Trong nhiều tác phẩm, nhiều bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn răn dạy cán bộ, đảng viên phải giữ được sự liêm khiết của bản thân để thực hành công việc thuận lợi. Vào những thời điểm cách mạng Việt Nam đang gặp muôn vàn khó khăn, Người vẫn không quên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, liêm khiết trong hoạt động công việc. Để cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn về sự liêm khiết, Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài đăng trên báo Cứu quốc với bút danh Lê Quyết Thắng, trong đó có bài: “Thế nào là Liêm?” được Bác viết vào ngày 01/6/1949. Người cho rằng: “Liêm là trong sạch, không tham lam”, là liêm khiết, là luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân”. Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2-1951. Ảnh tư liệu.
Trong bài viết, Hồ Chí Minh cũng khẳng định trái với Liêm là bất Liêm. Người cho rằng, bất liêm là “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên…”. Người nhận diện rõ các hành động bất liêm: “Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư. Người buôn bán, mua 1 bán 10, hoặc mua gian bán lậu, chợ đen chợ đỏ, tích trữ đầu cơ. Người có tiền, cho vay cắt cổ, bóp hầu bóp họng đồng bào. Người cày ruộng, không ra công đào mương, mà lấy cắp nước ruộng của láng giềng. Người làm nghề (bất cứ nghề gì) nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt đồng bào. Người cờ bạc, chỉ mong xoay của người làm của mình. Đều là tham lam, đều là BẤT LIÊM. Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm). Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật úy lạo. Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử. Đều làm trái với chữ LIÊM”.
Đã bất liêm, thì đều là hành vi “trộm cắp”, vô liêm sỉ, không còn sự day dứt, xấu hổ khi làm điều xấu xa. Bất liêm đồng nghĩa với việc con người bị tha hóa về mặt nhân cách, phẩm giá, làm băng hoại mọi giá trị đạo đức tốt đẹp. Những điều bất liêm và trái với chữ Liêm cần phải bị nghiêm khắc phê phán, loại bỏ. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong rằng mỗi người phải nhận ra, bất liêm là một điều rất xấu hổ, kẻ bất liêm là có tội với nước, với dân, trong đó, người cán bộ có vai trò quan trọng trong việc nêu gương: “Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân”.
Ngày nay, đất nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế, nền kinh tế có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Điều đó còn khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới đất nước với sự chung tay, góp sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; là kết quả của sự mẫu mực, gương mẫu, đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, ngày 30/6/2022. Ảnh: Internet.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bên cạnh những công thần vì nước, vì dân thì cũng có một bộ phận không nhỏ những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, mất đạo đức, nhân cách vì không giữ được chữ Liêm, không giữ được sự trong sạch, liêm khiết của bản thân trước những cám dỗ của quyền lực, của vật chất dẫn đến những hệ lụy và làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 (ngày 30/6/2022) đã nêu rõ: 10 năm qua, cấp ủy, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang... Những con số ấy không hề nhỏ và chắc chắn vẫn chưa dừng lại bởi công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, làm trong sạch bộ máy của Đảng đang diễn ra quyết liệt hơn bao giờ hết. Những con số khiến chúng ta không khỏi đau xót, trăn trở, suy nghĩ về đạo đức, nhân cách, về sự liêm khiết trong hoạt động công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Bởi nếu như những cán bộ, đảng viên đấy không tham lam địa vị, không tham lam tiền tài, không tham lam chức tước, không ham người tâng bốc mình thì có lẽ sẽ không có những vi phạm đáng tiếc để rồi đánh mất đi uy tín, đánh mất đi niềm tin mà Đảng và Nhân dân đã tin tưởng giao phó.
Suy cho cùng, những hậu quả đó là do chính những cán bộ, đảng viên không biết tự trau dồi đạo đức của bản thân, không giữ được sự liêm minh chính trực để rồi gục ngã trước những cám dỗ sân si. Việc Đảng ta hành động quyết liệt, kiên quyết loại bỏ những cán bộ, đảng viên ấy không phải để thanh trừng nội bộ, cũng không phải để hạ bệ những kẻ không cùng phe cánh như một số phần tử phản động từng rêu rao mà chính là để làm trong sạch bộ máy của Đảng, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam.
Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (ngày 12/10/2019), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chia sẻ suy nghĩ của bản thân khi phải xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”. Thật vậy, sẽ là bài học sâu sắc để mỗi cán bộ, đảng viên đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ biết nhìn vào để tự rèn giũa bản thân, rèn giũa sự liêm khiết, chính trực để không vấp ngã trước những cám dỗ tầm thường, trước lời xu nịnh của những kẻ tâng bốc mình để rồi Bất Liêm, phải luôn xứng đáng với tư cách đạo đức của người cán bộ, đảng viên được nhân dân tin yêu. Bài học và tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là cội nguồn để mỗi một cán bộ, đảng viên học tập và làm theo.
Nguyễn Thế Nguyên