Một góc thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: Internet.
Lịch sử đã chứng minh để thành công mỗi quốc gia, dân tộc không thể thiếu “giấc mơ” hay “khát vọng”. Khát vọng bắt nguồn ngay từ trong sự sống, sự tồn tại cho đến sự phát triển cường thịnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Đó là “sợi dây” để cố kết tạo nên sức mạnh bảo vệ cộng đồng trước sức mạnh của tự nhiên hay các thế lực ngoại xâm. Chính “giấc mơ ” hay “khát vọng” phát triển đã tạo ra “động lực” giúp các quốc gia làm nên những điều kỳ diệu dù xuất phát từ một nền tảng rất “khiêm tốn”. Ngược lại, không hiếm những quốc gia, dân tộc bị đồng hóa, bị tiêu diệt hoặc tự diệt vong nếu thiếu đi “khát vọng” độc lập, tự cường và phát triển.
Đối với dân tộc Việt Nam, “khát vọng” là cội nguồn sức mạnh, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Ngay từ buổi đầu dựng nước, cha ông ta hình thành khát vọng, tầm nhìn lớn và không ngừng đấu tranh, bồi đắp cho “khát vọng” ngày một lớn mạnh.
Nếu không có “khát vọng độc lập, tự chủ” thì dân tộc ta không thể vượt qua 1.117 năm Bắc thuộc mà không bị kẻ thù đồng hóa. Năm 968, Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên tại Việt Nam, với ngụ ý nước ta lớn mạnh sánh vai với các vương triều phương Bắc. Năm 1010, khi đất nước đã phát triển hơn, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long, với khát vọng phát triển đất nước mạnh mẽ như rồng vàng bay lên cao. Sau đó, trải qua các triều đại khác nhau, tên nước có thể thay đổi như Đại Việt, Đại Ngu, Đại Nam, Việt Nam nhưng khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự chủ và ngày càng lớn mạnh thì không hề thay đổi.
“Khát vọng” phát triển dân tộc cũng ẩn chứa trong những áng văn thơ đương thời toát lên tinh thần và hào khí mạnh mẽ như “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sỹ”, “Bình Ngô đại cáo”... Đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn Hoàng với công cuộc Nam tiến tạo tiền đề cho sự hình thành lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Thế kỷ XIX, XX đất nước bị xâm lược và đô hộ, song chính khát vọng độc lập, tự chủ đã kết thành “làn sóng mạnh mẽ” thể hiện ở tinh thần đấu tranh “bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây” của nhân dân ta.
Bước vào thời đại Hồ Chí Minh, với khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu” đã trở thành “động lực to lớn” làm nên những chiến thắng lịch sử, đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, can thiệp Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, giải phóng miền Bắc, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt là thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Đó là thắng lợi của khát vọng hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo tiền đề, điều kiện để Việt Nam có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”.
Xe tăng của quân giải phòng tiến vào Dinh độc lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Internet.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ trở thành siêu cường lớn nhất thế giới. Với sức mạnh vượt trội và bản chất của đế quốc, Mỹ sử dụng nhiều “thủ đoạn” nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới do Mỹ đứng đầu. Trong đó, Việt Nam được xem là “trọng điểm” của học thuyết Đomino trong chiến lược toàn cầu, vì vậy Mỹ đã tiến hành xâm lược Việt Nam biến nó trở thành một trong những cuộc chiến tranh lớn nhất, kéo dài nhất, tốn kém nhất và ác liệt nhất trong lịch sử quân sự nước Mỹ. Với cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã bị “sa lầy” buộc phải kéo dài cuộc chiến lên tới 21 năm (1954-1975), trải qua 5 đời tổng thống và bốn chiến lược chiến tranh. Đồng thời, để thực hiện cuộc chiến, Mỹ đã huy động một bộ máy chiến tranh khổng lồ với quy mô lớn hơn bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong lịch sử mà Mỹ từng tham gia cùng với hàng loạt các vũ khí tối tân, hiện đại nhất lúc bấy giờ như máy bay, tàu chiến, thiết giáp, pháo binh, tên lửa, bom mìn, hóa chất..., và do đó cuộc chiến tranh cướp đi sinh mạng của hàng triệu người kể cả lính Mỹ, để lại “một di sản” hoang tàn, đổ nát đối với đất nước ta.
