1. Nội dung cơ bản của tư tưởng “Thà ít mà tốt”
Theo V.I.Lênin, bộ máy nhà nước được xem là một tổ chức mạnh không phải vì số lượng của nó mà chủ yếu là ở chất lượng. Theo quy tắc “Thà ít mà tốt”, V.I.Lênin đòi hỏi, bộ máy nhà nước vô sản (nhà nước Xô Viết) phải tinh gọn, đội ngũ cán bộ, nhân viên phải có chất lượng cao, trách nhiệm và gương mẫu. Do đó, theo tinh thần của V.I.Lênin việc cải tiến bộ máy nhà nước cần thực hiện 2 vấn đề quan trọng: cơ cấu tổ chức bộ máy và cán bộ, nhân viên trong bộ máy đó.
V.I.Lênin (1870-1924)
Theo V.I.Lênin, bộ máy nhà nước cần phải gọn nhẹ, trong sạch, gương mẫu, dựa trên khối liên minh chính trị của giai cấp công - nông, phải làm mới cả về số lượng và chất lượng để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động. Để đạt được điều đó thì phương châm chủ yếu cải tổ bộ máy phải có trọng tâm, trọng điểm; phải tiến hành vững chắc, thận trọng, không lề mề, kém hiệu quả, “phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy chúng ta. Chúng ta bài trừ mọi vết tích lãng phí mà nước Nga quân chủ và bộ máy quan liêu tư bản chủ nghĩa của nó đã để lại đầy rẫy”[1]. V.I.Lênin cho rằng: “Phải vĩnh viễn vứt bỏ ngay tất cả những tiêu chuẩn chung về số lượng nhân viên của cơ quan thuộc bộ ấy. Chúng ta phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ của Bộ dân ủy thanh tra công nông, căn cứ vào một sự kiểm tra nghiêm ngặt nhất, chứ không khác được”[2]. Người cho rằng, việc cải tổ bộ máy nhà nước phải được thực hiện tuần tự, kiên trì không được hấp tấp, vội vàng, dễ dãi trong tuyển dụng cán bộ thanh tra, kiểm tra.
Đặc biệt, V.I.Lênin chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng yếu kém của bộ máy nhà nước là do yếu kém của cán bộ, nhân viên. Vì thế, để bộ máy nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, hiệu quả, thì việc đào tạo, tuyển dụng cán bộ phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan, khoa học. V.I.Lênin khẳng định rằng, vì yếu tố con người có vai trò quyết định đến hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, nên trong đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước phải đặc biệt quan tâm và bắt đầu từ công tác cán bộ.
2. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay
Trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, có đủ đức, tài là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đảng. Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đã xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Tiếp thu tư tưởng “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin, vận dụng vào nước ta để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chứccần tập trung thực hiện những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước
Để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước, của đội ngũ cán bộ công chức, thì một trong những vấn đề mà V.I. Lênin quan tâm hàng đầu đó là xây dựng một bộ máy gọn nhẹ, số lượng các tổ chức, đội ngũ cán bộ công chức hợp lý. Muốn làm được điều đó, thì cải tiến bộ máy nhà nước theo hướng thà ít mà tốt phải tiến hành sàng lọc, tinh giảm biên chế.
Ở nước ta, từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện bộ máy nhà nước; đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách về tinh giản biên chế, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay “tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”[3]. Do vậy, để xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh cần phải tổ chức sát hạch, đánh giá lại năng lực của đội ngũ cán bộ, phải bố trí nhân sự theo đúng chuyên môn theo nguyên tắc đúng người, đúng việc, tiến hành mạnh mẽ tinh giản biên chế ở các cấp. Đây là khâu hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của cách mạng.
Hội nghị lần thứ Bảy Ban chấp hành Trung ương Khóa XII thông qua Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Theo V.I.Lênin, đồng thời với giảm bớt về số lượng, thì cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Ông yêu cầu: phải “học, học nữa, học mãi” phải rèn luyện cả năng lực chuyên môn lẫn phẩm chất chính trị, đạo đức. Do vậy, để khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức hiện naythì cần phải: thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức. Nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng phải sát với từng đối tượng, có yêu cầu cụ thể, gắn với từng cấp, từng ngành, từng nhiệm vụ theo cương vị, chức trách. Hình thức phải được vận dụng một cách phong phú, đa dạng, kết hợp giữa quá trình giáo dục với quá trình tự giáo dục, rèn luyện của từng cá nhân.
Đối với năng lực chuyên môn: cán bộ, công chức phải thường xuyên học tập để không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là nâng cao trình độ lý luận, nâng cao khả năng tổng kết thực tiễn. Đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức mới, những tri thức mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Đặc biệt trong giai đoạn đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có đầy đủ những tri thức cần thiết để nắm bắt, làm chủ dưới sự tác động của cuộc cách mạng đó. Để làm được điều này chúng ta cần tăng cường hội nhập quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để học tập các mô hình, kiến thức từ các nước phát triển.
Thứ ba, đối với công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức
Để xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh thì phải tuyển dụng cán bộ, công chức nghiêm túc, khách quan, khoa học, thông qua những tiêu chuẩn rõ ràng; phải tuyển được người giỏi và có tài năng thực sự, đáp ứng tốt yêu cầu, vị trí công việc; phải nêu cao nguyên tắc “thà ít mà tốt” trong việc tuyển dụng cán bộ, công chức; phải tuyển người có khả năng làm việc hiệu quả; phải tránh xảy ra tình trạng thừa người biên chế, thiếu người làm được việc; phải khắc phục được những tiêu cực trong tuyển dụng; phải khắc phục dần tình trạng “ăn non, ăn xổi” trong sử dụng cán bộ ở một số nơi như hiện nay.
Tuyển dụng cán bộ cần: tiêu chuẩn hóa, dân chủ hóa, trách nhiệm hóa, cấp độ hóa, kiểm nghiệm hóa, trong quá trình tuyển chọn và sau khi tuyển chọn theo cấp độ rất cần kiểm nghiệm lại người được tuyển chọn một cách linh hoạt, khéo léo.Để sử dụng cán bộ có hiệu quả thì đòi hỏi đội ngũ làm công tác tổ chức - cán bộ cần có chất lượng, đội ngũ này trước hết phải tinh thông kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề và quan trọng hơn cả là cái tâm với công việc.
Trong sử dụng cán bộ, công chức cần giám sát, kiểm tra thường xuyên cán bộ theo các nội dung như: tư tưởng, công tác, quan hệ và sinh hoạt. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi cán bộ có dấu hiệu sai lầm.
Những thành tựu to lớn đạt được trong 35 năm đổi mới là sự minh chứng cho khả năng hoàn thành những mục tiêu xây dựng đất nước. Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn gian nan, thử thách, thời cơ và thử thách đang còn hiện hữu, tổ chức bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập… thì việc học tập, vận dụng tư tưởng “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là cần thiết. Song đây là công việc không đơn giản, không phải tiến hành trong ngày một ngày hai, cho nên phải kiên trì, chủ động, sáng tạo để từng bước hoàn thiện bộ máy nhà nước và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh.
------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] V.I.Lênin. Toàn tập, Nxb Tiến bộ - Maccova, 1978, tập 45, tr 458.
[2] V.I.Lênin. Toàn tập, Nxb Tiến bộ - Maccova, 1978, tập 45, tr 446.
[3] http://dangcongsan.vn.
Chinh Tran