Đúng 10 giờ sáng ngày 4/5/2022, từ vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà, con tàu 561 chở hơn 200 đại biểu đến với quần đảo Trường Sa. Lênh đênh trên biển hơn 30 giờ, vượt qua gần 300 hải lý, tàu cập đảo Song Tử Tây thuộc phía bắc quần đảo Trường Sa. Những năm gần đây, do được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân Việt Nam, đảo Song Tử Tây đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều công trình dân sinh và quốc phòng như: cột mốc chủ quyền, nhà làm việc của Ban Chỉ huy đảo, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, trường tiểu học, chùa Song Tử Tây, khu dân cư, khu tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đặc biệt âu tàu và trạm y tế Song Tử Tây chính là địa chỉ trú ngụ an toàn cho ngư dân các tỉnh duyên hải mỗi khi đánh bắt xa bờ, hoặc trong thời gian khai thác hải sản không may gặp thời tiết giông bão, đau ốm. Đảo là điển hình của “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”.
Tiếp tục hải trình, Đoàn công tác đến thăm đảo Đá Nam, đảo Đá Lớn C, đảo Đá Thị, đảo Sinh Tồn, đảo Núi Le B, đảo Cô Lin, đảo Tốc Tan A, đảo Đá Đông C, đảo Trường Sa lớn và cuối cùng là nhà dàn DK1. Đi đến đâu, Đoàn công tác cũng nhận được sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo, thắm tình quân, dân ở đó. Ẩn sau những nụ cười nhân hậu từ khuôn mặt rám nắng nơi đầu sóng, ngọn gió là sự kiên trung, bất khuất của các cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc, vì sự vẹn toàn lãnh thổ, vì sức sống mãnh liệt của đất nước, vì hạnh phúc của mọi người dân Việt Nam.
Phút mặc niệm tưởng nhớ anh linh 64 liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống tại Gạc Ma. Ảnh: Internet.
Đi qua đảo Côlin đến vùng biển Gạc Ma, Đoàn công tác đã trang trọng làm Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Nhắc lại sự kiện ngày 14/03/1988, không ai trong Đoàn công tác kìm được tiếng nấc nhưng cũng rất tự hào trước sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tri ân các liệt sĩ nằm sâu trong lòng biển bằng những cánh hoa cúc, hạc giấy và những nắm đất quê hương, ai cũng mong các anh hùng của Tổ quốc hãy an nghỉ và thầm hứa thế hệ hôm nay nguyện noi gương các anh, đoàn kết một lòng phát huy truyền thống yêu nước gìn giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Tại nhà giàn DK1 - nơi kỷ niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ chống chọi với bão tố khắc nghiệt, một lần nữa Đoàn công tác như thấm thía thêm một niềm tự hào bất khuất linh thiêng của dân tộc Việt Nam: biển này là của ta, đảo này của ta và mãi mãi phải được giữ gìn, phát triển để không hổ thẹn với các liệt sỹ, với quân và dân bám trụ trên đảo bảo vệ từng dặm biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Tuần tra trên đảo. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Qua thăm quần đảo Trường Sa, Đoàn công tác được tận mắt chứng kiến các chiến sĩ hải quân - tuổi đời còn rất trẻ - âm thầm bồng súng đứng nghiêm canh giữ cột mốc chủ quyền và những vị trí chủ chốt của từng hòn đảo dưới thời tiết khắc nghiệt nhiều hôm nhiệt độ lên tới gần 400C. Mồ hôi các anh vã ra như tắm, thấm đẫm khẩu trang và chiếc áo lính, nhưng vẫn bình thản dõi ánh mắt ra biển khơi, nơi xa xa có những con thuyền của ngư dân Việt Nam đang mải miết kéo lưới.
Tại các đảo còn có lực lượng hùng hậu là dân quân tự vệ. Đó là thành phần quan trọng, là lực lượng nòng cốt của thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, đảo. Lực lượng này đã phối hợp với Bộ đội, Hải quân giải quyết hiệu quả nhiều nhiệm vụ phức tạp xảy ra trên vùng biển, đảo Trường Sa, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị Đại hội XIII đề ra: “Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển”[1], tạo thế liên hoàn biển - đảo - bờ trong thế trận phòng thủ.
Đoàn Công tác trên đảo Trường Sa. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Trải nghiệm gần 10 ngày trên biển, Trường Sa đã cho Đoàn công tác cảm nhận và thấu hiểu nhiều hơn về lòng yêu nước, về chủ quyền, quyền chủ quyền an ninh trên biển, đảo là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Vì vậy cần tiếp tục: “xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo”[2], bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giải quyết tranh chấp trên biển và phát triển kinh tế biển, ý thức vươn ra biển, làm giàu từ biển, từng bước khẳng định vị trí Việt Nam là một quốc gia mạnh về biển, đảo trong khu vực.
Một quốc gia có vùng biển, vùng trời hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự vững mạnh của chế độ, của dân tộc. Do vậy, để giữ vững chủ quyền biển, đảo trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, tăng cường phát triển hơn nữa kinh tế biển với chiến lược toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời: “Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống”[3].
Hà Lê