Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tinh thần trách nhiệm của người cán bộ. Người giải thích: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v. là không có tinh thần trách nhiệm”[1].
Trong Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 về việc ban hành quy chế công chức cũng thể hiện rõ yêu cầu của Người về trách nhiệm của công chức: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy Nhà nước”.
Hiện nay, Nhà nước ta đã ban hành các quy định của pháp luật về trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức qua đó xác định rõ trách nhiệm, bổn phận của công chức trước Nhân dân, trước Nhà nước; trong đó, điển hình là Luật cán bộ, công chức đã thông qua các quy định về nghĩa vụ công chức, về những việc công chức không được làm, cụ thể là: Cán bộ, công chức phải thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao; chấp hành quyết định của cấp trên. Đồng thời, công chức không được: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công; sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật; lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi; phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
Nếu cán bộ, công chức có hành vi thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ sẽ phải chịu trách nhiệm kỷ luật (theo quy định của Luật Cán bộ, công chức), hoặc phải bồi thường (theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước), thậm chí chịu trách nhiệm hình sự (theo quy định của Bộ luật hình sự).
Như vậy, có thể thấy, các quy định của pháp luật về trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức khá đầy đủ, rõ ràng. Đó là hành lang pháp lý quan trọng để cán bộ, công chức thực hiện nghiêm trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong thi hành công vụ, hoàn thành bổn phận của mình trước Nhân dân.
Trung tâm hành chính công TP Hạ Long - Quảng Ninh. Ảnh: Internet.
Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận cán bộ, công chức còn tình trạng làm việc một cách cầm chừng, làm cho xong, cho hoàn thành công việc để cốt sao không phạm phải khuyết điểm, hay còn tình trạng “vô cảm”, “thờ ơ” của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.
Trước thực trạng đó, nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, công vụ là yêu cầu cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Đó cũng là “liều thuốc” để tăng sức đề kháng của cán bộ, công chức trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bởi: Trách nhiệm trong thực thi công vụ giúp củng cố niềm tin của cán bộ, công chức vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của Nhà nước, tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Niềm tin đó giúp cán bộ, công chức khắc phục tình trạng “vô cảm”, “thờ ơ”, “nhũng nhiễu” trong giải quyết công việc; là nền tảng để mỗi cán bộ, công chức tận tâm, tận lực với công việc.
Hơn thế nữa, nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ là nâng cao khả năng nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch, tạo cho mỗi cán bộ, công chức có khả năng “miễn dịch” để có thái độ đúng đắn trong phản bác các quan điểm sai trái, các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động.Cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công vụ cho thấy sự vững bền của chiếc cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Thông qua công việc đảm nhiệm, mỗi cán bộ, công chức “hiện thực hóa” chủ trương, chính sách, pháp luật đến Nhân dân và qua đó tạo niềm tin, “tiếp sức” cho nhân dân cùng chung tay bảo vệ Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Để nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ phải thực hiện tổng thể nhiều giải pháp, trước hết cần thực hiện tốt một số giải pháp sâu đây:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ trong thi hành công vụ, về trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII, ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tu tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”.
Hai là, chú trọng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhằm bảo đảm sự liêm chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. Trước hết là sự tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để xây dựng uy tín của người cán bộ, công chức cũng như năng lực thực thi công vụ. Đây là yêu cầu đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức thường xuyên, tự giác thực hiện, phải coi tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là nhu cầu “tự thân” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, ra sức tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, trở thành những con người có văn hóa, có liêm sỉ”[2].
Ba là, nâng cao trình độ, năng lực thực thi công vụ. Năng lực thực thi công vụ được cấu thành bởi ba yếu tố: kiến thức (những tri thức có được qua đào tạo), kỹ năng (phương pháp, cách thức thực hiện công việc) và thái độ (tinh thần, ý thức trách nhiệm).
Nâng cao năng lực thực thi công vụ trước hết là nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức để bảo đảm tính chuyên nghiệp, khả năng làm việc trong môi trường hội nhập. Cùng với đó là bồi dưỡng các kỹ năng cần có trong thi hành công vụ và tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức để phát huy tinh thần trách nhiệm, thái độ tích cực, cầu thị trong thi hành công vụ.
Bốn là, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm nêu gương. Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên: “Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”. Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức phải trở thành tấm gương thực sự về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, lề lối làm việc, tác phong công tác, chức trách, nhiệm vụ được giao.
Năm là, coi trọng công tác đánh giá cán bộ, công chức. Cần phải đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương đã được xác định trong Nghị quyết số 26 NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nguyễn Thị Hồng Mây