Cho đến ngày nay, dù Liên Xô không còn là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhưng thành quả hiện thực hóa ước mơ cách mạng xã hội chủ nghĩa vẫn luôn nằm trong tâm niệm của người dân Liên bang Nga. Khảo sát năm 2020 cho thấy 75% người được hỏi cho rằng thời kỳ Xô-viết là huy hoàng nhất trong lịch sử đất nước Nga[1].
Với khát vọng tìm đường giải phóng dân tộc, vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã đến với bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Người đã nhận thấy con đường duy nhất giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức,lầm than của chế độ thuộc địa với lời nói trào dâng trong căn phòng nhỏ: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[2]. Từ giờ phút đó, ước mơ giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn liền với chủ nghĩa xã hội, và trở thành động lực nền tảng để Đảng ta dẫn dắt sự nghiệp cách mạng Việt Nam trên con đường đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nước Nga ngày nay vẫn trân trọng những giá trị của cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Ảnh: Internet.
Hoàn toàn có thể khẳng định, cách mạng Việt Nam là một minh chứng hùng hồn cho sự hiện thực hóa gian nan nhưng tràn đầy niềm tin đối với ước mơ về một chế độ xã hội lấy con người làm trung tâm và chủ thể của sự phát triển, lấy tiến bộ và công bằng xã hội là mục tiêu của mọi đường lối và chính sách phát triển.
Đến nay, nước ta đã đạt được những thành tựu tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội đáng tự hào và không thể phủ nhận. Từ một quốc gia phải nhận viện trợ để mua lương thực cứu đói đến một quốc gia xuất khẩu gạo và lương thực hàng đầu thế giới; từ một quốc gia bị bao vây cấm vận cả về kinh tế và chính trị, ngoại giao đến một quốc gia có quan hệ ngoại giao và thương mại với hơn hai trăm nước và vùng lãnh thổ, với nền kinh tế có độ mở vào hàng cao nhất trên thế giới. Và quan trọng nhất, từ một quốc gia phải tự tìm cách thức, lộ trình phát triển trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa kiểu Liên xô và Đông Âu sụp đổ vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đến một quốc gia tự tin khẳng định mục tiêu phát triển cao cho đến giữa thế kỷ XXI.
Ba điểm nổi bật thể hiện tiến trình hiện thực hóa từng bước vững chắc phương diện phát triển xã hội, phát triển con người ở Việt Nam trong những năm vừa qua, là:
Thứ nhất, thành tựu tăng trưởng kinh tế được chuyển hóa sang nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của người dân
Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 3.400 USD năm 2020[3]. Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai mạnh mẽ, chuyển từ cách tiếp cận dựa vào thu nhập sang tiếp cận đa chiều, tập trung vào nhóm hộ nghèo nhất. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020. Các chương trình chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội được đầu tư và triển khai theo cả chiều rộng và chiều sâu: tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đạt 73,7 năm; bảo hiểm xã hội đã bao phủ 32,7%, bảo hiểm y tế bao phủ 90,7% dân số, số năm đi học bình quân của người Việt Nam đạt 8,3 năm, tuy nhiên số năm đi học triển vọng của trẻ em bắt đầu đi học trong năm 2020 đã là 12,3 năm[4].
Tất cả những thành tựu về giáo dục, y tế và tăng trưởng kinh tế đã đóng góp quan trọng vào việc,năm 2020, Việt Nam bước vào nhóm các quốc gia có chỉ số Phát triển con người - HDI cao: 0,704. Trong tương quan với thu nhập bình quân đầu người (thứ 144/213 quốc gia) thì chỉ số Phát triển con người Việt Nam đã ở mức cao hơn (117/189 quốc gia).
Việt Nam đang hiện thực hoá ước mơ phát triển, xây dựng một quốc gia cường thịnh. Ảnh minh hoạ.
Thứ hai, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống chương trình và chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội thích hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước
Nổi bật trong giai đoạn hiện nay là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo tiêu chí nghèo đa chiều. Trọng tâm của chương trình chuyển dịch từ việc xóa đói nghèo trực tiếp sang tăng cường các cơ hội tiếp cận nguồn lực cho người nghèo để họ có thể thoát nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, nhu cầu của người nghèo về vốn, về giáo dục, về chăm sóc sức khỏe, về nước sạch và về thông tin được quan tâm giải quyết ở cấp độ hộ gia đình và cộng đồng. Cùng với chương trình này, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núicũng được triển khai. Trong giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tập trung đầu tư cho 10 dự án lớn từ hạ tầng đến sinh kế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tiếp cận thông tin… để quyết liệt thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc và vùng miền.
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018, về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã khẳng định mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân trên cơ sở phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững… Với kết quả đạt bao phủ bảo hiểm xã hội trong năm 2020 là 32,7%, Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2025 là 35% và 2030 là 45% dân số có bảo hiểm xã hội.
Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010 và 2011 - 2020 đã liên kết chặt chẽ hiệu quả cải cách hành chính và cải cách thể chế thông qua phục vụ người dân thông qua các dịch vụ xã hội cơ bản cũng như các hoạt động của cơ quan công quyền trong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hàng ngàn thủ tục hành chính gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp và người dân đã được loại bỏ, đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; gia tăng mức độ hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan công quyền, xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số… là một số thành tích cơ bản góp phần thực hiện các chương trình, chính sách phát triển xã hội có hiệu quả hơn. Sự hài lòng của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục… có xu hướng gia tăng liên tục trong giai đoạn 2016 -2020[5].
Thứ ba, đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Năm 2015 cùng với 200 quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã ký cam kết theo đuổi Các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals) cho giai đoạn đến năm 2030. 17 mục tiêu này bao gồm các vấn đề xã hội mang tính truyền thống vẫn cần được giải quyết như xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới… đồng thời đưa ra các vấn đề mới phản ánh sự thay đổi về chất của các vấn đề phát triển xã hội như: tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; thúc đẩy học tập suốt đời, giảm bất bình đẳng xã hội, sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm. Những vấn đề mới này có thể được coi là điển hình cho các quốc gia đã bước vào mức thu nhập trung bình.
Dự báo tiến trình và có lộ trình ứng phó, giải quyết các vấn đề mới nêu trên sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc đạt các mục tiêu phát triển của đất nước. Thừa hưởng thành tựu của giai đoạn thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs 2000 - 2015), Đảng và Nhà nước đã khẳng định phát triển bền vững theo chương trình Nghị sự 2030, trong đó có phát triển xã hội bền vững là yêu cầu và thước đo đối với các nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam[6]. Quyết tâm chính trị trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đã được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Theo thang điểm tiến độ thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đạt 73,8/100 vượt trên mức điểm trung bình của khu vực châu Á là 67,2 điểm và trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp là 61,6 điểm, xếp thứ 44/166 quốc gia[7].
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát cô đọng và giàu cảm xúc những ước mơvà kỳ vọng của người dân về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bằng 5 mệnh đề “Chúng ta cần”, trong đó, mệnh đề đầu tiên là: Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người[8]. Với chúng ta, trên đất nước của mình, kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga cũng là dịp để chúng ta lắng đọng nhìn lại bài học lịch sử từ thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga, sự lựa chọn lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn một trăm năm trước đây, để thêm suy nghĩ và động lực hành động hiện thực hóa ước mơ của dân tộc và cũng của nhân loại về một chế độ xã hội tốt đẹp vì Con người.
Phương Đình