Tiêu đề bài viết được dựa theo nguyên văn trong lời phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức (19/5/2023): “Hơn lúc nào hết, Tổ quốc và Nhân dân đang rất cần sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ. Đảng, Nhà nước và Nhân dân tiếp tục tin tưởng, chờ đợi những tác phẩm văn học, nghệ thuật mới, ngang tầm với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta”[1].
Thiên chức cao quý của văn nghệ sĩ là sáng tạo và cho ra những sản phẩm có giá trị để đáp ứng sự mong đợi của công chúng tiêu dùng nghệ thuật. Thái độ cảm nhận và cảm xúc chân thành của công chúng khi đón nhận một hình tượng nghệ thuật cũng chính là lời giải cho mức độ thành công của một tác phẩm. Công chúng tiêu dùng nghệ thuật luôn phát triển, vì thể sản phẩm văn hóa nghệ thuật cũng phải tự làm mới mình để đáp ứng được sự kỳ vọng đó. Trong bất cứ bối cảnh lịch sử nào, văn nghệ sĩ cũng cần thiết phải “dấn thân” và “dũng cảm”, song trong bối cảnh hiện nay những trọng trách vẻ vang đó lại bao hàm tính cấp thiết hơn.
“Dấn thân” để sự trải nghiệm của mỗi văn nghệ sĩ sâu sắc hơn. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã cảm nhận điều đó với tư cách người trong cuộc, rằng “người nghệ sĩ phải nhìn cuộc đời bằng đôi mắt toàn diện, phải thấy được những phức tạp của cuộc sống chứ không thể nhìn cuộc sống một cách dễ dãi, xuôi chiều”. Chính vì lẽ đó mọi sản phẩm mà văn nghệ sĩ sáng tạo nên đều phát sinh và phát triển trên nền tảng cuộc sống xã hội. Nghĩa là, “cuộc đời chính là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của các loại hình nghệ thuật”. Và vì thế, sản phẩm nghệ thuật vừa phi thường vừa bình thường, vừa thật vừa hư, vừa lãng mạn vừa hiện thực. Hiện thực được đề cập ở đây không phải là những hình mẫu, những sự kiện được cắt dán, tô hồng mà chúng phải hòa tan vào trong mỗi hình tượng tiêu biểu để trở thành “báu vật” trong mỗi tác phẩm. Quá trình sáng tạo của văn nghệ sĩ chân chính là hành trình kép: vừa sáng tạo ra thế giới, đồng thời vừa kiến tạo nên bản thân mình. Dấn thân và trải nghiệm để đi tìm khởi nguồn cho tác phẩm là một hành trình dài, gian khổ và trong nhiều trường hợp là hiểm nguy.
“Dũng cảm” là khả năng dám đương đầu, vượt qua những thử thách để có những sản phẩm nghệ thuật trong sáng, in đậm dấu ấn nhân văn với mục tiêu cao cả là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về vấn đề này, nhà văn Mikhail Sholokhov, tác giả của bộ tiểu thuyết sử thi nổi tiếng Sông Đông êm đềm cho rằng: “Chúng ta chỉ viết theo chỉ thị của trái tim chúng ta; nhưng trái tim của chúng ta thuộc về Tổ quốc, về Nhân dân, về Đảng của chúng ta mà chúng ta đem hết sức lực ra phục vụ”[2].
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho các văn nghệ sỹ. Ảnh: Internet.
Ý nghĩa của quan điểm văn nghệ sĩ- chiến sĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến hiện nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Trong bối cảnh mới, lực lượng văn nghệ sĩ cũng chính là lực lượng nòng cốt xung kích trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đấu tranh trên hai mặt trận: một mặt, chống những quan điểm, trường phái nghệ thuật tầm thường; mặt khác, chống những luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch để phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có khả năng “Cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán những thói hư tật xấu, lên ái cái ác, cái thấp hèn…”[3].
Tuy nhiên, để đạt được điều đó, mỗi văn nghệ sĩ cần phải tự mình đấu tranh để vượt qua những cám dỗ, dụ dỗ, mua chuộc, đe dọa,… của các thế lực thù địch. Nghĩa là, trong bối cảnh các thế lực thù địch luôn rình rập, tìm mọi thủ đoạn để phá hoại ta thì văn nghệ sĩ không thể nào không tỏ rõ thái độ của mình đối với kẻ địch; thái độ đó không chỉ biểu hiện ở những lời tuyên bố, mà phải thấm vào nội dung của từng tác phẩm và rõ ràng là: “Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, trong thương trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo"[4].
Thật vậy, hơn lúc nào hết, Tổ quốc và Nhân dân luôn mong đợi sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ được huy động và phát huy ở mức cao nhất có thể trong bối cảnh hiện nay. Tâm thế sáng tạo mới góp phần giải mã các tầng nấc phong phú nhưng cũng rất phức tạp cảm xúc của con người, tham gia giải quyết những xung đột về nhận thức trong cuộc đấu tranh đầy cam go giữa cái xấu với cái đẹp, cái thấp hèn với cái cao thượng, giữa trách nhiệm phục vụ nhân dân với những toan tính đầy vụ lợi.
Phương Nam