Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, khi tiếp cận CNXH với tư cách là “Chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác-Lênin trong thời đại ngày nay”[1], Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến những vấn đề rất rộng lớn, rất cơ bản và sâu sắc ở tầm tư tưởng - lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Thông qua việc đặt ra và “tập trung vào trả lời mấy câu hỏi”, nhất là “Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?”[2], Tổng Bí thư đã chứng minh về tính tất yếu khách quan của ĐLDT gắn liền với CNXH ở Việt Nam.
Từ khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị đã thừa cơ xuyên tạc, chống phá, quy kết nguyên nhân là do sai lầm của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH... Từ đó họ cho rằng Việt Nam đã lựa chọn sai con đường, do đó cần phải đi con đường khác, “Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa!”[3].
Vậy, có phải Việt Nam đã chọn con đường đi sai? Câu trả lời dứt khoát là: Không! Với Việt Nam, ĐLDT gắn liền với CNXH là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn. Đó vừa là sự lựa chọn có căn cứ khoa học, do lịch sử quy định và được kiểm nghiệm bằng thực tiễn.
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ĐLDT là cái đích trực tiếp của công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam. Nhưng, thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng giải quyết vấn đề ĐLDT theo ý thức hệ phong kiến hay tư sản, phong trào yêu nước Việt Nam đều rơi vào bế tắc, thất bại.
Ra đi tìm đường cứu nước, từ một người có tinh thần yêu nước nồng nàn, Nguyễn Tất Thành đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy ở đó con đường cứu nước - con đường cách mạng vô sản. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ ĐLDT và CNXH, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm đi tới mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.
Khẳng định tính đúng đắn của sự lựa chọn này, trong bài viết, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”[4]. ĐLDT gắn liền với CNXH “là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh”; trở thành đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam; là tiền đồ, tương lai của dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng đã luôn khẳng định: CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.
Kiên định mục tiêu, con đường đã chọn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX đã viết nên những trang sử vàng chói lọi với những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà; thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cả nước đi lên xây dựng CNXH; thắng lợi to lớn và toàn diện của công cuộc Đổi mới.
Sự kiện Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ đã đặt ra thách thức lớn đối với CNXH nói chung và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam nói riêng. Trong hoàn cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: "Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh"[5]. Quyết tâm đó được hiện thực hóa bằng “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[6].
Rõ ràng, lịch sử cách mạng Việt Nam đã minh chứng rõ quy luật cách mạng nước ta là ĐLDT gắn liền với CNXH, chỉ có đi lên CNXH mới giành và giữ được ĐLDT. Không gắn giải phóng dân tộc với mục tiêu CNXH thì không thể huy động được sức mạnh của các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong quá trình đấu tranh vì độc lập; không tiến lên CNXH mà đi theo con đường tư bản chủ nghĩa là chuyển thành quả cách mạng vào tay lực lượng có lợi ích đối lập với lợi ích của Nhân dân. Không phải ai khác mà chính Nhân dân lao động sẽ một lần nữa rơi vào vòng nghèo đói, chiến tranh, bị áp bức, bóc lột. Chắc chắn Nhân dân không chấp nhận điều đó.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Internet.
Chúng ta không phủ nhận CNTB có vai trò lớn đối với lịch sử phát triển của nhân loại. Nhưng, CNTB không phải là tương lai của nhân loại. Bởi những “ung nhọt” không thể chữa khỏi của xã hội TBCN làm cho CNTB không phải là tấm gương phổ biến cho cả hành tinh, cũng không thể là hình thức quản lý vĩnh hằng của nhân loại. CNTB tất yếu sẽ được thay thế bởi CNXH.
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chúng ta luôn hướng tới một xã hội tốt đẹp mà trong đó cần: “sự phát triển là thực sự vì con người”, “phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội”, “một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”, “sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”; “Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”[7]. Những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[8]. Do vậy, chúng ta không thể có sự lựa chọn nào khác, “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn”.
Tuy nhiên, cả lý luận và thực tiễn cho đến nay đều cho thấy, xây dựng CNXH là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Nhất là hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục trong thời kỳ quá độ lên CNXH.
Do vậy, xây dựng CNXH trở thành “một một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”[9]. Để hoàn thành sự nghiệp đó, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “phải xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng”, đồng thời “phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân… Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”; “phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”. Và đặc biệt quan trọng là phải “luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động”; “Kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”[10].
Xây dựng CNXH trong thời kỳ đổi mới càng đòi hỏi tính sáng tạo. Nhưng kiên định mục tiêu ĐLDT gắn liền với CNXH là bất biến. Bởi CNXH không chỉ mang lại độc lập cho dân tộc, mà còn là con đường duy nhất đúng đắn để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Phan Bá Linh