Mặc dù “đã hao tâm, tổn lực” với cuộc chiến nhưng cuối cùng Mỹ vẫn không đạt được mục đích, chấp nhận thất bại bởi chúng có thể mạnh về quân sự, thâm độc về thủ đoạn chiến tranh nhưng không thể thắng được khát vọng chính nghĩa, tinh thần, ý chí của dân tộc ta. Khát vọng ấy được “khởi nguồn” từ lòng “yêu nước nồng nàn” trong mỗi người dân Việt Nam được Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy và phát huy cao độ, cố kết thành sức mạnh dân tộc to lớn và sự kiên định, bản lĩnh, đầy sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến của Đảng.
Với niềm tin và khát vọng chính nghĩa, dân tộc ta đã biến thành sức mạnh quật cường, vượt qua những khó khăn, tạo nên những chiến thắng to lớn như Ấp Bắc (1-1963), Bình Giã (1-1965), Đồng Xoài (6-1965), Núi Thành (5-1965), Vạn Tường (8-1965), Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), Chiến thắng đường 9 Nam Lào (3-1971), cuộc tiến công chiến lược mùa xuân 1972, trận “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972) và đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phòng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối. Nhân dân cả nước thực sự làm chủ vận mệnh, cùng nhau xây dựng lại cuộc sống mới, cùng nhau phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, với khát vọng “hòa bình, độc lập, thống nhất” đã làm nên ý chí, quyết tâm và sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó còn là cuộc cách mạng “tinh thần” được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh thức, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ hết sức khó khăn. Với khát vọng ấy, đã tạo nên “thắng lợi oanh liệt của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nó kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, thống nhất và đưa cả nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Tiếp nối khát vọng dân tộc, đất nước ta sau hơn 35 năm Đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề, điều kiện để đất nước tiếp tục phát triển. Từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,02% đạt mức cao nhất từ năm 2011 đến nay. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 732,5 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đạt 4.110 USD. Nhờ đó, Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và năng động nhất trong khu vực, nằm trong tốp 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các lĩnh vực về chính trị, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, văn hóa, xã hội tiếp tục có những bước phát triển mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, bối cảnh mới của quốc tế với sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các vấn đề an ninh phi truyền thống… đang đặt dân tộc ta đứng trước những cơ hội song cũng không ít những thách thức, bứt phá vươn lên ngay bây giờ hay bị bỏ lại phía sau là một câu hỏi lớn. Hơn nữa, những thành tựu đạt được là “chưa bao giờ có được” song chưa đủ, nguy cơ tụt hậu, nhiều vấn đề đặt ra đối với kinh tế, chính trị, văn hóa… vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, Việt Nam vẫn còn những “điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ để bứt phá vươn lên như đổi mới sáng tạo về công nghệ, về năng suất lao động, về chất lượng FDI, về nguy cơ “chưa giàu mà đã già”, về những tác động của biến đổi khí hậu…
Để giải quyết những thách thức lớn đó, trước hết Việt Nam rất cần một khát vọng lớn của thời đại mới để tiếp tục khơi dậy và phát huy sức mạnh dân tộc. Do đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong năm tư tưởng chỉ đạo nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là quan điểm quan trọng, là “điểm nhấn” lần đầu tiên được đề cập trong Văn kiện của Đảng. Đó là sự phản ánh khát vọng của non song, đất nước, là ý Đảng quyện với lòng Dân, là động lực thúc đẩy dân tộc vượt qua những khó khăn, thách thức đưa đất nước tiếp tục phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.
Trong vận hội mới, điều kiện mới, thực tiễn sinh động của quá trình hiện thực hóa khát vọng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cơ sở, là “mạch nguồn” để hôm nay tiếp tục kế thừa, vận dụng vào sự nghiệp hiện thực hóa khát vọng và quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Nguyễn Văn Giang