Tuyên ngôn độc lập - lời khẳng định của một dân tộc độc lập, tự chủ
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Không chỉ khẳng định quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người là sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, Tuyên ngôn độc lập còn phát triển sáng tạo để đi đến một chân lý hiển nhiên không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(1).
Tuy nhiên, những quyền đó của dân tộc Việt Nam đã bị tước bỏ, chà đạp dưới ách áp bức, đô hộ của thực dân Pháp hơn 80 năm. Để giành lại độc lập, tự do cho đất nước, giành lại quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc cho mỗi con người, toàn thể dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên dưới ngọn cờ của Đảng để đánh đuổi thực dân, phong kiến. Kết quả của cuộc đấu tranh đó là “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(2). Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố dứt khoát “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam” để xác lập nền độc lập, tự chủ cho nước nhà và khẳng định các nước đồng minh “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Người trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”(3).
Lễ đài Độc lập ngày 2-9-1945. Ảnh Tư liệu.
Vậy là, kể từ thời khắc này, kỷ nguyên độc lập, tự do được mở ra với dân tộc Việt Nam với đầy đủ quyền độc lập về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Kỷ nguyên ấy được nối tiếp từ truyền thống hào hùng, bất khuất của dân tộc ta khi luôn đoàn kết, chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền đất nước qua bao cuộc trường chinh suốt mấy ngàn năm lịch sử. Và khi đã giành được nền độc lập, tự do, “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(4). Đó chính là phẩm cách, ý chí của dân tộc xuyên suốt chiều dài lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; là lời khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ của đất nước Việt Nam, được cộng đồng quốc tế công nhận.
Tuyên ngôn độc lập với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay
Hiện nay, tình hình chính trị - an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày một quyết liệt; tranh chấp về chủ quyền biển, đảo diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ xung đột cao…
Trong bối cảnh đó, những tư tưởng của Tuyên ngôn độc lập đã được Đảng ta vận dụng vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc một cách toàn diện, thấu đáo. Điều này thể hiện trước hết trong nhận thức của Đảng khi xác định đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu chủ yếu, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”(5).
Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng nhằm mục đích xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
Bản Tuyên ngôn độc lập. Ảnh Tư liệu.
Nhận thức đúng đắn bảo vệ Tổ quốc là tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, Đảng, Nhà nước đã xây dựng Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Trên cơ sở đó góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ đất nước, sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, độc lập dân tộc còn thể hiện sâu sắc qua vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như mối quan hệ với các nước lớn. Vận dụng những tư tưởng về độc lập, tự do, bình đẳng dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập, Đảng ta thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại với phương châm “độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia -dân tộc trên cơ ở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(6). Đồng thời, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong hợp tác và đấu tranh. Nhờ vậy, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng; vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, tạo nên thế và lực cho đất nước trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Thấm nhuần bài học về sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của nước nhà, Đảng ta luôn xác định phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, trong đó sức mạnh nội sinh của dân tộc là nhân tố quyết định. Bởi vậy, Đảng luôn chăm lo mục tiêu “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất”(7). Đồng thời, “Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(8) trên cơ sở khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khai sinh ra nước Việt Nam với đầy đủ quyền độc lập, tự do mà còn là kim chỉ nam soi sáng con đường bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Năm tháng trôi qua nhưng những tư tưởng mang tính thời đại trong bản Tuyên ngôn về quyền dân tộc, về khát vọng và ý chí đấu tranh giữ vững nền độc lập, tự do đã được xác lập vẫn vẹn nguyên giá trị để chúng ta vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Lê Thủ