Thế nào là “nhân tài”? Cách gọi của ông cha chúng ta thời phong kiến và của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rõ hơn cả. Tiến sĩ Thân Nhân Trung (1418-1499), người vâng lệnh vua Lê Thánh Tông soạn bia tiến sĩ ở Quốc Tử Giám thành Thăng Long, gọi đó là “hiền tài”. Gọi “hiền tài” là với hàm ý trọn vẹn cả hai mặt “đức - tài”, còn nếu gọi “nhân tài” không thôi thì có khi chỉ nói lên một mặt “tài” mà thôi. Còn theo cách gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì đó là “người tài đức”, “hiền năng”, hoặc như trong Di chúc, Người gọi đó là những người vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Nhân tài là tinh chất, tinh túy, tinh hoa của cộng đồng. Có nhân tài ở tầm cộng đồng của nhóm dân cư, có nhân tài ở tầm quốc gia, có nhân tài ở tầm quốc tế. Có nhân tài chỉ ở một mặt/một lĩnh vực nào đó. Khỏi phải nói, nhân tài quý giá như thế nào, bởi vì hiền tài là nguyên khí ko của quốc gia. Căn cứ để tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nhân tài không chỉ trong di sản những bài nói, bài viết mà còn là tìm trong cả những hành động thực tế của Người.
Nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nhân tài có nhiều. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu hai nội dung cơ bản nhất: 1) Phát hiện, thu hút nhân tài; 2) Sử dụng nhân tài. Sau đó, bài viết nêu lên một số vấn đề có liên quan đặt ra hiện nay.
Phát hiện, thu hút nhân tài
Hiền tài có loại tự nhiên mà có, tức là do bẩm sinh, do năng khiếu; có loại do tự tu dưỡng, tự học tập, tự rèn luyện, phải qua một quá trình được đào tạo, bồi dưỡng; có loại do cả hai. Có loại thì được những người, những tổ chức có thẩm quyền nào đó phát hiện ở dưới dạng “mầm mống” rồi cho đi đào tạo, bồi dưỡng để phát triển nhân tài.
Trong thời phong kiến, các khoa thi mở ra (từ năm 1075 đến năm 1919) theo nền giáo dục Hán học là trên cơ sở từ các nguồn tự do, có cả tự học, có cả học ở các trường làng, rồi thi đỗ, sau khi thi đỗ, bổ ra làm quan tuỳ theo mức đỗ đạt ở từng khoa thi. Và, theo cách tuyển chọn, bổ nhiệm quan chức qua thi cử ở thời phong kiến như vậy, nói chung, nhân tài (hiền tài) bao gồm những người có trình độ học vấn cao sau các kỳ thi hương, thi hội, thi đình. Trong quá trình người đó làm quan, có thể bị thăng - giáng theo kết quả hành động thực tế, nghĩa là cái tài của người đó luôn luôn bị/được thử thách trong thực tiễn, được kiểm nghiệm nghiêm ngặt trong thực tế. Thường là người có công được thưởng bổng lộc (chứ không phải người có công lại đem chức tước ra mà thưởng); người có tài được thăng chức hoặc được sử dụng vào chức vụ thích hợp hơn để người đó phát huy tác dụng tốt hơn nữa tài năng của mình; người vừa có công vừa có tài có khi vừa được thưởng bổng lộc và vừa được thăng chức.
Đó là nói về hệ thống hiền tài theo hệ thống chính trị - xã hội của nhiều triều đình phong kiến Việt Nam. Còn trong dân gian thì hiền tài vẫn được thể hiện theo cách riêng mà cộng đồng dân cư công nhận. Có khi đó là những ông thầy đồ dạy học; có khi đó là những người tài đức mặt này, mặt nọ do tự học, tự rèn luyện nhưng không đi thi, mà ở ẩn nơi làng quê; có khi đó là người có “tài lẻ” (những nghệ nhân chẳng hạn) họ đem cái tài đó mưu sinh đồng thời giúp ích cho đời; có khi đó là “thần đồng”, v.v.
Dưới chế độ chính trị mới từ năm 1945 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, Đảng và Nhà nước ta, nhất là lãnh tụ Hồ Chí Minh – Chủ tịch nước và đến năm 1951 còn là Chủ tịch Đảng – rất quan tâm đến vấn đề nhân tài, chú ý phát hiện nhân tài và những người có khả năng trở thành nhân tài.
