Ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Một trong những điểm nhấn trong Nghị quyết là nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt các nữ doanh nhân tiêu biểu
Trách nhiệm xã hội của doanh nhân Việt Nam với tư cách chủ sở hữu doanh nghiệp
Về khía cạnh kinh tế
Doanh nhân Việt Nam chính là lực lượng xung kích, chủ lực trong việc thực hiện CNH, HĐH, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Họ thực hiện liên doanh, hợp tác kinh tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, hình ảnh và giá trị văn hóa Việt Nam đến với thế giới, giúp tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Đồng thời chuyển giao khoa học công nghệ, phương thức kinh doanh và phương pháp quản lý kinh tế tiên tiến của thế giới về Việt Nam, từ đó tham mưu cho Nhà nước về sách lược kinh tế tối ưu thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Đội ngũ doanh nhân cũng đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động. Sự ra đời, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân đã mang lại việc làm cho nhiều người lao động trên các vùng miền cả nước, kể cả người yếu thế, người khuyết tật. Trong 9 tháng năm 2023, lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,2 triệu người, tăng 776,0 nghìn người. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,0 triệu đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước[1].
Về khía cạnh pháp lý: TNXH của doanh nhân bao gồm các vấn đề:
Điều tiết cạnh tranh lành mạnh: Để đảm bảo một thị trường cạnh tranh lành mạnh, trong sạch, một xã hội công bằng góp phần thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển, thì các doanh nhân và doanh nghiệp của mình phải biết điều tiết sự cạnh tranh nhằm tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả mọi người. Đồng thời, khuyến khích doanh nhân phát hiện, ngăn chặn, tố cáo đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp.
Bảo vệ người tiêu dùng: Doanh nhân phải có trách nhiệm đảm bảo và ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khi đưa ra thị trường; minh bạch hóa thông tin, giúp người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn đúng sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của họ. Doanh nhân cũng phải định hướng để người tiêu dùng sử dụng hiệu quả sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp mình cung cấp; cảnh báo cho họ những sản phẩm không đạt yêu cầu về độ an toàn và vệ sinh thực phẩm đang hiện hữu trên thị trường.
Bảo vệ môi trường: Việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không chỉ là nghĩa vụ “phải làm” mà từng bước đã trở thành “động lực tìm kiếm lợi nhuận bền vững” cho doanh nghiệp. Bên cạnh việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, về khai thác tài nguyên, các doanh nhân cần chủ động triển khai các giải pháp về đổi mới sáng tạo, về cải tiến công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo luôn tận dụng và tối ưu hiệu quả việc sử dụng nguyên liệu đầu vào của chu trình sản xuất.
Bảo vệ quyền lợi của người lao động: Doanh nhân phải đảm bảo doanh nghiệp của mình thực hiện đúng, đầy đủ các nguyên tắc và quyền lợi cho người lao động. Cần phải xây dựng một nơi làm việc mà ở đó người điều hành, quản lý luôn bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, không có sự phân biệt đối xử với nhân viên, đối tác, khách hàng, các bên liên quan, thành viên hoặc bất cứ ai khác mà doanh nghiệp có mối liên hệ. Đồng thời, tăng cường chăm lo đến đời sống tinh thần, vật chất của người lao động.
Trách nhiệm xã hội của doanh nhân với tư cách tiềm lực cá nhân
Đại dịch COVID -19 vừa qua là thời gian để xã hội nhìn nhận, đánh giá đầy đủ hơn vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp và cũng là thời gian để doanh nhân nhìn nhận lại vai trò, giá trị, trách nhiệm của họ đối với xã hội. Doanh nghiệp thu lợi nhuận từ xã hội, thì việc đóng góp trở lại cho xã hội là điều hiển nhiên. Đại dịch đi qua càng làm rõ thêm họ không thể phát triển, tồn tại nếu xã hội không ổn định, phát triển. Việc thực thi TNXH của doanh nhân không chỉ thông qua việc tạo mô hình kinh doanh đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cộng đồng xã hội mà còn có thể tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng các công trình phúc lợi góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... Trong bối cảnh đại dịch COVID -19, nhiều doanh nhân đã nêu tấm gương sáng về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, TNXH, khi vừa lo duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, vừa hỗ trợ công tác phòng chống đại dịch của cả nước. Bằng những phương thức như vậy, trong tiến trình đổi mới, doanh nhân Việt Nam đã góp phần xây dựng xã hội đoàn kết, đồng thuận, công bằng, an sinh, văn minh theo định hướng XHCN.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nhân chưa hiểu rõ hết vai trò quan trọng cũng như lợi ích từ việc thực hiện TNXH đem lại nên đã không thực hiện nghiêm túc, nhiều doanh nghiệp đang coi TNXH với môi trường và lao động là một “gánh nặng” hoặc chỉ là cách thức hoạt động maketing, tạo hình ảnh làm sao để có lợi cho doanh nghiệp nhất. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật về lương bổng, chế độ bảo hiểm, an toàn lao động cho người lao động đã và đang gây bức xúc cho xã hội. Nhiều dự án FDI còn để xảy ra tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, tranh chấp lao động, với hàng ngàn cuộc đình công đòi quyền lợi về lương, thưởng, thời gian làm thêm, nghỉ giữa giờ và các chế độ phúc lợi khác giữa những lao động và người sử dụng lao động...
