Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã khẳng định: đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những di sản quý giá và truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(1). Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Người luôn nhắc nhở: “Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”(2).
Theo Hồ Chí Minh, “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”(3) là mục đích của Đảng và Đảng thực hiện “đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc”, “đoàn kết để xây dựng nước nhà”, cho nên phải “đoàn kết rộng rãi và lâu dài”, “đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố” và “ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(4).
Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bắt nhịp bài ca Kết đoàn” năm 1960. Ảnh: Lâm Hồng Long
Trên cơ sở kế thừa quan điểm “cách mạng và sự nghiệp của quần chúng” của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần phải xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong toàn Đảng, các cấp chính quyền, trong các tầng lớp nhân dân. Người luôn khẳng định, đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh to lớn mà còn là vấn đề đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp, lực lượng, đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người đã lầm đường lạc lối nhưng đã biết hối cải trở về với nhân dân, “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”(5).
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, theo Hồ Chí Minh, trước hết, cần tuyên truyền, vận động nhân dân; thứ hai, phải chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Về Nhà nước, Đảng phải làm cho Nhà nước thật sự là của dân, do dân, vì dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là cầu nối gắn kết Đảng, Nhà nước với nhân dân. Coi đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi đoàn kết là một đức tính cơ bản của người cách mạng. Ai không có khả năng tập hợp, đoàn kết quần chúng và các đồng chí của mình thì không thể làm cách mạng, không thể làm cán bộ. Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(6).
Hơn 90 năm qua (1930 -2020), Đảng ta đã thực hiện xuyên suốt và nhất quán chiến lược đại đoàn kết dân tộc, nhất là trong 35 năm đổi mới vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc phù hợp với tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Có thể khẳng định, bài học đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng trở nên sống động và mang tính thời sự, mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh đất nước đang trên đường phát triển mạnh mẽ vừa đón nhận những cơ hội lớn và vừa phải đối mặt với những thách thức không nhỏ của quá trình hội nhập quốc tế.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực và điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ảnh: Internet
Trong bối cảnh ấy, để tăng cường củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số giải pháp căn bản sau đây:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, người đứng đầu và cả hệ thống chính trị tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình trong công tác lãnh chỉ đạo, củng cố và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, đoàn kết đoàn kết và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để nhân dân học và làm theo. Phải luôn luôn coi đại đoàn kết là sự nghiệp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức; trong đó, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Đó là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong tham gia xây dựng và hoàn thiện một số chính sách để củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt trận phải là tổ chức đoàn kết rộng rãi, chân thành với tất cả các thành viên trong xã hội, không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ở trong nước hay ở nước ngoài trên cơ sở mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đồng thời, Mặt trận phải đa dạng hóa các hình thức tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận, gắn kết tạo thành nguồn lực nội sinh trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân gắn với thực hiện tốt trách nhiệm của công dân, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”, góp phần xây dựng các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.
Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đi sâu, đi sát và nắm bắt kịp thời để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và nỗ lực chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân. Tôn trọng và phát huy vai trò gương mẫu, dẫn dắt của những người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư, các dân tộc, tôn giáo; bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích của tập thể và toàn xã hội. Cùng với việc giải quyết đúng đắn và hợp lý các quan hệ lợi ích, cần đẩy mạnh và không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tinh thần tự lực tự cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới hiện nay chính là khẳng định những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần vào cuộc đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đảm bảo thế và lực cho đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.
_____________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.23, tr.232.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.55.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.49.
(4), (5), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.224, 244.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 611
Bạch Dương