Bức thư dưới đây với tiêu đề Tìm người tài đức đăng báo Cứu quốc số 411 ngày 20-11-1946 thể hiện rõ hơn cả quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tìm và thu hút nhân tài. Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ không nghe đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó”.
Quan điểm này là sự tiếp nối nhất quán mà trước đó 1 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bài cũng đăng ở báo Cứu quốc, số 91 ngày 14-11-1945 với tiêu đề Nhân tài và kiến quốc, trong đó đoạn: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều. Chúng ta cần nhất bây giờ là kiến thiết ngoại giao, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục. Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn sàng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”.
Trong vấn đề thu hút và phát hiện nhân tài, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà điển hình ở hai bức thư đã dẫn trên đây, chúng tôi thấy có ba điểm nhấn: (1) Phải hết sức chú trọng việc này trong hệ thống chính trị và trong những cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; (2) Tự bản thân người đứng đầu phải là người đi tìm nhân tài; (3) Khuyến khích, kêu gọi, yêu cầu nhân dân tiến cử nhân tài. Cả ba điểm trên đây phải được đặt trong cái nền uy tín, thực tâm của tổ chức và con người làm công tác cán bộ, coi đó là điều kiện tiên quyết cho việc tiến hành công tác cán bộ.
Vì cái uy, cái đức và cái tâm trong sáng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện khá nhiều nhân tài ở mọi giai tầng ở nước ta, dù ở vùng miền nào, dù có quá khứ ra sao, và kiên trì mời/cảm hóa họ tham gia bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặc dù một số người không chỉ mời một lần, hoặc một số người còn mặc cảm với cộng sản và chế độ chính trị mới.
Sử dụng nhân tài
Trong sử dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý tới ba mặt: 1) Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nhân tài; 2) Sử dụng đúng yêu cầu của công việc và hợp khả năng của nhân tài; 3) Luôn luôn trân quý và tạo động lực để nhân tài cống hiến ngày càng nhiều cho đất nước.
Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng là một khâu quan trọng trong chuỗi tạo ra nhân tài. Nhìn từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì có thể thứ tự trong chuỗi đó sẽ là: Phát hiện người có khả năng trở thành nhân tài; Lựa chọn đưa đi đào tạo; Xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp với hoàn cảnh, yêu cầu, đối tượng; Đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu; Phương pháp đào tạo tích cực; Cơ sở vật chất phù hợp; Quản lý đào tạo tốt; Ý thức tự rèn luyện, tự học tập của người học, v.v.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tự học là chủ yếu, thời gian học trên ghế nhà trường không nhiều. Người không câu nệ vào chứng chỉ, bằng cấp mà quan niệm việc học là «để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại» như Người ghi vào quyển sổ của Trường Nguyễn Ái Quốc khi đến thăm Trường, tháng 9-1949.
Điều này hoàn toàn theo quan điểm nhất quán của Người khi rất coi trọng công tác huấn luyện cán bộ, coi đó là «công việc gốc của Đảng», khi tỏ rõ thái độ rằng, không được bủn xỉn đối với việc bố trí kinh phí trong công tác huấn luyện cán bộ, không được «coi đồng tiền to như cái nống» ; học phải đi đôi với hành, lý luận đi liền với thực tiễn, tự học là chủ yếu, có sự hướng dẫn của giáo viên.
Sử dụng đúng yêu cầu của công việc và hợp khả năng của nhân tài là quan điểm được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng. Người cho rằng, dụng nhân như dụng mộc, nghĩa là phải bố trí nhân tài đúng chỗ, đúng việc để họ phát huy khả năng của mình, phải tùy tài mà dùng người, «chớ bảo người thợ mộc đi rèn dao và người thợ rèn đi đóng tủ».
Luôn luôn trân quý và tạo động lực để nhân tài cống hiến ngày càng nhiều là một điểm chú ý nữa của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng. Nghĩa là phải quan tâm, chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân tài. Ở đây là chính sách đãi ngộ, là sự cảm thông, là sự giúp đỡ nhân tài lúc khó khăn, là tạo điều kiện cho môi trường làm việc để cống hiến, thậm chí còn là sự bảo vệ, cả bảo vệ tính mạng của cá nhân nhân tài và gia đình họ trong chiến tranh hoặc trong những tình huống rủi ro của cuộc sống, v.v.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hoá, quy tụ, sử dụng được nhiều nhân tài để phục vụ đất nước, kể cả những nhân sĩ, những người trí thức cũ, những quan lại của chế độ phong kiến. Hàng loạt nhân sĩ trí thức và quan lại tài giỏi của chế độ cũ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia công việc của Nhà nước mới, tiêu biểu là: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Dương Đức Hiền, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe, Đào Trọng Kim, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển (trí thức cũ); Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phan Anh (quan lại của chế độ cũ), v.v.
