Liên hợp quốc chính thức thành lập ngày 24/10/1945. Mục đích thành lập của Liên hợp quốc là để duy trì hòa bình, an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người. Đây là các trụ cột quan trọng nhất được ghi nhận tại điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc. Trong hoạt động của Liên hợp quốc, quyền con người được coi là vấn đề trọng tâm, có tính xuyên suốt. Để bảo đảm quyền con người, Liên hợp quốc chú trọng xây dựng pháp luật về quyền con người và cơ chế giám sát việc thực thi các quyền trên thực tế. Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống cơ chế của Liên hợp quốc; là diễn đàn để các quốc gia cùng thảo luận về cách thức thúc đẩy thực thi các chuẩn mực quốc tế về quyền con người trên toàn thế giới.
Các thành viên đoàn Việt Nam tại cuộc bỏ phiếu bầu Hội đồng Nhân quyền LHQ ở New York ngày 11/10. Ảnh: Internet.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc được thành lập năm 2006, gồm đại diện của 47 quốc gia thành viên (Châu Á 13; châu Phi 13; Mỹ Latinh 9; Tây Âu 8; Đông Âu 7) được bầu chọn trực tiếp bằng cách bỏ phiếu kín. Các thành viên của Hội đồng Nhân quyền sẽ giữ vị trí này trong ba năm và chỉ được bầu lại sau hai nhiệm kỳ liên tiếp. Chính vì vị trí quan trọng của Hội đồng Nhân quyền nên “các nước hết sức coi trọng, quyết liệt tham gia cơ chế này”.
Ở Việt Nam, việc bảo đảm quyền con người luôn được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Quyền con người được nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân; không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất các quyền con người. Đồng thời, “Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm, luôn ủng hộ việc bảo vệ quyền con người và nhân phẩm trên toàn cầu”. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: “Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên hợp quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc… thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới”.
Sự tín nhiệm quốc tế đến từ những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong các cơ chế của Liên Hiệp Quốc suốt nhiều năm qua: Việt Nam có những đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền; Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em; thông qua tuyên bố Nhân quyền ASEAN; là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016); Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020 - 2021)... Những tiến bộ và đóng góp quốc tế của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Các nước ASEANthống nhất đề cử Việt Nam là đại diện duy nhất của ASEAN ứng cử thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Toàn cảnh phiên họp bầu ra 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 ngày 11/10 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: Internet.
Trên thực tế, mặc dù có sự tiếp cận khác nhau giữa các quốc gia về khái niệm quyền con người, nhưng việc Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025 đã cho thấy Việt Nam đã bảo đảm thúc đẩy quyền con người trên cơ sở tôn trọng các giá trị phổ quát chung của nhân loại. Việc Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền có ý nghĩa hết sức to lớn: thể hiện sự trân trọng, ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế dành cho những cố gắng, nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ quyền con người suốt thời gian vừa qua; khẳng định uy tín, vị thế quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam bất chấp những luận điệu phủ nhận, xuyên tạc, chống phá, vu cáo về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam của các thế lực thù địch.
Với kinh nghiệm đã từng tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan tới Liên hợp quốc trực tiếp tại Hội đồng bảo an, Việt Nam sẽ cùng với 13 thành viên mới đắc cử sẽ đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ 3 năm bắt đầu vào tháng 1/2023.
Với tinh thần đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng thế giới, Việt Nam sẽ có những đóng góp thiết thực vào công việc của hội đồng nhân quyền nói riêng và Liên hợp quốc nói chung trong nhiệm kỳ sắp tới, cùng cộng đồng quốc tế chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển, các giá trị về quyền con người ngày càng được tôn trọng và bảo đảm thực hiện.
Đào Tùng