làm rõ được dẫn đến phát hiện và xử lý chậm, gây ra những tác hại lớn.
Năm là, mức độ khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của đảng viên sau tự phê bình và phê bình còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa kịp thời, chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Từ thực tế đó, để tự phê bình và phê bình có hiệu quả, trở thành nền nếp thường xuyên trong sinh hoạt Đảng thì các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên cần làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về tự phê bình và phê bình, đó là nhằm phát hiện những ưu điểm; chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm; tìm ra nguyên nhân của ưu, khuyết điểm để có cơ sở đề ra những chủ trương, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên; để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh...; đồng thời, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân chứ không phải là để “bới lông tìm vết”, trù dập, trả thù lẫn nhau.
Thứ hai, thực hiện đúng, đầy đủ bốn tính chất cơ bản của tự phê bình và phê bình, đó là: tính đảng, tính giáo dục, tính chân thành công khai, tính thiết thực hiệu quả. Tính đảng yêu cầu khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải đứng trên lập trường của Đảng, phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của Đảng và tổ chức đảng, phải căn cứ vào các quy định của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước để xem xét, đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm của đồng chí mình. Tuyệt đối không được xuất phát từ những động cơ và lợi ích của cá nhân mình mà đánh giá một cách phiến diện, một chiều thậm chí là áp đặt.
Tính giáo dục đòi hỏi, trong quá trình tự phê bình và phê bình, những người cán bộ lãnh đạo phải xuất phát từ động cơ mong muốn đồng chí mình không ngừng tiến bộ trưởng thành để phê bình, góp ý, chỉ rõ những ưu điểm để phát huy, vạch rõ khuyết điểm để khắc phục, chỉ ra nguyên nhân để ngăn chặn. Phê bình không phải để đả kích, hạ thấp uy tín của đồng chí mình. Phê bình việc chứ không phê bình người.
Tính chân thành công khai trong tự phê bình và phê bình của đội ngũ cán bộ chỉ ra rằng: trên tình thương yêu đồng chí, thẳng thắn chân tình xem xét đánh giá những ưu điểm và khuyết điểm của đồng chí mình một cách dân chủ, trong tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên. Không né tránh, không “dĩ hoà vi quý”, không phân biệt chức vụ, cấp bậc trong ban lãnh đạo.
Tính thiết thực hiệu quả chỉ rõ rằng, tự phê bình và phê bình phải chỉ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ biện pháp khắc phục. Tránh tình trạng tự phê bình và phê bình nhiều lần, cùng một khuyết điểm, nhưng không được sửa chữa nghiêm túc; hoặc, thậm chí, rõ người, rõ việc nhưng sau tự phê bình và phê bình tình hình của tổ chức, cá nhân vẫn không có chuyển biến tiến bộ.
Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2020. Ảnh: Internet.
Thứ ba, hiểu rõ về bản chất của tự phê bình và phê bình.
Tự phê bình và phê bình là hoạt động phân tích, xem xét, đánh giá những ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm của cá nhân hay tổ chức. Tự phê bình và phê bình phải tuân thủ đúng mục đích, tính chất, nội dung, phương pháp tự phê bình và phê bình theo các quy định của Đảng. Bản chất của tự phê bình và phê bình là cốt giúp nhau phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Như vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được giáo dục, rèn luyện, học hỏi lẫn nhau về phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, qua đó củng cố khối đoàn kết thống nhất trong cơ quan, đơn vị và cùng nhau tiến bộ.
Thứ tư, hiểu và thực hiện đúng nội dung, phương pháp của tự phê bình và phê bình.
Nội dung tiến hành tự phê bình và phê bình rất toàn diện, đó là tất cả các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực tiễn, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống, vận động quần chúng và người thân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... của đội ngũ cán bộđảng viên đều cần được phân tích xem xét đánh giá để chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Trong điều kiện hiện nay, cần tập trung tự phê bình và phê bình về nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị; chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; chấp hành nguyên tắc đảng; mức độ hoàn thành nhiệm vụ chức trách được giao; rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống, chống quan liêu tham nhũng; giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng và tinh thần thái độ phục vụ nhân dân.
Về phương pháp tự phê bình và phê bình, cần phải đúng quy trình tự phê bình và phê bình theo quy định chung; phải có phương pháp phù hợp; phải bảo đảm khách quan, công tâm, chỉ rõ đúng sai, không thiên vị, mỉa mai hay thêm, bớt. Tiến hành tự phê bình và phê bình theo cả hai chiều, từ trên xuống và từ dưới lên.
Thứ năm, tự phê bình và phê bình là để góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Tự phê bình và phê bình là để cán bộ, đảng viên giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ chứ tuyệt đối không phải là công cụ để đấu đá, chia rẽ bè cánh, bới móc, nói xấu lẫn nhau. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình còn góp phần vào công tác cán bộ, là vấn đề “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng. Người cán bộ (nhất là cán bộ lãnh đạo), nếu thoái hóa, biến chất, buông lỏng tự rèn luyện, xem nhẹ kỷ luật của Đảng, thì rất dễ tha hoá, rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân.
Bởi vậy, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình là biện pháp hết sức tích cực giúp cán bộ, đảng viên đứng vững trước những cám dỗ của hoàn cảnh khách quan, chống tha hoá, biến chất dẫn đến “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”.
Hồng Kỳ