Thưa các đồng chí,
Cách đây tròn 75 năm, trong những ngày toàn thể dân tộc ta, đồng bào ta đang sục sôi khí thế cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng ta đã đến Tuyên Quang xây dựng trung tâm lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, tích cực chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ để tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Từ đó, Tuyên Quang trở thành địa danh khắc ghi sâu đậm những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức, phong cách, tầm nhìn chiến lược và những quyết sách đúng đắn, cách mạng và khoa học của Người, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.
1. Tuyên Quang - căn cứ địa cách mạng trong tầm nhìn chiến lược giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, mùa xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với tầm nhìn xa rộng, nhãn quan chính trị sắc bén, sự chuẩn bị tích cực và chủ động về lực lượng đón thời cơ để giành thắng lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Người đã trù tính xây dựng địa bàn đứng chân, căn cứ địa cách mạng đáp ứng sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của phong trào đấu tranh, làm bàn đạp cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng chiến tranh nhân dân và kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người chỉ rõ: nơi ấy phải vững vàng; có địa thế hiểm yếu che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ; phải phát triển được lực lượng vũ trang; có chính quyền cách mạng của địa phương và có căn cứ địa vững vàng[1].
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: PV
Trên hành trình từ nước ngoài trở về Tổ quốc, cùng với quyết định lựa chọn Cao Bằng làm căn cứ địa để chỉ đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trù tính đến một địa bàn chiến lược khác, tiếp tục mở rộng và phát triển về xuôi, thông xuống nữa tiếp xúc với toàn quốc, để “khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”[2].
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn quyết định; quân Đồng minh giành được những thắng lợi lớn. Ở trong nước, phát xít Nhật tiến hành đảo chính hất cẳng thực dân Pháp. Nhận định thời cơ giành độc lập đã đến rất gần, để thuận lợi cho việc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pác Bó - Cao Bằng về Tuyên Quang - nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cả thế tiến công, phòng thủ đều thuận lợi trong sự lựa chọn sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Người. Sau một thời gian khảo sát, cuối tháng 5-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Nà Nưa (thôn Tân Lập - xã Tân Trào) làm nơi dựng lán để ở và làm việc, đồng thời cũng là “đại bản doanh” của cách mạng. Từ Tân Trào - Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta đã có những quyết sách lịch sử đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
2.Tuyên Quang - “Thủ đô” Khu giải phóng, nơi phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945
Trước yêu cầu chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa, đầu tháng 6-1945, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng phụ cận thuộc các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái đã thành lập Khu giải phóng Việt Bắc, chọn Tân Trào làm Thủ đô. Đây là căn cứ địa chính của cách mạng cả nước, hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam độc lập. Trong Khu giải phóng, hơn một triệu đồng bào ta bắt đầu được hưởng thành quả cách mạng; nhân dân náo nức, hân hoan trong không khí tự do của chế độ mới. Các chủ trương, chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh được thi hành đã nhanh chóng làm thay đổi cuộc sống của nhân dân, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng cả nước.
Chỉ trong một thời gian ngắn, tại Tân Trào, Tuyên Quang, đã diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là Hội nghị toàn quốc của Đảng, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, khẳng định quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam: “thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[3]. Đó là Quốc dân Đại hội - hội nghị Diên Hồng của thời đại mới, tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã nhiệt liệt tán thành và ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh; bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (sau đổi thành Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong không khí sục sôi cách mạng, từ Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa gửi quốc dân, đồng bào: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”[4]. Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy với ý chí dù có hy sinh đến đâu cũng phải giành cho được độc lập dân tộc. Hòa trong không khí hào hùng của cách mạng cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Tuyên Quang giành thắng lợi. Ngày 22-8, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Tuyên Quang ra mắt đồng bào.
Trước khi rời Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng về Hà Nội chuẩn bị cho thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc - Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với sự tinh tế, nhạy cảm chính trị và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn lại các đồng chí trong Đảng về trọng trách lớn lao vẫn còn đang ở phía trước của khu căn cứ địa Tuyên Quang: “Bây giờ, ta đã có chính quyền, chắc các cô, các chú cũng muốn về Hà Nội. Nhưng chưa được đâu! Lênin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Bởi vậy, các cô, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn… Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa…”[5].
Các đồng chí chủ trì Hội thảo. Ảnh: PV
3. Tuyên Quang – An toàn khu, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thắng lợi
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, cùng một lúc phải đối phó với nhiều thù trong, giặc ngoài. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng với việc củng cố chính quyền, bài trừ nội phản, “diệt giặc đói, diệt giặc dốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thực thi các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, tranh thủ thời gian củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, tích cực chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Trong hoàn cảnh ấy, thực dân Pháp lại rắp tâm xâm lược nước ta; buộc cả dân tộc ta lại một lần nữa vùng đứng lên với ý chí quật cường: “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[6].
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định trở lại căn cứ địa Việt Bắc, với niềm tin vững chắc như nhận định của Người: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”[7]. Căn cứ địa Việt Bắc tiếp tục đảm nhận trọng trách lịch sử của mình, là An toàn khu (ATK) bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến; là hậu phương vững chắc, xây dựng lực lượng cho tiền phương chiến đấu. Một lần nữa, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Tuyên Quang lại vinh dự, tự hào được bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ, che chở cán bộ, đảng viên, đóng góp to lớn vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong những năm 1947-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, các cơ quan Trung ương… cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã ở và làm việc tại Chiến khu Việt Bắc, trong đó chủ yếu là tại Tuyên Quang, Thái Nguyên và Bắc Kạn, đề ra những chủ trương, đường lối, quyết sách quan trọng. Bằng trí tuệ uyên thâm, tầm nhìn xa rộng, bản lĩnh vững vàng, Người đã lãnh đạo toàn thể dân tộc và hun đúc ý chí “quyết chiến, quyết thắng” của toàn dân, toàn quân ta, chăm lo xây dựng về mọi mặt để bảo đảm cho kháng chiến thắng lợi.