Một số vấn đề đặt ra hiện nay
Huy động nhân dân phát hiện nhân tài cho đất nước. Nhân tài của nước ta có khắp mọi vùng miền, mọi giai cấp, tầng lớp, mọi lứa tuổi, kể cả trong Đảng và ngoài Đảng. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ - điều đó đúng và phải bao gồm cả việc Đảng dựa vào nhân dân để phát hiện, giới thiệu nhân tài cho đất nước.
Công tác cán bộ nói chung, đặc biệt là phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài, do đó, không phải chỉ là công việc của Đảng, mà cái chính là công việc thường xuyên của nhân dân.
Coi trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Không ai cho rằng, những học viên của Trường viết văn Nguyễn Du (trước đây) sau khi tốt nghiệp thì đều chắc chắn sẽ trở thành trở thành nhà văn, nhà thơ, trừ người đó vốn đang là nhà văn, nhà thơ đi học Trường này.
Cũng như vậy, không phải ai vào học lớp dự nguồn cho khóa nào đó của cấp ủy, sau khi tốt nghiệp rồi tất cả sẽ đủ tiêu chuẩn trở thành ủy viên cấp ủy; những sinh viên của những lớp đào tạo cử nhân tài năng của một số trường đại học khi tốt nghiệp rồi thì sẽ trở thành nhân tài; những em được các cơ sở đào tạo vận động viên thể thao được đào tạo từ tấm bé không phải tốt nghiệp rồi ai cũng có thể trở thành nhân tài trong lĩnh vực thể thao, v.v.
Công việc đào tạo con người Việt Nam tài năng trong thời kỳ mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những công việc trọng yếu của nước nhà.
Muốn có xã hội phát triển theo cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải có con người 4.0. Nhiều quốc gia đang xây dựng những “thành phố thông minh” (SmartCity). Gần đây, nhiều thành phố ở Việt Nam cũng muốn xây dựng thành phố thông minh. Nhưng, muốn có thành phố thông minh thì phải có con người thông minh. Muốn thế thì phải giao sự nghiệp này cho những người thông minh (những người tài năng). Như thế đủ biết việc đào tạo nhân tài quan trọng như thế nào.
Điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, có thể một số người cho rằng nói như thế thì duy ý chí, nhưng thực tế thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề như vậy là cực kỳ chính xác, bởi vì con người vừa là sản phẩm tự nhiên đồng thời vừa là chủ thể để xây dựng một chế độ xã hội mới. Con người vừa là kết quả khi đứng ở góc độ này mà nhìn, lại vừa là nguyên nhân khi đứng ở góc độ kia mà xét. Nhưng, dù đứng ở góc độ nào đi chăng nữa, con người vẫn chiếm vị trí trung tâm, là nhân tố quyết định tới việc xây dựng một xã hội mới.
Để có người Việt Nam tài năng đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong toàn cầu hóa thì nguồn nhân lực phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau: 1. Có sức khỏe tốt (hiểu sức khỏe là cả về thể xác và tinh thần, theo đúng quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của UNESCO); 2. Có tinh thần yêu nước; 3. Có đạo đức tốt (bao gồm cả đạo đức nghề nghiệp); 4. Có kỹ năng sống (bao gồm cả trí lực và kỹ năng trong công việc); 5. Có trách nhiệm công dân; 6. Con người Việt Nam có những tố chất cơ bản của “công dân toàn cầu” trong thế giới phẳng và trong hội nhập quốc tế.
Muốn cạnh tranh thì phải có sức mạnh, có thế mạnh, biết nắm lấy mọi cơ hội thuận lợi của Thiên - Địa - Nhân để có được thế chân vạc Thời - Thế - Lực. Con người Việt Nam trong cuộc sinh tồn và phát triển, phải đi lên bằng sức mạnh cạnh tranh đúc từ sức mạnh nội tại kết hợp với yếu tố bên trong và bên ngoài, biết biến ngoại lực thành nội lực. Để làm được những công việc đó thì rất cần nhiều người tài năng có đủ phẩm chất và năng lực, chứ không cần những con người ngồi cầu Trời khấn Phật theo cách như cầu cho quốc thái dân an, hay như khi gặp khó thì ngồi khóc rồi Bụt (Buddha) hiện lên giúp cho.