Giải pháp đẩy mạnh thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nhân
Một là, chủ động thành lập đội chuyên trách về TNXH trong doanh nghiệp
Thực tế thường gặp ở các công ty Việt Nam là các hoạt động TNXH thường không được thực hiện một cách nhất quán và thường xuyên. Lý do căn bản là trong doanh nghiệp không có đơn vị chuyên trách về TNXH. Vì vậy, doanh nhân cần chủ động thành lập đội chuyên trách về TNXH trong doanh nghiệp của mình.
Theo đó, đội chuyên trách này cần có quy mô và thành phần phù hợp với cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, bao gồm các bộ phận liên đới đến vấn đề trọng tâm về TNXH đã lựa chọn. Đội chuyên trách về TNXH có thể được thành lập gồm 5-7 thành viên, mỗi thành viên thuộc một bộ phận chức năng, đặc biệt cần có một thành viên nằm trong ban giám đốc công ty. Sở dĩ như vậy là vì các chính sách và chương trình TNXH chỉ có thể được thực hiện và có tính bền vững nếu có sự cam kết cao của các nhà quản trị công ty.
Mặt khác, trong đội chuyên trách, các thành viên cũng cần có hiểu biết chung về TNXH, có thể thuê thêm chuyên gia bên ngoài tham gia với tư cách là thành viên kiêm nhiệm để tư vấn cho đội chuyên trách và công ty về những vấn đề TNXH được coi là điểm nóng cần giải quyết ngay.
Việc thành lập đội chuyên trách có thể phát sinh chi phí cho doanh nghiệp nhưng đây là việc làm cần thiết đối với doanh nghiệp ở giai đoạn bắt đầu thực thi TNXH, khi mà những nguyên tắc, quy chuẩn về TNXH chưa được người lao động hiểu rõ, những hoạt động TNXH chưa được thực hiện một cách có hệ thống. Sau này, khi các hoạt động của công ty đã đi vào nề nếp, khi người lao động đã có nhận thức tốt và chủ động thực thi các hoạt động TNXH thì các thành viên của đội chuyên trách có thể trở về hoạt động tại các bộ phận của mình. Có thể nói, hình thức hoạt động của đội chuyên trách giống như nhóm dự án, đảm bảo tính linh hoạt và chuyên nghiệp của đội.
Hai là, lập kế hoạch chiến lược về TNXH của doanh nghiệp
Các doanh nhân nên lập kế hoạch chiến lược về TNXH vì chỉ khi có chiến lược mới xác định rõ mục tiêu cũng như con đường để thực hiện TNXH của doanh nghiệp một cách chủ động và mang tính lâu dài. Trong công tác lập kế hoạch chiến lược, ban quản trị công ty với sự giúp sức của đội chuyên trách về TNXH có thể thực hiện một số bước sau: Xác định tầm nhìn về TNXH của doanh nghiệp; Phân tích thực trạng TNXH doanh nghiệp và các yếu tố môi trường tác động để xác định thứ tự ưu tiên của các vấn đề liên quan đến TNXH, những điều kiện về nguồn lực dành cho việc thực hiện TNXH; Đề xuất một số giải pháp tổng thể để thực hiện TNXH doanh nghiệp; Phân tích và lựa chọn một vài giải pháp phù hợp; Chi tiết hóa các chương trình TNXH và phổ biến đến toàn thể người lao động trong doanh nghiệp.
Ba là, về phía các cơ quan quản lý nhà nước
Tăng cường tuyên truyền đối với các doanh nghiệp về nghĩa vụ và lợi ích của việc thực hiện TNXHDN. Việc tuyên truyền này cần được mở rộng đến cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô... Nội dung của việc thực hiện TNXH, các thông tin cập nhật về các bộ quy tắc ứng xử, các tiêu chuẩn TNXH liên quan phải được phổ biến đầy đủ và rõ ràng đến các doanh nghiệp.
Phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể liên quan trong việc hoạch định chính sách, thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, xử lý sai phạm của các doanh nghiệp đối với các vấn đề liên quan đến TNXH. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các chủ thể khác có liên quan cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi TNXH của doanh nghiệp chỉ được coi trọng và trở nên cấp thiết khi có cơ chế giám sát đồng bộ, có sự kết hợp giữa chính quyền và các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông, báo chí.
Cần có các biện pháp đủ mạnh để xử lý vi phạm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện TNXH, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nông sản, thực phẩm không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng và gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cần tăng cường các hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng đối với các doanh nghiệp tự giác và thực hiện tốt TNXH, như giải thưởng TNXH, thương hiệu "xanh", cấp chứng chỉ cho các doanh nghiệp bảo đảm các yêu cầu liên quan đến các tiêu chuẩn TNXH trong các bộ quy tắc ứng xử được áp dụng...
[1] Thông cáo báo chí Tình hình lao động việc làm trong 9 tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê.
Hồ Thanh Thủy