Tại vùng đất Tuyên Quang lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đã đề ra đường lối, phương châm “kháng chiến, kiến quốc”; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển nền dân chủ cộng hòa, xây dựng chế độ mới, trên mọi lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, ngoại giao, v.v. Giữa bối cảnh chiến tranh ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng ta đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ II của Đảng, tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), Chiêm Hoá, Tuyên Quang, đề ra Cương lĩnh xác định nhiệm vụ hoàn thành giải phóng dân tộc, mở rộng dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội; quyết định đưa Đảng ta ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam; bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, do Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng; hoàn thiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc” đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Đại biểu dự Hội thảo khoa học “Tuyên Quang trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ảnh: PV
Tại Tuyên Quang và Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh, nhiều chỉ thị quan trọng để lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc; chỉ đạo kịp thời về mọi mặt cho hoạt động của các khu, các tỉnh. Người có nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, chăm lo bồi dưỡng lực lượng kháng chiến,… Đây cũng là nơi Người đã viết nhiều bài báo và các tác phẩm nổi tiếng như: Đời sống mới, Sửa đổi lối làm việc, Dân vận, Thường thức chính trị, Lời kêu gọi thi đua ái quốc, v.v. thể hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành kim chỉ nam, ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.
Trong tình thế cách mạng bị bao vây bốn phía, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược gặp vô vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao, “phá vây”, mở rộng quan hệ quốc tế như: bí mật thăm Trung Quốc, Liên Xô; thực hiện liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương, v.v. tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Là nhà chiến lược quân sự thiên tài, tại An toàn khu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ đạo và tham gia nhiều chiến dịch lớn làm xoay chuyển cục diện chiến tranh; duyệt kế hoạch cụ thể cho từng chiến trường; tổng kết, rút kinh nghiệm cho từng chiến dịch như: Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông (1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Hòa Bình, Đông Xuân (1951-1952)… Tại Kim Quan, Yên Sơn, Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cuộc tấn công chiến lược Đông xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
4. Tuyên Quang làm theo lời Bác, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển
Trên các chặng đường quan trọng của cách mạng Việt Nam, Tuyên Quang - “Thủ đô” Khu giải phóng, An toàn khu, căn cứ địa chiến lược, đã hoàn thành trọng trách vẻ vang, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong lòng nhân dân cả nước, Tuyên Quang đã trở thành địa danh thiêng liêng, nơi khắc ghi những mốc son chói lọi trong “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.
Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Tuyên Quang luôn tự hào có được những tháng năm gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, có được sự thương yêu và quan tâm hết mực của Người. Trong lần về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tháng 3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay, tôi chắc rằng đồng bào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà”[8]. Người đi thăm lại Tân Trào, thăm Trung đoàn 246, Nông trường Sông Lô, Trường Dân tộc vùng cao. Người ân cần thăm hỏi, nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, với đồng bào, cán bộ, bộ đội, công nhân, các cháu thiếu nhi, học sinh các dân tộc với tình cảm hết mực gần gũi, thân thiết.
Sáu năm gắn bó với Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trong tâm khảm các thế hệ cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng; một hình ảnh cao đẹp của vị lãnh tụ, người thày vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người cha già hết mực giản dị, thương yêu, gần gũi của dân tộc Việt Nam.
Tuyên Quang đang đổi thay từng ngày. Ảnh: Internet
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Người, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, nêu cao quyết tâm chính trị, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện. Trong nhiệm kỳ vừa qua của Đảng bộ tỉnh, nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội được triển khai hiệu quả, được cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân đồng tình, hưởng ứng,đem lại những kết quả tích cực. Diện mạo từ đô thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc; phong trào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được thực hiện tốt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Quốc phòng-an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng. Đặc biệt, trong thời gian qua, cùng với nỗ lực chung của cả nước, Tuyên Quang đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh; sự đoàn kết, đồng lòng ủng hộ của nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch covid-19 và hiện nay đang nỗ lực tiếp tục vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, chăm lo đời sống của nhân dân phù hợp với tình hình mới. Điều đó cho chúng ta thêm phấn khởi và niềm tin vững chắc về tương lai phát triển tươi sáng của tỉnh Tuyên Quang.
Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng, ý chí, khát vọng đổi mới và phát triển trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; trước mắt, tổ chức thật tốt đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; củng cố, tăng cường hơn nữa niềm tin, sự gắn bó mật thiết của nhân dân đối với Đảng; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, xây dựng thế trận lòng dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; xác định mục tiêu, xây dựng chiến lược sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển ở phía Bắc; đồng tâm, đoàn kết xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, thỏa lòng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Trân trọng cảm ơn các đồng chí!
[1]Bác Hồ với Cao Bằng. Từ Pác Bó - Cao Bằng. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Cao Bằng xuất bản năm 1985, tr.103
[2]Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1977, tr.38.
[3]Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.225
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.596
[5]Lê Giản: Những ngày sóng gió, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1985, tr.103-106
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.534
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.239
[8]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.84-85
PV.