Làm trong sạch môi trường văn hóa đạo đức. Tại sao lại đặt vấn đề khi đào tạo nhân tài Việt Nam, phải làm sạch môi trường văn hóa đạo đức? Lôgíc tất yếu này cũng tương tự tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người viết bài Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng dịp Kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (năm 1969) mà nhiều người góp ý, nhưng Người không nhượng bộ với cách đảo vế ở tựa đề đưa nâng cao đạo đức cách mạng lên trước quét sạch chủ nghĩa cá nhân. (Sau này, tiêu đề đăng báo là Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nhưng trong nội dung vẫn để nguyên thứ tự đặt vế quét sạch chủ nghĩa cá nhân lên trước vế nâng cao đạo đức cách mạng.)
Nếu môi trường văn hóa đạo đức bị ô nhiễm thì rất khó hoặc không thể nào xây dựng được con người Việt Nam tài năng một cách thuận lợi được, nói như câu ngạn ngữ của nước ngoài: nếu trong môi trường như thế mà cứ muốn làm việc thiện thì như con lạc đà chui qua lỗ kim. Vậy, xét về mặt nào đó thì môi trường văn hóa đạo đức trong sạch chính là một điều kiện quan trọng cho cả quá trình đào tạo nhân tài Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Xây dựng cơ chế khuyến khích người Việt Nam trở thành chuyên gia. Cần chú ý bỏ đặc quyền đặc lợi đối với những người có chức quyền và khuyến khích nhân tài.
Những người có trách nhiệm trong công tác cán bộ phải có con mắt quan sát tài tình và với cái tâm lành, cái trí sáng, cái uy đức cũng như sức cảm hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhìn thấy và sử dụng nhiều nhân tài. Nếu không thì sẽ có thái độ định kiến, xa lánh nhân tài, vì người tài hay có nhiều ý kiến phản biện rất không thuận tai, hoặc nếu không thì chỉ nặng lạm dụng các biện pháp kỹ thuật (như lấy phiếu) trong công tác tìm kiếm, thu hút và sử dụng nhân tài. Lá phiếu chứa chất đầy những yếu tố rủi ro có thể do cử tri không có đủ thông tin cần thiết về người mà mình bỏ phiếu, do thông tin bị can nhiễu, do bị “chạy”, do gian lận, v.v.
Ngoài việc làm như hiện nay, tức là thông qua các cấp rồi giới thiệu, quy hoạch, thử thách, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm…trong đó có sử dụng lấy phiếu tín nhiệm, còn phải chú ý làm theo cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ người đứng đầu, người có trách nhiệm trong công tác cán bộ phải trực tiếp quan sát, nghiên cứu, tìm hiểu sâu sát để phát hiện nhân tài. Cũng giống như một số nước đã sử dụng cách “săn đầu người”, nghĩa là không ngồi trong phòng lạnh đọc hồ sơ, lý lịch ứng viên, mà phải lặn lội đi tìm người có khả năng để tạo nguồn đào tạo.
Một điều nữa cần lưu ý. Môi trường đào tạo cũng là một điều kiện để đào tạo nhân tài. Đặng Thái Sơn không thể nào đạt tới trình độ giải nhất cuộc thi quốc tế chơi nhạc Chopin năm 1980 nếu học tập tại Việt Nam mà không gặp được đúng thầy, đúng trường ở Liên Xô. Bưởi Diễn chỉ ngon như người ta công nhận là “Bưởi Diễn” khi nó được trồng ở Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Tp.Hà Nội); “Húng Láng” chỉ thơm đặc trưng mùi “Húng Láng” khi được trồng ở Láng, Hà Nội chứ không phải trồng ở Mã Pí Lèng của tỉnh Hà Giang hoặc ở Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, v.v.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi nhắc lại rằng, nhân tài là nguồn vốn vô cùng quý báu của một cộng đồng, cần được thườn xuyên nâng niu, trân quý, chăm bẵm. Học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút và sử dụng nhân tài cho đất nước vẫn luôn luôn là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta, ở trong tất cả các ngành, địa phương, ở những người đứng đầu trong tổ chức. Tinh thần và thái độ này phải được thực hành có hiệu quả trong thực tế.
Lê Miên