Từ khát vọng trong bản Tuyên ngôn độc lập…
Với một dân tộc đang đắm chìm trong kiếp nô lệ, lầm than, khát vọng được sống, được độc lập, tự do như một ngọn lửa bất diệt âm ỉ cháy mãi và chỉ chờ thời cơ bùng lên. Khát vọng ấy của dân tộc Việt Nam được khởi nguồn khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định rời xa Tổ quốc, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước trên con tàu Latouche - Tréville vào ngày 05/6/1911. Để rồi, hành trình diệu kỳ ấy đã đưa Người đến với bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân Đạo vào ngày 16 và 17/7/1920. Người nhận thấy và khẳng định: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Sơ thảo Luận cương cùng chủ nghĩa Mác-Lênin đã trở thành kim chỉ nam soi sáng con đường cách mạng giải phóng để dân tộc Việt Nam hoàn thành khát vọng độc lập, tự do cho riêng mình. Và rồi, với khát vọng mãnh liệt đó, với truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường của dân tộc cùng sự lãnh đạo thiên tài của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám -một thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã thành công, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, kỷ nguyên nhân dân ta là người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình để cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một chân lý bất biến của thời đại: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Từ đó suy rộng ra: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Trong lời cuối của bản Tuyên ngôn, ý chí, khát vọng và chân lý ấy đã được Người một lần nữa nhấn mạnh để khẳng định sức sống trường tồn, ý chí bất diệt của dân tộc ta: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[1].
Đại hội XIII của Đảng khẳng định khát vọng phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Ảnh minh hoạ.
…Đến khát vọng phát triển đất nước hùng cường ngày nay
Sau Ngày Độc lập, đất nước ta lại tiếp tục những cuộc trường chinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và hai mươi mốt năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để non sông thành một dải thống nhất. Đó là cuộc chiến đấu chính nghĩa nơi phên dậu phía Tây Nam, nơi biên cương phía Bắc và trên Biển Đông để bảo vệ lãnh thổ quốc gia, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong những năm tháng lịch sử đó, dân tộc ta đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách cả bên trong lẫn bên ngoài. Thế nhưng, với ý chí, khát vọng độc lập, tự do đã được hun đúc, nuôi dưỡng, trao truyền qua bao thế hệ; bằng máu xương, mồ hôi, công sức của lớp lớp người Việt Nam, đất nước đã từng bước vượt qua mọi sóng gió, thử thách nghiệt ngã của lịch sử. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh biên giới quốc gia được bảo đảm. Luồng gió Đổi mới bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) đã dần đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Từ một đất nước đói nghèo, lạc hậu, “Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2025, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP 571,1 tỷ USD, xếp sau Indonesia (1.628,9 tỷ USD) và Thái Lan (632,4 tỷ USD), vượt qua Malaysia (556,2 tỷ USD), Philippines (523,5 tỷ USD), Singapore (496,8 tỷ USD)”[2]. Cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày một được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được phát huy và giữ vững; niềm tin của Nhân dân với Đảng luôn được củng cố, bền chặt. Với đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190/193 quốc gia trên thế giới; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế với vai trò ngày càng to lớn và tích cực đã được thế giới ghi nhận.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Internet.
Tại Đại hội XIII của Đảng, khát vọng phát triển đất nước đã được khẳng định như là một tuyên bố chính trị để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc cùng đoàn kết và hiện thực hóa trên cơ sở những chủ trương, định hướng cụ thể. Khát vọng ấy được đề ra trên cơ sở sự soi chiếu lịch sử khát vọng độc lập, tự do và vươn lên của dân tộc Việt Nam anh hùng như trong bản Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định. Khát vọng ấy được nhìn nhận qua những thành quả, nỗ lực không mệt mỏi để tạo nên cơ đồ, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế. “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[3]. Khát vọng ấy chính là sự tiếp nối khát vọng độc lập, tư do, hạnh phúc mà Hồ Chí Minh đã định hình trong bản Tuyên ngôn độc lập và đã trở thành lý tưởng, lẽ sống, hệ giá trị trong xây dựng, phát triển đất nước ngày nay. Đó như là mạch nguồn khát vọng được giao thoa, chuyển tiếp qua từng bước đi của thời đại nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hiện thực hóa công cuộc phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và vọng ước của toàn dân tộc.
Đã 77 năm trôi qua kể từ khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Việt Nam đang tiếp tục kiên định trên con đường thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Dẫu còn đó bao thử thách, chông gai, nhưng với sự đoàn kết, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, với khát vọng cháy bỏng của muôn triệu người con đất Việt về đất nước phồn vinh, cường thịnh, với những nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục, không ngừng nghỉ thì mục tiêu ấy sẽ sớm thành hiện thực để tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Lê Thủ