Theo Tổng cục Thống kê, bước sang năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta[1]. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường”. GDP của 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Tuy nhiên, tác động của đại dịch là không giống nhau giữa các lĩnh vực. Có thể thấy, lao động thuộc lĩnh vực phi chính thức là nhóm bị ảnh hưởng nặng hơn so với lao động trong khu vực chính thức. Tương tự, trong khi nhiều lĩnh vực sản xuất và kinh doanh bị đình trệ, thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa thì ngành tài chính lại vẫn thu được những kết quả tích cực. Đồng thời, thực tế cũng cho thấy sự bất bình đẳng xã hội, vốn đã tồn tại, càng bộc lộ rõ hơn dưới tác động của đại dịch Covid-19.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy chính sách chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời cũng làm gia tăng sự phân hóa xã hội ở Việt Nam[2].Chẳng hạn, theo Tổng cục Thống kê, nếu thu nhập bình quân của nhóm thu nhập cao nhất trong xã hội gấp 8,36 lần nhóm có thu nhập thấp nhất (2006) thì khoảng cách này đã tăng lên 9,79 lần (2016). Tương tự, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, xu hướng phân hóa giàu nghèo thể hiện qua sự chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% dân số giàu nhất và nhóm 20% dân số nghèo nhất vào năm 2014 là 9,7 lần; đến năm 2018 tăng lên 10 lần”[3].
Hệ quả của sự phân hóa xã hội
Các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đều chỉ ra rằng quá trình phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy sự phân hóa xã hội, khoảng cách giữa các giai tầng xã hội sẽ ngày càng rõ rệt hơn[4]. Về bản chất, sự phân hóa xã hội là bằng chứng cho thấy sự gia tăng mức độ bất bình đẳng xã hội. Xu hướng này sẽ khiến của cải tạo ra trong xã hội ngày càng tập trung vào những cá nhân, nhóm thiểu số có nhiều lợi thế. Trong khi đó, số đông còn lại vẫn loay hoay trong khó khăn, không cải thiện được cuộc sống. Quy luật phát triển của loài người cho thấy, nếu không được kiểm soát, xu hướng gia tăng bất bình đẳng xã hội sẽ tạo ra những rủi ro cho tăng trưởng kinh tế, thậm chí nguy cơ sụp đổ cả hệ thống kinh tế, và từ đó là những bất ổn chính trị - xã hội.
Đại dịch Covid-19 tấn công các quốc gia nghèo nhiều hơn phần còn lại của thế giới, gieo rắc bất bình đẳng trên toàn cầu. Ảnh: Internet.
Nhận định về xu hướng phân hóa xã hội ở Việt Nam trong thời gian gần đây, báo cáo mười năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng đã nêu rõ: “Giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp để xử lý hữu hiệu vấn đề phân hóa giàu nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn và xung đột xã hội”[5]. Thực tế này cho thấy sự bất bình đẳng cả về cơ hội và thụ hưởng thành quả phát triển ở nước ta sau gần 35 năm đổi mới không những chưa được khắc phục, mà còn có xu hướng gia tăng. Đây chính là cơ sở để tại Đại hội XII và Đại hội XIII, Đảng ta đề ra chủ trương phát triển xã hội. Trong đó, “kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội” là một trong những ưu tiên hàng đầu[6].
Chủ trương phát triển xã hội của Đảng
Hướng tới xây dựng một xã hội thịnh vượng, công bằng và bình đẳng giữa các cá nhân, giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội là tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa Mác -Lênin. Tinh thần này cũng thể hiện qua câu nói giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Trải qua hơn chín thập kỷ kể từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng cộng sản Việt Nam luôn kiên định và nhất quán với sứ mệnh chính trị cao cả đó.
Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội luôn là mục tiêu nhất quán của Đảng. Ảnh minh hoạ.
Trước những thách thức xã hội ngày càng nổi cộm, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định chủ trương phát triển xã hội, vốn được chính thức nêu ra từ Đại hội XII. Theo đó, phát triển xã hội là hướng đến xây dựng một xã hội với các giá trị căn bản như: công bằng, bình đẳng, đoàn kết, an toàn và an sinh xã hội, và phúc lợi xã hội. Để hướng tới một xã hội phát triển hài hòa và bền vững, Đảng xác định: “khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp”[7],“giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số;thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc”[8].
Có thể thấy, chủ trương phát triển xã hội thể hiện sự kiên định và nhất quán của Đảng với những giá trị cốt lõi chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường và mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa như đã được khẳng định rõ ràng trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”[9]. Chính việc kiên định và quyết tâm hiện thực hoá mục tiêu tốt đẹp này đã và đang làm cho quá trình phát triển đất nước là một quá trình cân bằng, trong đó tăng trưởng kinh tế phải luôn đi liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Hơn lúc nào hết, bối cảnh đại dịch Covid-19 và những hệ quả nặng nề đang chứng minh và khẳng định sự đúng đắn về chủ trương phát triển xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
[1]Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 06 tháng đầu năm 2021.
[2]Tổng cục Thống kê: Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2016.
[4]Oxfam Việt Nam: Các chiều bất bình đẳng ở Việt Nam. In trong “Tuyển tập bất bình đẳng” do Nhóm phân tích kinh tế lựa chọn và biên dịch. Nxb Tri thức, 2019.
[5]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2021, tr.85.
[6]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2021, tr.148.
[7]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2021, tr.144.
[8]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2021, tr.50.
[9]Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam", 5/2021.
Minh Hoàng